Cuốn sách “Nhật kí chuyên Văn” : Để những kỉ niệm mãi lưu lại nơi trang giấy
“Nhật kí chuyên Văn: Ông thầy, 3 con chim quý và 23 con bìm bịp” - “Cuốn sách của tuổi 16 mộng mơ, 17 hoài nghi, 18 nổi loạn” - khiến cho những ai đang ở cái tuổi học trò nhiều lắm những vô tư thì thấy sao mà “giống thế”, còn với những ai đã đi qua rồi những năm tháng “mài đũng quần” trên ghế nhà trường thì lại chợt thấy sao mà “nhớ thế!”
Cuốn nhật kí kể lại hành trình 3 năm gắn bó của lớp Văn khoá 92-95 - một lứa Amser hơn chúng tôi - những học sinh chuyên Văn khoá 13-16, 14-17 - đến gần 20 tuổi. Ấy vậy mà, khoảng cách 20 năm ấy dường như bị lu mờ trong từng trang sách, bởi học sinh ngày ấy hay bây giờ thì cũng vẫn hồn nhiên như thế, vô tư như thế, đáng yêu như thế..
Cuốn nhật kí của một lớp học diễn ra cách đây 20 năm mà từng trang sách như viết về chúng tôi - những cô cậu học trò trẻ trung, hiện đại. Cũng vẫn khung cảnh cũ mà quen thuộc hết sức đó, cũng vẫn những trò nghịch ngợm long trời lở đất. Tôi bắt gặp hình ảnh của chính bản thân mình và cả bạn bè tôi nữa trong “23 con bìm bịp” - “ Tâm hồn tinh khiết, có nét u sầu. Rất lặng lẽ, nhưng khi cười thì toả sáng” như nàng tiểu thư Minh Hà, rồi thì cũng “để tóc tém, ăn mặc như tomboy, tính tình lại khá là ngỗ nghịch” như “Yến trồ”, rồi nào cũng có “mắt to đượm buồn, ánh nhìn luôn chăm chú mà xa xăm” giống Vũ Hằng xưa.
Tôi lại bắt gặp hình ảnh của mẹ Thuỷ- giáo viên chủ nhiệm lớp tôi - trong “ông thầy”. Ông thầy năm xưa đủ nhạy cảm để nhận ra sự khác biệt trong từng nét tính cách của lũ học trò tinh nghịch, nhận thấy những “dấu hiệu tương lai” trong những “mầm nổi loạn” thì mẹ Thuỷ tôi nay cũng thấu hiểu, cảm thông và chẳng lúc nào không nhận ra một chút buồn dù chỉ thoáng qua trên gương mặt của từng đứa một. Ông thầy từ năm “1995, thầy vẫn trong chốn vô minh cùng xã hội. Thầy chỉ có một lỗ nhìn ra ngoài. Như cái lỗ mình đục trên tường nhà. Cái tủ sách văn. Mục trường của cái lỗ ấy nhỏ đến mức không nhìn thấy cái gì rõ nét. Chỉ là một niềm tin mơ hồ: ngoài kia còn gì đấy nữa. Thầy biết thế, nên thầy biết mình. Và biết coi học trò là bạn…” thì mẹ Thuỷ chúng tôi nay cũng vẫn dạy chúng tôi phải nhìn cuộc đời qua tủ sách,mẹ đọc rất nhiều và luôn “than phiền” rằng sao chúng tôi học chuyên Văn mà lại lười đọc sách thế.
“2 chàng” của lớp tôi nay cũng chẳng khác gì “3 con chim quý” của lớp Văn 20 năm trước. Một chàng cũng say sưa với nghiệp văn chương như nhà văn Nguyễn Trương Quý, lại còn “văn võ song toàn”, hay khoe những màn múa võ đầy điệu nghệ khiến 39 đứa con gái chúng tôi trầm trồ thán phục. Nhưng chàng ấy cũng khác người, mùa hè thích đội mũ quàng khăn, mùa đông chẳng bao giờ rời khỏi găng tay và mũ len bởi chàng ta “sợ bị viêm phổi’. Chàng còn lại - cũng “như một nhà ngoại giao, nhưng không phải “chạy đi chạy lại kết nối giữa "lũ bìm bịp" lắm lời và hai gã "chim" khó tính còn lại” mà là “chạy đi chạy lại kết nối” lớp tôi và lớp Toán. Còn chuyện “Cũng giận dỗi ghê người. Nhưng chỉ cần khen hắn "đập chai, body sáu múi, ngâm tẩm công phu" là hắn sẽ bỏ qua hết. Và chắc chắc nếu bạn lâm vào tình cảnh hiểm nguy thì hắn sẵn sàng hành động như chàng Jack, buông tay để Rosa được sống” thì sao mà chàng Đức lớp tôi lại giống luật sự Phạm Trí Trung năm 16 tuổi như 2 giọt nước đến thế!
Ams khi còn ở đường Nam Cao – nơi khóa học trò chuyên Văn 92-95 dành chọn 1000 ngày để học và yêu thương
Đọc “Nhật kí chuyên văn”, tôi chợt ngộ ra: hoá ra Amser chúng tôi từ ngày xưa đã luôn năng nổ hoạt động ngoại khoá, lúc nào cũng có tư tưởng “học hết mình, chơi hết sức”. Đêm dạ vũ ngay trong phòng tập thể dục, đám cưới đồng tính đầu tiên trên thế giới - những điều mà 20 năm trước, mấy ai nghĩ đến? Lớp tôi nay cũng tổ chức “ngày của cánh mày râu” cũng dần dà lên kế hoạch cho “Lễ hội hoá trang” của riêng lớp mình. Đúng là, bao nhiêu năm trôi qua thì học sinh Ams vẫn có những cách sống, cách nghĩ “chẳng giống ai” như thế.
Bầu trời Ams những ngày còn ở cơ sở cũ
Và rồi tôi lại bắt gặp những “rung động tuổi mới lớn”, những “lo lắng” mịt mờ về tương lai mà biết bao lớp lớp học trò đều trải qua. Nhưng, riêng với “dân Văn”, với “gái Văn” thì cái rung động, cái xốn xang ấy lại sâu sắc quá mức! Các anh, chị ngày xưa cũng đau khổ hoài vì “yêu” một ai đó thì chúng tôi nay cũng đâu có khác gì, cũng suốt ngày tâm sự với mẹ Thuỷ: “Mẹ ơi anh ấy đang thi con lo lắm...”. Các anh, chị khi xưa giật mình lo lắng khi nghĩ về mình của 20 năm nữa, thì nay họ đã mỉm cười trên bước đường thành công. Chúng tôi, những đứa trẻ con tập làm người lớn, vẫn hàng ngày nhìn nhau tự hỏi: “giờ này 20 năm nữa chúng ta đang ở đâu?”, liệu rằng đến 1 ngày nào đó, tôi có được tự hào mà nói: “Chúng ta đang ở bên nhau, giữa đỉnh cao vinh quang sự nghiệp, hạnh phúc tràn đầy, và chúng ta đang cùng nhau nhớ lại những giờ phút ngọt ngào năm xưa.”?
Đọc những trang viết của các anh, chị của 20 năm về trước, tôi vẫn nhớ như in lời chị Vân viết : “Lớp mình hay thật, mỗi người một tính hợp thành một tập thể luôn vui vẻ và sôi động”, tôi chợt cảm nhận được sợi dây vô hình gắn kết giữa trái tim của bao thế hệ Amser, và đặc biệt hơn là học sinh chuyên Văn chúng tôi. Các anh chị ấp ủ niềm yêu thích dành cho môn Văn vô cùng tận, và trong thế giới muôn màu của tuổi ô mai ấy vẫn tồn tại sự lo âu cho việc học, hay điển hình là những giờ kiểm tra khi “tiếng dội thình thịch của 26 trái tim vang vọng”.
Cuốn sách đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều học sinh
Cuốn sách này đã dành trọn cảm tình của biết bao học sinh, ai ai cũng háo hức muốn được khám phá thế giới chuyên Văn ngày xưa ấy, để được sống lại giây phút của tuổi học trò thơ ngây, hay chỉ đơn giản là muốn tìm lại những kỉ niệm tưởng chừng đã bị lãng quên.
Chị Phạm Phương Mai ( Văn khóa 11-14 ) xúc động nói rằng : “Cầm quyển sách đọc mà cứ tự cười một mình, chẳng có cốt truyện rõ rang, cách trình bày và văn phong cũng khác mà cứ muốn đọc tiếp, đọc tiếp nữa…Bản thân lại càng cảm thấy tự hào vì là học sinh chuyên Văn, là Amser…Mong sẽ có thật nhiều người biết và đọc quyển sách này, vì nó không dành riêng cho học sinh sinh chuyên Văn, cũng không dành riêng cho Ams, chỉ cần đã từng trải qua tuổi học trò cũng sẽ cảm thấy mình trong đó, cảm giác như được trẻ lại, vô tư và nhiều ước mơ…”
“Không chỉ là câu chuyện của một lớp học đặc biệt, nó là tiếng nói chân thật của một thế hệ.”- một nhà báo đã viết về Nhật ký chuyên Văn như thế. Và tôi có thê tự tin khẳng định rằng, thế hệ đó vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi, những học sinh chuyên Văn hôm nay, vẫn đang đi tiếp trên con đường mà các anh, các chị đã bước đi 20, 30 năm trước đây. Chúng tôi vẫn như thế, một chút cá tính, một chút điệu đà, một chút Hà Nội và nhiều chút Ams. Chúng tôi tự hào là một học sinh chuyên Văn, và tôi tin rằng, chúng tôi sẽ luôn giữ trọn niềm yêu đó - niềm yêu với Văn và niềm yêu dành cho Ams.
PV: Phương Linh – Văn 1417
Thanh Hải – Văn 1316
Nguồn ảnh: Instagram của các Amsers