The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Tương lai bấp bênh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Post by: hn-ams | 03/01/2013 | 2472 reads

Trong quá khứ, các trường tư phát triển được là nhờ chênh lệch cung cầu khi khả năng đáp ứng của hệ thống các trường ĐH, CĐ thấp hơn nhu cầu học của xã hội. Đến nay, khi cung cầu đã cân bằng thì cơ chế khắc nghiệt này phát huy sức mạnh mang tính hủy diệt…

Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) công lập - ngoài học phí thu từ sinh viên còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Khi hai hệ thống trường công và trường tư cùng hoạt động, thách thức lớn các trường tư phải đối mặt là: nếu thu học phí như mức thu của trường công thì phải chấp nhận chất lượng đào tạo thấp hơn, do trường công nhờ “bù giá” cho nên suất đầu tư/sinh viên cao hơn - còn nếu chất lượng đào tạo đạt mức như trường công thì phải đảm bảo suất đầu tư/sinh viên như trường công, và do không được ngân sách nhà nước cấp tiền nên học phí sẽ cao hơn.

Các trường tư đang hoạt động trong một cơ chế khắc nghiệt: “cùng giá thì chất tồi hơn, cùng chất thì giá cao hơn”. Cơ chế này nếu áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế khác thì chắc không có ngành kinh tế tư nhân nào sống nổi. Trong quá khứ, các trường tư vẫn sống và phát triển được là nhờ chênh lệch cung cầu khi khả năng đáp ứng của hệ thống các trường ĐH-CĐ thấp hơn nhu cầu học của xã hội. Đến nay, khi cung cầu đã cân bằng - thậm chí cung vượt cầu, thì cơ chế khắc nghiệt này phát huy sức mạnh mang tính hủy diệt.

Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập vẫn đang bị gán cho tiếng xấu là chất lượng tồi. Cũng đúng thôi, khi ngoài việc không được “bù giá” như trường công, nhiều trường tư trong một thời gian dài hoạt động như cái bóng của trường công, khi chương trình và cách thức đào tạo sao chép từ trường công, giảng viên đa số là từ trường công chuyển sang hoặc thỉnh giảng, và lãnh đạo trường tư cũng đa phần là cán bộ quản lý trường công nghỉ hưu.

Hiện nay các trường công đang đào tạo 86% sinh viên, và do chiếm tỷ lệ sinh viên áp đảo - chất lượng giáo dục đại học Việt Nam do chính hệ thống các trường công quyết định. Nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” - các trường tư được xã hội và ban ngành phong làm “tôi đồ”cho sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam - không công bằng nhưng cũng có lý.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ cần lấy số liệu chỉ tiêu đào tạo ĐH-CĐ chính quy của tất cả các trường công cộng lại (trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012) thì sẽ có một con số ấn tượng: trên nửa triệu chỉ tiêu chính quy 2012 là thuộc về các trường công lập - chính xác là 504.074 chỉ tiêu.

Với con số chỉ tiêu trường công như vậy - không có gì ngạc nhiên khi không chỉ trường tư bị chi phối bởi “quy luật khắc nghiệt” và mang tiếng “chất lượng kém” khó tuyển sinh - mà ngay cả một số trường công “chiếu dưới” cũng đang thiếu đầu vào.

Trong khi các trường công không phải nộp thuế, thì các trường tư phải đảm bảo 55m2 đất/sinh viên, tức có 1ha đất chỉ được dạy tối đa 200 sinh viên, thì mới được nộp thuế ưu đãi. Các trường công vô tư hoạt động với diện tích đất chật chội - đặc biệt các trường trong nội thành Hà Nội và TPHCM.

Khi các trường tư ra đời, để được phép giảng dạy thì phải làm thủ tục mở ngành với các quy định mang tính “đánh đố” - đặc biệt là yêu cầu là phải có sẵn số giảng viên cơ hữu đã ký hợp đồng, trả lương, nộp bảo hiểm trước khi giảng dạy vài năm (Bộ GD-ĐT quy định khi nộp hồ sơ xin mở ngành - thường là trước khi tuyển sinh 1 năm - trường phải có đủ số giảng viên cơ hữu dạy ít nhất 70% chương trình, mỗi giảng viên cơ hữu chỉ được dạy một môn, do vậy nhiều giảng viên sẽ phải được tuyển dụng và nhận lương để 3-4 năm nữa mới đến môn mình dạy!).

Hệ thống đào tạo ĐH-CĐ công lập 10 năm qua đã được phát triển nhanh chóng đáp ứng toàn bộ nhu cầu học tập sau phổ thông. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2001-2002 mới có 168 trường ĐH-CĐ công lập, dạy tổng cộng 873 ngàn sinh viên, thì con số này năm học 2011-2012 tăng lên thành 337 trường ĐH-CĐ công và đang dạy 1,873 triệu sinh viên.

Tương lai “chắc chắn chết” của các trường tư đã được vạch rõ. Hoặc chết do không có sinh viên, không đủ sức đầu tư, hoặc sẽ trở thành một dạng trường công phục vụ xã hội khi tài sản chung không thuộc nhà đầu tư trong trường tư cứ to dần hàng năm.

Lê Đức Thuận

(Theo Dân trí)