Có thể tổ chức 2 lần thi tốt nghiệp THPT trong năm
Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, điểm đáng lưu ý là, quy chế lần này có đề cập đến việc thi tốt nghiệp THPT lần 2.
Quy chế nêu rõ, điều kiện để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 (nếu có tổ chức kỳ thi lần 2) là những thí sinh có đủ điều kiện dự thi theo quy định nhưng chưa dự thi kỳ thi lần 1; Thí sinh đã dự thi kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp và không bị xử lý kỷ luật từ đình chỉ thi trở lên.
Nếu có tổ chức kỳ thi lần 2, đối với giáo dục THPT, thí sinh chưa tham dự kỳ thi lần 1 phải đăng ký thi tất cả các môn quy định ở kỳ thi lần 1. Với thí sinh có tham dự kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp sẽ thi lại tất cả các môn của kỳ thi lần 1 có điểm dưới 5,0; hoặc thí sinh lựa chọn, đăng ký chỉ thi lại một số môn có điểm dưới 5,0.
Đối với giáo dục thường xuyên, thí sinh chưa tham dự kỳ thi lần 1, nếu không có điểm bảo lưu thì phải đăng ký dự thi tất cả các môn quy định ở kỳ thi lần 1. Nếu có điểm bảo lưu thì đăng ký dự thi theo quy định. Thí sinh có tham dự kỳ thi lần 1 nhưng chưa tốt nghiệp: thi lại tất cả các môn của kỳ thi lần 1 có điểm dưới 5,0; hoặc thí sinh lựa chọn, đăng ký chỉ thi lại một số môn có điểm dưới 5,0.
Điểm kỳ thi lần 1 của các môn thí sinh không thi lại trong kỳ thi lần 2 được bảo lưu để xét tốt nghiệp cho kỳ thi lần 2 trong cùng năm (nếu có tổ chức kỳ thi lần 2).
Ngoài điểm mới nêu trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 sẽ bỏ chấm chéo, đồng thời khâu chấm thi, ghép điểm và xét tốt nghiệp sẽ được rút ngắn. Bên cạnh đó, năm 2012, Bộ GD&ĐT không cử thanh tra ủy quyền từ các trường ĐH, CĐ cắm chốt tại các địa phương, mà chỉ thành lập các đoàn thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế thi của các đơn vị tổ chức thi. Giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành có trách nhiệm thành lập đoàn thanh tra tại địa phương để giám sát kỳ thi tại chỗ.
Quy chế mới cũng đưa ra yêu cầu với đề thi của kỳ thi tốt nghiệpTHPT. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành; kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học; phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi...
Lê Đức Thuận (Theo Giáo dục thời đại)