Học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam đạt 5 Huy chương Vàng tại Olympic Quốc tế
Đặc biệt em Nguyễn Duy Anh học sinh lớp 12 Hóa 1 đạt số điểm cao nhất toàn cuộc thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 2 trên 32 đội tuyển tham dự kì thi này.
Tối 22/12, tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức lễ bế mạc, đồng thời trao giải kì thi Olympic Quốc tế các Thành phố lớn (International Olympiad of Metropolises - IOM).
Đây là năm thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ủy quyền, giao trách nhiệm tổ chức chọn lựa, thành lập đội tuyển đại diện cho thành phố Hà Nội tham dự kì thi.
Với sự quyết tâm cao nhất, cả 8 học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi đều đạt giải. Cả đoàn xuất sắc giành được 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Đặc biệt em Nguyễn Duy Anh học sinh lớp 12 Hóa 1 đạt số điểm cao nhất toàn cuộc thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 2 trên 32 đội tuyển tham dự.
Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, và các thành viên ban chỉ đạo cùng 8 em học sinh đạt giải trong kì thi IOM 2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Triệu Lê Quang - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người đã tham gia bồi dưỡng đội tuyển này cho biết: “Olympiad of Metropolises (IOM) là cuộc thi đồng đội quốc tế, được tổ chức tại Moscow hàng năm theo sáng kiến của Thị trưởng thành phố Moscow.
Học sinh tham gia trong độ tuổi từ 14 đến 18 sống ở các đô thị lớn nhất thế giới. Mỗi đội gồm tám học sinh, các thí sinh phải thể hiện kiến thức về Vật lý, Hóa học, Toán học và Tin học.
Cuộc thi bao gồm một phần thi Blitz và hai vòng chính. Trong cuộc thi Blitz, mỗi đội cần giải quyết 80 nhiệm vụ trong có 2 giờ. Hai vòng thi chính thì đòi hỏi rất cao về chuyên môn.
Tùy thuộc vào từng bộ môn, các phần hóa học và vật lý có các bài thi lý thuyết và thực nghiệm, các phần toán học và tin học bao gồm giải quyết các vấn đề.
Đội tuyển dự thi IOM 2020 năm nay gồm tám học sinh tiêu biểu, xuất sắc đến từ các lớp 11, 12 chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin học.
Môn Toán: Nguyễn Đức Anh, Đỗ Bách Khoa - 12 Toán 1. Môn Hóa học: Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Lê Thảo Anh - 12 Hóa 1. Môn Vật lý:Trần Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Nam - 12 Lý 1. Môn Tin học: Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Anh Quân - 11 Tin”.
Theo thầy Quang: “Các thí sinh phải qua 3 vòng thi, vòng 1 mang tính khởi động đồng đội, 2 vòng thi chính thức với 2 bài thi có thời lượng từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ liên tục.
Có thể nói đây là kỳ thi về kiến thức gồm cả lý thuyết và thực hành với độ khó tương đương với thi Olympic quốc tế và thời gian làm bài dài hơn rất nhiều.
Năm nay thi online nên từ đầu năm học ban giám hiệu nhà trường đã có định hướng để các con ôn chuẩn bị cho kì thi này. Vùng kiến thức ôn dựa trên các đề thi của những năm trước, căn cứ vào mức độ yêu cầu nên các giáo viên đã phủ toàn bộ kiến thức về mặt lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành cho học sinh.
Để làm tốt phần thực hành đòi hỏi phải có sự chuẩn bị rất kỹ, thu thập số liệu chính xác. Mức độ yêu cầu của đề thi mang tính ứng dụng, hiện đại nên thầy cô và các em tham gia cũng phải cập nhật thường xuyên thì mới có thể theo được.
Ví dụ như môn Lý tôi phụ trách có phần thi lý thuyết liên quan đến sự biến dạng của vật rắn, phần này cũng rất khó, hay liên quan đến hiện tượng phân cực ánh sáng…đều nằm trong chương trình cao của bậc đại học. Những hiện tượng mang tính áp dụng, ứng dụng thực tế rất cao”.
8 em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt giải trong kì thi IOM 2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Thầy Quang cho biết: “Cuộc thi này ngoài 8 em tham gia dự còn có sự đóng góp của rất nhiều thầy cô trong trường như Vật lý, Hóa học, và các thầy cô dạy Toán, Tin học…
Từ khi nhận thư mời cho đến lúc thi IOM 2020 là khoảng thời gian rất ngắn chưa đầy 1 tháng, hơn nữa mọi năm nhà trường chỉ việc đưa học sinh đi thi, còn năm nay mình phải tự chuẩn bị mọi thứ, cơ sở vật chất đáp ứng đúng yêu cầu của ban tổ chức.
Tất cả mọi công việc của giáo viên cho đến học sinh…chúng tôi đều phải quay trực tiếp để ban tổ chức quan sát Online, ngay như việc học sinh mở máy tính cũng phải có phần mềm quay lại màn hình.
Khu vực thi được trang bị nhiều Camera quay các góc đủ thời gian, khi xong hết công việc phải trích xuất dữ liệu Camera để gửi qua mạng cho ban tổ chức, mặc dù thời gian thi Online đã được ban tổ chức quan sát trực tiếp mọi hành động, mọi góc độ.
Khi tập huấn cho các em đi thi cấp độ quốc tế như thế này thì đương nhiên tính cập nhật luôn được yêu cầu hàng đầu, thường trên thế giới họ sẽ lấy nhưng công trình nghiên cứu mới nhất.
Vì vậy đòi hỏi các thầy cô phải thường xuyên cập nhật, đọc và dịch để tiếp cận với kiến thức mới, nếu chỉ mang kiến thức cũ ra dạy thì chắc chắn sẽ không tiếp cận được.
Đây là năm thứ 2 đội tuyển của trường tham dự kì thi IOM, ở lần thi trước các em cũng đã đạt được 03 Huy chương vàng”.
Thầy Nguyễn Hồng Hải - Giáo viên dạy môn Hóa Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người lãnh đội của môn Hóa học chia sẻ: “ Kì thi này với mức độ cao gần như kì thi Hóa Olympic quốc tế.
Mức độ phần lý thuyết cũng như thực hành rất khó, vậy nên kết thúc cuộc thi năm ngoái là ban giám hiệu nhà trường cũng như các tổ bộ môn đã có kế hoạch sẵn sàng cho cuộc thi năm nay.
Ngoài việc thầy cô ở trường sắp xếp thời gian tập huấn tại phòng thí nghiệm thì cũng phải nhờ thêm sự trợ giúp của các chuyên gia hướng dẫn thêm cho các con.
Phần thi thực hành đòi hỏi kỹ năng rất cao và thời gian thực hành rất dài. Đề thi năm nay tập trung vào 2 mảng là hóa học vô cơ và hóa học phân tích, trong đó phần chuẩn độ, tức là xác định hàm lượng của một chất, một ion nào đó trong dung dịch.
Chúng ta hiểu đơn giản là có một chất nào đó ở trong dung dịch và ta hoàn toàn không có thông tin gì về hàm lượng của chất đó, vậy nên chúng ta phải định lượng nó có nồng độ bao nhiêu mol, bao nhiêu gam trong 1 lít dung dịch.
Nhiều chuyên gia đầu ngành về thực hành cũng nhận định với đề thi như vậy làm trong 4 giờ đồng hồ thì khó có thể làm được, và trong thực tế kì thi này đúng như vậy”.
Thầy Hải cho biết: “Năm nay trong lúc dịch đề thi chúng tôi phát hiện danh mục hóa chất ban giám khảo đưa ra nhưng họ quên một hóa chất rất quan trọng.
Ngay lập tức chúng tôi email, liên hệ trực tiếp qua zoom với ban tổ chức cuộc thi, trao đổi về phương án thay thế, bổ sung thêm hóa chất này vào cho các học sinh, rất may mắn là cuối cùng mọi việc cũng thuận lợi và không làm xáo trộn cả hệ thống”.
Hai thí sinh Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Anh Quân - 11 Tin học trong lễ trao giải. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Theo thầy Hải: “Thi môn Hóa học thực hành trực tiếp nên tất cả các bộ dụng cụ phải đảm bảo độ chính xác cao, tuy nhiên về hóa chất cần phải có độ tinh khiết cao hơn nên chúng tôi đã phải đi tìm, đặt hàng từ các nước tiên tiến, ví dụ như Đức để các con thực hành.
Môn Hóa học bắt đầu thi vào lúc 16h giờ Việt Nam gồm 4 giờ thi lý thuyết và 4 giờ thi thực hành. Trước đó 6 tiếng vào lúc 10h sáng chúng tôi nhận đề thi từ ban tổ chức qua một đường Link trên mạng.
Hội đồng giáo viên của trường dịch đề thi đó từ tiếng Anh, tiếng Nga sang tiếng Việt dưới sự giám sát Online của ban tổ chức, phòng dịch không có điện thoại và duy nhất với một chiếc máy tính được cài phần mềm quay màn hình, chúng tôi làm bất cứ thao tác gì trên chiếc máy tính đó cũng đều được ban tổ chức ghi lại.
Đề thi được dịch trong 6 giờ đồng hồ và phải gửi lại cho ban tổ chức trước 1 giờ để họ kiểm tra lại nội dung xem mình có gian lận, hoặc viết thêm điều gì có lợi cho học sinh của mình hay không?
Sau khi ban tổ chức cuộc thi tại Moscow kiểm tra bản dịch của mình, họ gửi lại để các em bắt đầu phần thi. Đúng 16h chúng tôi in đề thi chuyển cho học sinh bắt đầu làm bài.
Hết thời gian thi chúng tôi chuyển phần bài làm lý thuyết sang file PDF và các file Video ghi lại từ lúc dịch đề cùng các phần thi rồi gửi qua mạng Internet cho ban tổ chức”.
Thầy Hải chia sẻ: “Để có được kết quả thi như ngày hôm nay là sự cố gắng nỗ lực của các học sinh tham gia cũng như ban giám hiệu nhà trường và cả một đội ngũ các thầy cô giáo luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con hoàn thành phần thi của mình.
Tất cả mọi công việc chuẩn bị cơ sở vật chất, làm 2 phòng thi, các hóa chất, Camera… theo yêu cầu chuẩn của ban tổ chức đặt ra, tất cả mọi công việc đó chúng tôi chuẩn bị trong 2 ngày trước cuộc thi.
Thành tích này ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Thủ đô nói chung và các thầy cô, các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam nói riêng, đồng thời cũng là động lực để các em tiếp tục phấn đấu trên con đường học tập”.
Theo Tạp chí Giáo dục điện tử