Bí quyết giật điểm cao của 3 thủ khoa
Khi gặp khó khăn, muốn từ bỏ ước mơ, bạn hãy dừng lại để nghỉ ngơi nhé!
Nguyễn Ngọc Thiện, thủ khoa khối A, ĐH Ngoại thương, 29 điểm.
Muốn học khá, theo mình là phải tích cóp nhiều cái "một tí": Chăm chỉ một tí, cẩn thận một tí, ham học hỏi một tí. Nhiều bạn ở lớp mình học tốt nhưng hơi vội vàng, hấp tấp, hoặc không vững tâm lý nên thường mất điểm không đáng.
Với hai môn Toán, Hóa, cần làm nhiều bài tập để tích lũy kinh nghiệm và phương pháp giải. Nhiều khi một mình mình thì không nghĩ ra phương pháp giải, hoặc phương pháp không tối ưu nhưng nhiều người "hợp sức" thì sẽ tìm ra chìa khóa để giải quyết. Ví dụ, lớp mình thường hay đem những bài khó ra để "mổ xẻ", ai có cách giải bài hay thì đóng góp.
Lê Thị Hằng tân sinh viên hệ CĐ của ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải. Bạn có hoàn cảnh rất xót xa khi mồ côi mẹ từ bé, bố bị ung thư tuyến tụy và mất trước khi bạn thi ĐH chỉ vài ngày.
Để học tốt khối A, theo Hằng, trên lớp bạn cần lắng nghe lời giảng, ghi chép bài đầy đủ, và đánh dấu những công thức quan trọng bằng bút màu. Về nhà, bạn cần làm thêm bài tập trong sách tham khảo và những đề thi Đại học, Cao đẳng của những năm trước để củng cố thêm kiến thức.
Nguyễn Thị Huyền, thủ khoa 28,5 điểm ĐH Dược Hà Nội.
Việc nắm vững kiến thức ở sách giáo khoa rất quan trọng, khi đã nắm vững nội dung và bản chất bên trong thì bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm giàu kiến thức cho mình. Mỗi tuần, bạn có thể học thêm khoảng 3-4 tiếng/ hai buổi.
Khi luyện đề thi ĐH, mình chỉ mất khoảng 60 phút, chứ không phải là 90 phút như thường lệ. Vì thế, khi vào phòng thi, mình luôn có cảm giác là chỉ có 60 phút để giải quyết vấn đề thôi, và vẫn còn dư khá nhiều thời gian (khoảng 30 phút), mình rà lại bài và phát hiện, thường sẽ là 2-3 câu sai.
Phương pháp giải trắc nghiệm: làm các bài dạng đơn giản, sau đó làm những bài khó hơn, đòi hỏi sự kết hợp các phương pháp khác nhau.
Mình chú ý rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay. Mỗi lần cầm bút lên rồi đặt xuống thì mất thời gian, nên mình hạn chế dùng giấy nháp mà thao tác trên máy tính là chủ yếu (thường thì các bạn nam giỏi hơn rất nhiều khi dùng máy cầm tay). Chẳng hạn như ở trường THPT của mình, các bạn nam sử dụng chiếc máy tính đó rất nhanh và thường bảo mình bấm như "gà mổ". Cho nên làm bài tập thì mình sẽ sử dụng máy tính và quen dần.
Bản thân việc thi ĐH đã là một áp lực, vì thế, các bạn đừng tự gây thêm khó khăn cho bản thân mình. Trước hết, bạn nên lựa chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân mình. Sau đó thì tự đề ra kế hoạch học tập và thực sự quyết tâm. Mình vẫn nghĩ, "khổ trước sướng sau" để giải tỏa tinh thần cho bản thân.
Trần Xuân Bách, thủ khoa điểm tuyệt đối đầu tiên của miền Bắc, đỗ ĐH Y với 30/30 điểm khối A.
Học Vật lý cần phải nắm vững lý thuyết và nhớ được nhiều công thức. Ngoài ra, bạn cần phải luyện tập nhiều qua các bài tập trắc nghiệm và cả tự luận. Chỉ có luyện tập mới có thể giúp các bạn ghi nhớ công thức và nắm chắc lý thuyết.
Còn về phương pháp giải nhanh, mình nghĩ nên tham khảo thầy cô và các sách "phương pháp giải nhanh". Hơn nữa, các bạn cần suy nghĩ, tự tìm tòi phương pháp phù hợp cho riêng mình, theo cách hiểu của mình.
Theo mình, có rất nhiều động lực để các bạn học tập tốt, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ước mơ của chính các bạn. Ước mơ đó sẽ là động lực mạnh mẽ cho các bạn trong quá trình học tập. Khi các bạn gặp khó khăn trong học tập, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ tất cả thì hãy dừng lại đúng lúc và nghỉ ngơi, nghĩ về ước mơ của mình. Sau đó, các bạn sẽ cảm thấy có thêm sức mạnh để học tập và thực hiện ước mơ đó.
Nếu như có một ngày tận thế, mình nói thật là "không hề tin". Nhưng, nếu cái ngày kinh khủng đó xảy ra, mình sẽ cố gắng để được ở cùng gia đình, tận hưởng cảm giác ấm áp cùng bố mẹ, ông bà, anh chị. Những khoảnh khắc đó rất quý giá. Hoặc nếu có khả năng phi thường, mình sẽ làm tất cả mọi thứ để đẩy lùi "ngày tận thế" đó.
Lê Đức thuận
Theo báo Ione
(Đăng ngày 22/10/2012)