The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Nỗi đau lớn nhất của người Thầy trước "khủng hoảng truyền thông"

Post by: webams | 27/09/2017 | 8829 reads

Nỗi đau lớn nhất đối với người Thầy chính là sự quay lưng, ngoảnh mặt của nhà trường trước áp lực dư luận trong cái gọi là “khủng hoảng truyền thông”.

LTS: Xung quanh những ồn ào của câu chuyện một phụ huynh trường Lương Thế Vinh “tố” cô giáo chủ nhiệm “hà khắc, thiếu tình người”, cô giáo Phan Tuyết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ sự “cô độc” của người thầy trong giáo dục trẻ em xã hội hiện đại.

Xin trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi và cảm ơn cô giáo Phan Tuyết! Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

Sau khi Facebook Giáng Hương chia sẻ bài viết “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. 

Bức “tâm thư” phản ánh về phương pháp giáo dục của cô N.M.T- giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1.1 (hiện tại là 11A1.1) – lớp mà con gái chị đang theo học.

Theo những gì chị chia sẻ, thì cô N.M.T là một người vô cùng nghiêm khắc, có tính kỷ luật cao, thường xuyên trách phạt khiến con chị không dám đến trường, không dám đối mặt với cô chủ nhiệm và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ bị đuổi học.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ đang tận tình hướng dẫn học sinh tại trường Tiểu học Sinh Tồn (Trường Sa, Khánh Hòa). Ảnh minh họa: Mai Khôi / Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm đã giới thiệu mình là giáo viên của một trường công lập… khiến chị Hương và nhiều phụ huynh khác thực sự nghĩ rằng, việc giảng dạy ở Lương Thế Vinh chỉ là 'tay ngang'

Hơn nữa cô chủ nhiệm giới thiệu mình "thường được 'ưu ái' để trị những lớp có học sinh chưa ngoan…"

“Chúng tôi cứ thắc mắc rằng, vừa mới kiểm tra phân lớp xong thì họp phụ huynh, sao nhà trường đã biết được đây là lớp toàn học sinh hư để rồi phân công cô chủ nhiệm để thẳng tay trừng trị?... 

Thế rồi, lần lượt các con trong lớp trở thành tội đồ khi bố mẹ liên tục bị mời lên, còn các con liên tục phải viết kiểm điểm và chịu mọi hình thức 'phạt' của nhà trường.”

Trước những lời cáo buộc của phụ huynh, cô N.M.T chủ nhiệm lớp 11A1.1 trần tình:

“…Đã bao giờ đặt câu hỏi làm là vì ai? Đã bao giờ tự trăn trở vì sao 10A1.1 (nay là 11A1.1 ) đã hơn 2 lần bị giáo viên bộ môn trả lớp và từ chối không dạy?"

Chỉ bấy nhiêu thông tin (đã hơn 2 lần bị giáo viên bộ môn trả lớp và từ chối không dạy) cũng đủ thấy lớp học này không phải lớp học bình thường, một số học sinh trong lớp chắc chắn cũng “không phải dạng vừa đâu”

Một số minh chứng phụ huynh cung cấp để khẳng định giáo viên hà khắc là lời phê của giáo viên chủ nhiệm với những học sinh vi phạm:

“Tất cả những bạn có tên trong tờ giấy này ngày mai nộp bản kiểm điểm cho cô. Có ý kiến phụ huynh rõ ràng. Riêng Nam Kiệt nộp cả bản lần trước. Mấy bạn cô yêu cầu nộp phải nộp ngay. 

Quang Bảo nộp cả kiểm điểm đi học muôn. Thu Phương cũng thế 2 bản kiểm điểm và tất cả những bạn bị ghi sổ đầu bài hôm nay giờ Đại (số). Mai không có thì phạt theo quy định.”

Những lỗi học sinh mắc phải ở đây là không tập trung học, làm việc riêng, không hoàn thành bài, đi học trễ, mặc sai đồng phục… 

Nếu nói giáo viên quá hà khắc mà học sinh vẫn thường xuyên vi phạm những lỗi như thế (nộp một lần 2 bản kiểm điểm là các lỗi vi phạm cứ liên tục xảy ra trong một thời gian ngắn), có nghĩa là những học sinh này cũng chẳng sợ gì giáo viên như lời phụ huynh tố cáo. 

Bởi nếu sợ đến mức bị đuổi học và không dám đi học, các em lại chẳng vi phạm nhiều lần đến thế? 

Hay con chị Hương và một vài học sinh khác ỉ vào sự bênh vực, bảo vệ của cha mẹ nên chẳng coi lời nói của thầy cô ra gì mới thường xuyên tái diễn những lỗi như thế?

Giáo viên có thật sự hà khắc, thiếu tình người?

Theo cô N.M.T., tất cả biện pháp giáo dục được cô áp dụng cũng chỉ là viết bản kiểm điểm, tường trình, cam kết, phạt học sinh lao động công ích và mời phụ huynh lên trao đổi.

Mục đích của cô chủ nhiệm là tìm cách phối hợp giúp các con nhận lỗi và tiến bộ dần lên nhằm mục đích cho các con trưởng thành, ngoan hơn và nâng cao kết quả học tập. 

Tất cả biện pháp này đã được đưa ra từ đầu năm trong cuộc họp phụ huynh và được 100% phụ huynh đồng ý. Đây là cách làm phù hợp môi trường Lương Thế Vinh, có trách nhiệm và sát sao của đội ngũ giáo viên.

Ấy vậy mà trong bức tâm thư, chị Giang Hương nhấn mạnh: 

“Cô giáo chủ nhiệm đang duy trì một lối giáo dục hà khắc, không có tình người, chỉ có kỷ luật và nước mắt.”

Nếu những việc làm ấy của cô không có tình người, vậy cô làm vì cái gì? 

Chẳng lẽ cứ hoàn toàn buông lỏng học sinh, để các con muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, không cần trao đổi với phụ huynh rồi cuối năm cho lên lớp tuốt, bất kể kết quả học tập ra sao thì ra mới là “có tình người”? 

Cô N.M.T. bày tỏ: “Tôi thật buồn khi phụ huynh nói đó là giáo dục không có tình người. Đó là những câu nói đầy ác cảm, có tính chất vu khống.” 

Nói về giáo viên của mình, cô Dương - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là giáo viên tốt, đã đưa học sinh lớp đó vào guồng từ năm lớp 10. Và khi “trưng cầu dân ý” học sinh về việc đổi giáo viên, các em nói là không.

Giáo viên có nên nghiêm với học sinh hay không?

Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm khi trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề "dạy học bằng roi" đang gây tranh cãi. 

Theo cô Bình, có những trường hợp dùng phương pháp mạnh tay với đứa trẻ thì nó sẽ có hiệu lực hơn. Đánh có tính chất nhắc nhở đứa trẻ chứ không phải để trút giận. 

Trong trường hợp này, giáo viên chưa đánh chỉ mới gọi viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh còn bị xem là “hà khắc, thiếu tình người”.

Trong thực tế giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, người viết đã từng chứng kiến không ít phụ huynh có con học với giáo viên dễ dãi đã than rằng: 

“Con tôi hư, học hành không tiến bộ là do cô chủ nhiệm dễ tính quá”; “Giá thầy nghiêm khắc ngay từ đầu thì cháu đâu đến nỗi thế?”

Không ít học sinh ngoan, gương mẫu cũng thường hay tâm tư: “Cô chủ nhiệm con dễ lắm nên mấy bạn không sợ. Trong lớp, các bạn chẳng học mà hay quậy phá làm tụi con cũng bị ảnh hưởng.”

Dễ bị chê, khó hay nghiêm khắc bị lên án. Vậy thầy cô phải dạy học trò thế nào đây mới vừa lòng cha mẹ học sinh và xã hội?

“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá; Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”

Nhà tâm lý học K.Anders Ericsson nổi tiếng, ông đã công bố một phát hiện quan trọng thường bị bỏ qua là: “người thầy nghiêm khắc, thậm chí khắc nghiệt chính là nhân tố tạo nên sự thành công của một người.”
 
Và ông nhận ra rằng, tất cả họ đều “cố tình” chọn những giáo viên không đa cảm, mà thay vào đó là những người đưa ra cho họ nhiều thử thách và thúc đẩy họ nâng cao trình độ.
 
Trong nền giáo dục phương Đông hàng ngàn năm mà bây giờ vẫn không ít “nhà học thức” đương đại, người viết sách giáo khoa chê bai là “phong kiến, cổ hủ, lạc hậu”, người xưa đã dạy:
 
“Nghiêm sư xuất cao đồ”, thày nghiêm mới mong có trò giỏi.
 
Hay một câu trong Tam Tự Kinh mà nhiều nhà giáo như tôi vẫn lấy nằm lòng:
 
“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa.” 
 
Nuôi mà không dạy là cái lỗi của bậc làm cha làm mẹ, của người lớn trong nhà. Dạy mà không nghiêm là cái sai của thày cô, người vẫn được xã hội ngày nay gọi là kĩ sư tâm hồn.
 
Đành rằng, xã hội ngày càng dân chủ và văn minh, người thầy cũng không ngừng phải đổi mới, nâng cao tri thức, kỹ năng và tay nghề để truyền trao lại những gì tốt nhất cho các thế hệ học trò. Nhưng không có nghĩa là bỏ đi cốt cách. 
 
Giáo dục cũng là hàng hóa, nhưng là một loại hàng hóa đặc biệt. Trong cơ chế thị trường người ta vẫn nói “khách hàng là thượng đế”.
 
Nhưng có “thượng đế” nào muốn con cái mình chỉ “no cái chữ” là đủ, mà không biết ứng xử, không biết trên - dưới, không biết kỷ luật và sống ích kỉ chỉ mình là nhất?
 
Có thể đâu đó vẫn có một số phụ huynh “có điều kiện” cho rằng, họ có tiền nên họ có quyền, không ai được “uốn nắn” con cái họ. Nhưng chắc chắn một điều, đấy không phải là số nhiều.
 
Bởi suy cho cùng, cái nghiêm của người thầy là một phần tạo nên sợi dây văn hóa kết nối quá khứ đến hiện tại, và do đó thấu đến tương lai.
 
Thầy giáo Nguyễn Phúc hiện nay đang giảng dạy môn Vật lý tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn cho rằng:

“Học sinh ngày xưa đàng hoàng hơn vì "sợ" thầy cô giáo. Theo tôi, nếu học sinh làm đúng bổn phận thì sẽ không phải sợ thầy. 

Ngược lại, người thầy làm đúng lương tâm, chức nghiệp thì sẽ không có gì phải "ngại" học sinh. Nhớ lại ngày trước, chúng tôi được học nhiều thầy "dữ" lắm, nhưng thầy cô có nghiêm khắc thì học trò mới nên người.”

Bạn Nguyễn Hòa từ Trường Trung học phổ thông Nhân Chính kể: 

“Lớp mình chả ai thích tiết Toán cả vì cô giáo rất “hắc”, vào lớp cứ mắng luôn luôn. Nhưng mấy bạn học ban A ở lớp bên cạnh, cũng học Toán cô dạy, nói rằng cô giảng nhiệt tình và ân cần lắm.

Hỏi ra mới biết là lớp các bạn chăm học, tích cực phát biểu, còn lớp mình thì hư, toàn nói chuyện và làm việc riêng trong giờ, nên cô không vừa lòng.”

Những câu chuyện như thế này còn rất nhiều trong xã hội, bởi hầu hết chúng ta trong quãng đời đẹp nhất của tuổi học trò, ít nhiều đều có những “dấu ấn” của thày cô.

Dù biết thầy cô nghiêm khắc thì học sinh mới nên người. Nhưng bây giờ sự nghiêm khắc của thầy cô đôi khi lại mang họa vào thân và làm liên lụy đến nhà trường, đến gia đình. 

Chỉ cần một vài phụ huynh bây giờ phản ứng vô cảm như đưa lên mạng xã hội bêu riếu, khiếu kiện, thậm chí tới tận trường đánh chửi giáo viên, dùng những lời cay nghiệp thóa mạ, chửi bới…là đủ làm thày cô nản lòng.

Chỉ cần vài lần bị các “thượng đế” dội nước lạnh như thế, bận sau thầy cô mặc kệ học trò hư, phạm lỗi, đến giờ là vào lớp dạy, hết giờ cắp cặp bước ra.

Nếu trò quậy phá không nghe lời cứ tảng lờ dạy cho xong tiết coi như là hết trách nhiệm.

Từ địa vị người thầy được người xưa tôn vinh chỉ đặt sau vị thế của vua trong một nước, đặt trước cả vị thế của người cha trong gia đình, thì nay chỉ còn là “người phục vụ các thượng đế”.

Đành rằng không phải cứ đòn roi hay trừng phạt mới là biện pháp giáo dục tốt.

Nhưng tước hết mọi công cụ để thày cô uốn nắn các học sinh “không phải dạng vừa đâu” và cũng không phải số ít, thì đến khi con cái các vị hỗn láo với chính ông bà cha mẹ mình, xin đừng lôi nhà trường và thầy cô ra lĩnh án.

Nếu đặt mình vào cương vị của người thày, người cô được phân công dạy lớp có nhiều học sinh “quậy”, bạn sẽ làm gì trong những trường hợp như thế này:

Một học sinh A gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới những bạn xung quanh. Giáo viên đang dạy tiết học bảo học sinh này đứng dậy nhưng A không đứng. 

Câu trả lời tỏ vẻ thách thức của cậu ta là: "Tại sao em phải đứng?"

Giáo viên nói: "Em gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới các bạn, cô yêu cầu em đứng dậy." A trả lời: "Em không thích đứng thì sao?"

Lúc đó các học trò ngồi dưới lại ồ lên tán thưởng cái chúng nghĩ là "dũng cảm", bất chấp cả thày cô, thì bạn sẽ ứng xử thế nào?

Một học sinh khác liên tục không thuộc bài, giáo viên nói sẽ mời học sinh. Học sinh nói luôn: “Có cần số điện thoại không? Đây cho?”

Ở một tình huống khác, trong giờ học, học sinh ấy liên tục trêu chọc một bạn nữ ngồi bên. Bạn thưa cô, học sinh ấy nói ngay: “Bảo cho rờ tí thì tha mà không chịu thì thôi.”

Và còn vô vàn tình huống thử thách giáo viên. Có thầy giận quá xuống phòng giáo viên thốt lên:

“Hôm nay tôi không kìm nén, sẽ cho cậu ta một bợp tai rồi bỏ nghề cũng được. Tôi cũng nói trước, sức chịu đựng có hạn. Nếu cứ tình hình này không biết ra khỏi ngành lúc nào.”

 Đừng để giáo viên cô độc trong môi trường giáo dục

Sau đơn tố cáo của phụ huynh trường Lương Thế Vinh, cô giáo T. còn may mắn khi không bị nhà trường tuyên bố đuổi việc. 

Cũng chẳng có nhiều trường học biết bảo vệ giáo viên và nội quy trường lớp, trước áp lực từ truyền thông và dư luận, họ chọn cách chiều ý đám đông và quay sang chỉ trích, thậm chí xử lý người thầy để “hạ hỏa” cho “các thượng đế”.

Bạn đọc chắc còn nhớ thầy giáo Trường Trung học cơ sở Khương Thượng (Hà Nội) tát học sinh khi bị chính học sinh này trêu chọc. Thầy đã bị bị đuổi việc ngay sau đó. 

Một thầy giáo ở Thanh Hóa đánh học sinh vì vô lễ với thầy trong giờ học. Gia đình làm giả giấy chứng thương nhưng thầy vẫn bị nhà trường buộc thôi việc. 

Hay một cô giáo ở trường quốc tế chỉ mắng học sinh “sao ngu thế” cũng bị sa thải sau khi phụ huynh tố cáo.

Không ít trường học khi bị phụ huynh tố cáo giáo viên bạo hành học sinh, không tìm hiểu rõ nguồn cơn, mà dù có biết rõ họ vẫn ngả theo hướng dư luận khi cho rằng dù trò có vô lễ, đánh phạt học trò là sai nên sẵn sàng sa thải giáo viên để trấn an dư luận và rũ bỏ trách nhiệm với đồng nghiệp của mình. 

Đó mới thực sự là nỗi đau của nghề giáo.

Tất nhiên không phải mọi trường hợp thày cô đều đúng, và chúng tôi cũng không bênh những đồng nghiệp bạo hành học sinh.

Nhưng lẽ thường sai đến đâu, xử lý đến đó, công khai minh bạch và có văn hóa. 

Đằng này, nỗi đau lớn nhất đối với người thầy trong nhiều trường hợp chính là sự quay lưng, ngoảnh mặt của nhà trường trước áp lực dư luận trong cái gọi là “khủng hoảng truyền thông”.

Thế nên, thân phận giáo viên trở nên mong manh khi bên mình chẳng có ai bảo vệ.

Bởi vậy, như một lẽ tất yếu, ngày càng có không ít thày cô truyền nhau cách bảo vệ mình tốt nhất là hãy…vô cảm với học sinh.

Giáo dục sẽ đi về đâu khi nhà trường và xã hội tước hết công cụ, vị thế của người thầy?

Tài liệu tham khảo:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thay-giao-bi-duoi-viec-vi-danh-hoc-sinh-giao-vien-bat-an-371917.html

http://www.baobinhdinh.com.vn/565/2003/11/7134/

http://www.baomoi.com/xon-xao-tam-thu-cua-phu-huynh-truong-luong-the-vinh-to-gv-chu-nhiem-khong-co-tinh-nguoi/c/23375520.epi

http://dantri.com.vn/dien-dan/chi-xin-cac-thay-co-hay-nghiem-khac-voi-hoc-sinh-1340476601.htm

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/co-nhung-hoc-sinh-cung-can-phai-danh-82117.html

 

Theo Phan Tuyết - báo Giáo Dục Việt Nam