The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ba điều mong ước được hiện thực trong cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục

Post by: admin | 23/10/2012 | 2061 reads

Để cuộc “Đổi mới” lần này tiếp tục gặt hái các thành công mới, đưa nền giáo dục đất nước khắc phục được các lạc hậu, lạc điệu so với động thái của thời đại, chúng tôi xin nêu ba điều mong ước và hy vọng những điều đó sẽ được hiện thực mạnh mẽ hơn, có chất lượng hơn:

Một là luận điểm “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu” sẽ được quán triệt sâu rộng hơn không chỉ trong ngành Giáo dục mà cho mọi cơ quan của Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội.

Lâu nay có một trật tự nghe quen tai: “Điện, đường, trường, trạm”. Như vậy với tư duy này Giáo dục mới ở vị trí thứ 3 chứ chưa phải vị trí đầu tiên.

Chắc chắn “Giáo dục” chưa thể sánh ngang “Điện” về sự cần thiết cho quốc tế dân sinh, song có thể nghĩ đến điều sau đây về chính sách đầu tư: Bao nhiêu điều làm cho “Đường”, cũng xin có ngần ấy điều cho “Trường”, cho hiện đại hóa nội dung phương pháp dạy học, cải thiện điều kiện lao động của thày và trò ở mọi bậc học, ngành học.

Ngay từ năm 2007, khi chúng ta gia nhập WTO, ông Lý Quang Diệu chính khách nổi tiếng của Châu Á đã có lời chân thành với nước ta: “Muốn thắng trong kinh tế, trước hết phải thắng trong giáo dục”.

Với bối cảnh hiện nay của đất nước, giáo dục không chỉ là động lực cho kinh tế mà còn là nhân tố để chấn hưng Văn hóa, để giữ gìn phát huy các giá trị nhân cách “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm” cho thế hệ trẻ mà một thời mặc dù trong bom đạn ác liệt của kẻ thù nền giáo dục của chúng ta vẫn kiến tạo được. Cần một tư duy mới về kinh tế giáo dục cho cuộc Đổi mới lần này.

Hai là “Thế vị và đời sống của nguời thầy trong xã hội ta phải thực sự được nâng cao” trong lần Đổi mới này.
Có một thời do thiển cận, những người làm chính sách kinh tế lao động cho giáo viên đã không thấy hết sứ mệnh thiêng liêng cao cả của người thày, vô hình chung việc dùng thang lương thông thường đã đẩy giáo viên vào hoàn cảnh ít có động lực sáng tạo và yêu nghề. Không có thày giỏi, những người thày tha thiết, tâm huyết với nghề dạy học sẽ không có “Nhân cách – nhân lực” tốt cho đất nước.

Mong rằng thông điệp sau của Rabindranath Tagore – danh nhân của nền văn hóa vĩ đại Ấn Độ sẽ được các người làm chính sách Giáo viên ở nước ta lĩnh hội và thấu hiểu: “Đầu tư vào người phụ nữ biết cách làm mẹ, được những đứa con thông minh”; “Đầu tư vào người thanh niên biết cách làm cha, được những gia đình hoàn thiện”; “Đầu tư vào những công dân biết cách làm thầy, được những thế hệ xứng đáng cho đất nước”.

Chuyên gia giáo dục nổi tiếng của UNESCO, ông Raja Roy Singh (người Ấn Độ) có một nhận xét khá ấn tượng: “Không thể có một nền giáo dục cao hơn những người giáo viên phục vụ cho nền giáo dục đó”.

Mong rằng giải pháp đột phá của cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện lần này sẽ lấy khâu “Giáo viên”, khâu “Cải cách sư phạm” là khâu ưu tiên.

Nếu hai mong ước trên là hai mong ước gửi đến những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước thì mong ước thứ ba là hướng vào những người có trách nhiệm quản lý nền giáo dục, quản lý hệ thống giáo dục, quản lý các nhà trường, các thầy cô giáo.

Đảng và Nhà nước đã lo cho nhân dân “được đi học” thì ngành Giáo dục phải lo cho con em nhân dân “Học được – Học có kết quả”. Giáo dục của đất nước trong thời gian qua đã có nhiều thành tựu về khoa học giáo dục, về đổi mới phương pháp dạy học, nhưng còn đó mối lo về một kiểu sư phạm quyền uy, ban ơn, chưa mang lại “Lợi ích thiết thực” cho người học, gia đình người học như Bác Hồ từng mong ước. Bác Hồ dạy “Vì lợi ích…” chứ Người không dạy “Vì ích lợi…”. Đáng tiếc cho nền giáo dục của nước ta từ lâu theo quá trình “Vì ích lợi”.

Trong di chúc trước lúc đi xa, Bác Hồ có lời căn dặn thiết tha: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho thích hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”. Lời nhắn nhủ của Bác hơn lúc nào hết như lúc này đang trở nên rất cấp thiết với những người có trách nhiệm để ra nội dung, phương pháp, sách giáo khoa, cách dạy, cách học, cách quản lý nhà trường.
 
Giáo dục nói chung, quản lý giáo dục nói riêng không phải là lĩnh vực dễ dàng. Đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi giáo dục đang chịu giao thoa của 3 làn sóng: Kinh tế thị trường, cơ chế kinh tế XHCN, xu thế kinh tế tri thức.

Các bệnh “Thương mại hóa giáo dục”, “Sư phụ, Quyền uy, Ban ơn”, “Từ chương khoa cử” làm cho nền giáo dục, làm cho sự dạy và học trong các nhà trường có lúc “vận động” méo mó đến nỗi không còn đúng như các mục tiêu cao quý đặt ra.

Tuy vậy chúng ta vẫn có niềm tin khi năm lực lượng:

-Nhà chính trị

-Nhà giáo dục vĩ mô

-Hiệu trưởng và các giáo viên

-Gia đình học sinh và nhân dân cộng đồng

-Ngành học của các bậc học

biết “Đồng sàng đồng mộng”, hội tụ “Tư duy – Hành động” thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Phải làm cho dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái!” thì cuộc Đổi mới lần này chắc chắn thành công.

Lê Đức Thuận 

Theo Giaoduc.net.vn

Đăng ngày 17/10/2012