3 dự án xuất sắc của 3 giáo viên đã vượt qua hơn 830 sản phẩm sáng tạo của giáo viên đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước tham gia Diễn đàn Giáo dục sáng tạo năm nay, đáp ứng cả 4 tiêu chí: Hợp tác – Sáng tạo – Hòa nhập – Tăng cường tiếng nói học sinh.
Chiều 12-1, tại Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức, ba giáo viên xuất sắc nhất đã vượt qua hơn 1.000 giáo viên tham gia dự án đổi mới sáng tạo trên cả nước giành tấm vé vinh dự tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu.
Đó là các cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh - Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring, Long Biên, Hà Nội với Dự án liên môn "10X start-up”; cô Bùi Diệu Linh - Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Cầu Giấy, Hà Nội với Dự án "Hóa mỹ phẩm hữu cơ" và thầy Phạm Ngọc Đức, Học viện quản lý giáo dục, Thanh Xuân, Hà Nội với Dự án “Lớp học trên mây, lớp học kết nối”.
Vinh danh các giáo viên đã có nhiều đóng góp cho Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam
Đây là 3 dự án xuất sắc đã vượt qua hơn 830 sản phẩm sáng tạo của giáo viên đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước tham gia Diễn đàn Giáo dục sáng tạo năm nay, đáp ứng cả 4 tiêu chí: Hợp tác – Sáng tạo – Hòa nhập – Tăng cường tiếng nói học sinh.
Giáo viên và học sinh tìm hiểu các dự án đổi mới sáng tạo tại diễn đàn.
Năm nay, các sản phẩm tham gia diễn đàn có sự đa dạng và phong phú về mặt nội dung, trải đều ở nhiều lĩnh vực như giáo dục STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá dân tộc, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Ba giáo viên xuất sắc nhất (cầm bằng khen) đại diện hơn 1.000 giáo viên tham gia dự án đổi mới sáng tạo của Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu.
Diễn đàn đã thu hút hơn 1.000 lượt giáo viên, học sinh, phụ huynh, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và khách tham quan tham gia trao đổi, phản biện trong hai ngày 11 và 12-1.
Thông tin từ ban tổ chức cho biết, top 3 sản phẩm xuất sắc nhất sẽ nhận giải thưởng là một chuyến đi Sydney, Úc tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu, diễn ra từ ngày 23 đến 26-3.
Cũng tại diễn đàn, các giáo viên được tham gia một hoạt động khác là thử thách nhóm nhằm tạo cơ hội cho các thầy, cô giáo thể hiện khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sư phạm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng. Cụ thể, các nhóm phải thiết kế một bài học cho học sinh dựa trên một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc giai đoạn 2015-2030.
Bên lề diễn đàn, PGS-TS Chu Cẩm Thơ, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, công nghệ là một trong những lĩnh vực rất đặc biệt, nếu không được sử dụng hàng ngày sẽ trở nên lạc hậu.
"Nếu giáo viên được đào tạo ở trường đại học, trải qua quá trình tự học và nghiên cứu nhưng không thực hiện thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học sẽ đồng nghĩa với việc không biết về công nghệ, không thể lan tỏa những hiểu biết đó ra bên ngoài", PGS-TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết: "Cách đây 10 năm, thầy cô thiết kế được một bài giảng PowerPoint để trình diễn, đi thi, đi dạy thường có thói quen giữ khư khư cho riêng mình nhưng bây giờ không còn hiện tượng đó. Trong thời đại khoa học công nghệ, tinh thần chia sẻ và lan tỏa đã được giáo viên thực hiện tốt, đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng".
Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) khẳng định, hiện nay hơn 70% giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học, 25% giáo viên tự soạn được bài giảng E-learning, giúp người học tự học trên mạng internet. Bộ GD cũng đã xây dựng ngân hàng gồm 5.000 bài giảng E-learning phục vụ cho dạy học của giáo viên và học sinh.