The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Chương trình giao lưu “Tuổi trẻ Hà Nội – Amsterdam – Lý tưởng và khát vọng”

Post by: ngocnt | 26/03/2015 | 2958 reads

Chiều ngày 25/3/2015 vừa qua, khối 10 khóa 2014-2017 đã tổ chức thành công chương trình giao lưu “Tuổi trẻ Hà Nội – Amsterdam – Lý tưởng và khát vọng”, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 tại hội trường 700 chỗ.

Chương trình bắt đầu lúc 14h với sự vinh dự được đón tiếp: Nhà giáo Lê Thị Oanh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; Nhà giáo Hồ Quốc Việt – Phó Hiệu trưởng nhà trường; Nhà giáo Dương Tú Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường; 17 thầy cô giáo chủ nhiệm các lớp 10; Hội cha mẹ học sinh nhà trường và không thể không kể đến sự tham gia của hơn 600 bạn học sinh khối 10.

Buổi giao lưu “Tuổi trẻ Hà Nội – Amsterdam – Lý tưởng và khát vọng” đã đem lại niềm tin cho các Đoàn viên, khiến các bạn có thể tự hào khẳng định rằng: Hà Nội – Amsterdam đã và đang là biểu tượng cho thế hệ học sinh toàn diện, không chỉ vươn tới những đỉnh cao trong học tập mà còn không ngừng năng động, sáng tạo trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động hướng tới cộng đồng, rèn luyện tư tưởng đạo đức của một Amser, của một đoàn viên. Để có những hoạt động rèn luyện ý nghĩa, Ban giám hiệu nhà trường, Ban chấp hành đoàn trường, các thầy cô giáo đã nỗ lực tổ chức các hoạt động bổ ích nhằm giáo dục lí tưởng, đạo đức, nâng cao ý thức chính trị của mỗi cá nhân học sinh.

Trong cuộc sống, chúng ta – mỗi Amser càng phải cố gắng rèn luyện bản than để trở thành một người có ích cho xã hội, cho đất nước cho hôm nay và mai sau. Tương lai của Hà Nội – Amsterdam sẽ như thế nào, phải làm gì để Hà Nội- Amsterdam hoàn thiện hơn, văn minh hơn, câu trả lời phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Chúng ta tin tưởng và hi vọng, với tình yêu đặc biệt mà mỗi trái tim Amser dành cho gia đình Hà Nội Amsterdam, bằng bản lĩnh và ý chí của người thanh niên trong xã hội hiện đại cùng sự hướng dẫn, chỉ bảo sát sao của gia đình và nhà trường, nhất định các Amser với những hành động thiết thực từ nhỏ đến lớn, sẽ góp phần xây dựng ngôi nhà của chúng ta ngày càng trong lành và văn minh hơn.

Đông đảo các bạn học sinh tham gia

Mở đầu buổi giao lưu, Nhà giáo Lê Thị Oanh đã phát biểu để khích lệ tinh thần các Đoàn viên sắp được kết nạp. Cô nhấn mạnh rằng, mỗi Amser đều mang trong mình niềm tự hào khi được trở thành một đoàn viên và càng phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với vai trò ấy. Để được trở thành đoàn viên là một điều vinh dự, nhưng con đường để làm một đoàn viên ưu tú còn nhiều thử thách phía trước. Trách nhiệm của mỗi đoàn viên cần được ghi nhớ và hiện hữu trong trái tim mỗi người.

Phần I: Văn nghệ chào mừng

Mở đầu, các bạn học sinh được xem một phim tư liệu ngắn về lịch sử hình thành, phát triển và những cống hiến của Đoàn TNCS HCM trong hai cuộc kháng chiến. Tiếp theo đó là những màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc bởi chính những học trò tài năng của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam và các thầy, cô giáo:

Những giọng ca trẻ trung, khỏe khoắn với bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”

 

Dàn hợp xướng với đông đảo những giọng ca đến từ khối 10 và đội múa phụ họa

Và không thể thiếu “Bài ca Hà Nội-Amsterdam” – bài hát truyền thống của nhà trường.

Phần II: Giao lưu với 2 chủ đề

Chủ đề 1: Tuổi trẻ Hà Nội Amsterdam – Lý tưởng và khát vọng.

Có nhà văn đã từng viết “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được dằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Có lẽ tất cả những em học sinh lớp 10 nói riêng và những bạn cấp 3 nói chung, ai ai cũng đều ấp ủ những ước mơ, hoài bão dù lớn dù nhỏ. Với mong muốn giúp các em có những lựa chọn sáng suốt, đồng thời chuẩn bị những hành trang để vững bước trên con đường phía trước, chương trình đã mời đến những vị khách mời rất đặc biệt:

- Cô Lê Thị Ngọc Hà – Giáo viên môn Hóa

- Chị Phạm Mai Phương – cựu học sinh Hóa 1 11-14, đạt HCV Olympic Hóa học Quốc tế ICHO 2014

- Anh Phạm Việt Anh – cựu học sinh Lí 1 11-14, thủ khoa kép khối A1 trường ĐH Ngoại thương, khối D1 trường ĐH Ngoại giao

- Chị Trần Thùy Linh – học sinh Anh 1 12-15, học bổng toàn phần ĐH Princeton,.

- Anh Ngô Minh Nam – cựu học sinh Lí 2 07-10, nay là giảng viên ĐH Kinh tế.

 (Từ trái qua phải) Chị Thùy Linh, anh Việt Anh, cô Ngọc Hà, chị Mai Phương và anh Minh Nam

Chị Mai Phương đã có những lời khuyên thật bổ ích dành cho các em lớp 10 khi được hỏi về kinh nghiệm ôn tập trong các kì thi Học sinh giỏi: “Đam mê, chăm chỉ và quyết tâm, thì cho dù là thi QG hay sau này có làm việc gì đi nữa, các em sẽ thành công. Bỏ tâm trí và công sức của mình vào đó, miễn mình có bắt tay vào làm, thực hiện mục tiêu, cuối cùng mục tiêu sẽ trở thành hiện thực.”

Ngọc Hà, giáo viên đã có 20 năm đứng trên bục giảng và rất nhiều năm dẫn dắt các đội tuyển Quốc gia, Quốc tế, đã chia sẻ: “Cô luôn cố gắng để đi cùng với học sinh của mình, là người đồng hành với các em trên con đường học tập, chứ không đi trước, vì như thế sẽ thành chặn đường các em.”

Còn anh Việt Anh - chàng trai thủ khoa kép thì nêu lên quan điểm của mình về việc thi đại học như sau: “Việc học và việc nghỉ ngơi thư giãn phải đều có vai trò như nhau. Nếu cứ chỉ vùi đầu vào sách vở, thì xét cho cùng bạn vừa tự tạo ra áp lực, mà cũng vừa phí hoài những năm tháng đẹp nhất của tuổi học trò. Thế nhưng cần xác định rõ: khi học, phải có sự tập trung thật cao độ. có như vậy bạn mới đạt được hiệu quả cao nhất. Và anh cũng khuyên nên học thật chắc kiến thức ở lớp 10,11 để lên lớp 12 sẽ nhẹ nhàng và đỡ áp lực.”

Chị Thùy Linh, nữ sinh 12A1 với điểm SAT và TOEFL “khủng” cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích: “Các em có ý định đi du học thì nên đặt mục tiêu ngay từ lớp 10, đặc biệt là học tiếng anh. Ngoài ra các em cũng cần phân bố thời gian của mình thật hợp lí để hoàn thành tốt chương trình trên lớp, hoạt động ngoại khóa, công tác chuẩn bị đi du học.”

Cuối cùng là anh Ngô Minh Nam: “Đa phần học sinh Việt Nam thông minh, chăm chỉ và học tốt các môn Toán, Lí, Hóa, nhưng lại ít quan tâm tới những vấn đề chính trị, xã hội, thiếu sáng tạo và những khả năng mềm như thuyết trình, phản biện …”

Phần giao lưu mang tên “Khát vọng tuổi trẻ” xin được khép lại tại đây, hi vọng những chia sẻ của các vị khách mời đã tiếp thêm ngọn lửa cho những trái tim trẻ tuổi, nóng bỏng hoài bão và khát khao vươn lên. Sau những chia sẻ độc đáo của 5 vị khách mời, những tiết mục văn nghệ tiếp theo đây cũng được mong chờ không kém:

Ca khúc “Tìm lại” của khối Lý

Và nhóm nhạc nổi tiếng The Wallsnutz với bài hát sôi động “Làm tình nguyện hết mình”

Không chỉ vậy, chương trình còn có thêm một phần chơi ô chữ nho nhỏ với sự tham gia rất nhiệt tình của các bạn với từ khóa “Vì Ams là nhà” – cũng chính là phần thứ hai của ngày hôm nay.

Chủ đề 2. Tuổi trẻ Hà Nội Amsterdam - Vì Ams là nhà.

2 MC của chương trình

Không ai khác, khách mời đặc biệt phần này chính là những “lính mới” – thế hệ Amsers khóa 14-17, cùng với đó là những vấn đề rất nóng hổi trong giới học đường hiện nay.

Trước hết một clip ngắn giới thiệu về 17 lớp 10 khóa 14-17 được phát đã tạo nên một hiệu ứng không hề nhỏ trong hội trường, vì ai cũng thấy tự hào về lớp mình, và quan trọng hơn, các bạn đã thể hiện được những hoạt động tập thể về học tập, ngoại khóa của mình trong gần một năm học vừa qua dưới góc quay vô cùng sáng tạo.

Bạn Tiến Duy lớp 10L1 chia sẻ đầy tự hào về trường: “Khi gặp người khác em chỉ mong được hỏi cháu học trường nào và thấy tự hào khi thấy ánh nhìn ngưỡng mộ của những người đó. Đôi khi em cũng cảm thấy áp lực nhưng em nghĩ đó cũng là động lực để mình hoàn thiện bản thân, xứng đáng với danh hiệu HS trường HN Amsterdam.”

Bạn Hà Trang 10P2 khi được hỏi về những khó khăn khi mới vào trưởng đã trả lời: “Đầu học kì 1 là thời gian em bị khủng hoảng học tập vì cách học ở cấp 3 Ams khác hẳn cách dạy và học ở cấp 2. Ở Ams, học sinh phải học theo một cách tự lập hơn rất nhiều. Sau một thời gian em đã quen dần  và em thoải mái khi được chủ động quản lí học tập và điểm số của mình.”

Về phía hoạt động ngoại khóa, bạn Đỗ Tuấn Nam nói rằng: “Em đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của trường và khối. Em nghĩ em sẽ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hơn nữa, vì giúp đỡ được những người thiếu may mắn hơn mình, em cũng thấy vui.”

Tiếp đó, thói quen Nói tục chửi bậy cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Có bạn chia sẻ: “Tuy chửi bậy cũng là một cách thể hiện cảm xúc theo một cách nào đó, nhưng tuyệt đối không nên thể hiện mặt người khác, vì nó sẽ làm ảnh hướng xấu tới cá nhân và toàn bộ một tập thể, nhất là khi bạn đang mặc chiếc áo đồng phục Ams.”

16h40, chương trình bế mạc bằng bài hát “Nối vòng tay lớn”, đó cũng là lời nhắn nhủ mà BTC chương trình muốn gửi tới các thanh niên khối 10 khóa 1417. Chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng, không chỉ trong khuôn khổ của chương trình kỉ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS 26/3 ngày hôm nay, mà chúng ta cố gắng để tháng nào cũng là tháng Thanh niên, để trường ta luôn rộn ràng sức trẻ tuổi thanh xuân!

PV: Phương Linh Hóa 1 13-16

(Ảnh: AmsMedia)