Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đồng thuận giữ nguyên số năm học THCS là 4 năm
Tiến sĩ Nguyễn Đình Châu, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục, cho biết: “Các ý kiến của thành viên Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đều thống nhất, giữ ổn định giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay”.
Theo TS Trần Đình Châu, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục cho biết, tổng số năm học của giáo dục phổ thông trong 2 kỳ họp, ngày 20/8 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cũng như phiên họp này của Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo ngày 26/8, đều thống nhất: Giữ ổn định giáo dục phổ thông 12 năm, tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo và giáo dục hướng nghiệp từ cuối cấp THCS.
TS Châu cho hay, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban cũng đã kết luận giữ nguyên cơ cấu, hệ thống giáo dục phổ thông ổn định như hiện nay, không gây xáo trộn.
Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.
Hôm nay, ngày 28/8, hội thảo tham vấn của ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến về hệ thống giáo dục phổ thông từ hội thảo này.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án về Hệ thống giáo dục phổ thông:
Phương án 1: Giáo dục cơ bản 10 năm (giáo dục tiểu học 5 năm, giáo dục trung học cơ sở 5 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (giáo dục trung học phổ thông) 2 năm. Tổng cộng, giáo dục phổ thông là hệ có 12 năm học.
Phương án 2: Giáo dục cơ bản 9 năm (giáo dục tiểu học 5 năm, giáo dục trung học cơ sở 4 năm), giáo dục định hướng nghề nghiệp (giáo dục trung học phổ thông) 3 năm. Hệ thống này gồm 12 năm học - đó là hệ thống có cấu trúc như hệ thống hiện hành.
Góp ý về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: “Chưa rõ cơ sở khoa học nào để mang ra cân nhắc hai phương án này”.
GS Dong cho rằng, trên thế giới, hệ thống giáo dục phổ thông khá phong phú, số lượng các phương án cần chọn nhiều hơn số lượng Bộ đang cân nhắc như: Hệ giáo dục phổ thông 10 năm, có ở 4 nước; Hệ giáo dục phổ thông 11 năm, có ở 36 nước ; Hệ giáo dục phổ thông 12 năm, có ở 117 nước; Hệ giáo dục phổ thông 13 năm, có ở 44 nước; Hệ giáo dục phổ thông 14 năm, có ở 2 nước
Việt Nam là nước có hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, cấu tạo như sau: 5 năm tiểu học + 4 năm trung học cơ sở + 3 năm trung học phổ thông. Rất nhiều nước có hệ thống giáo dục 12 năm nhưng lại bố trí 6 + 3 +3. Một số nước khác chọn hệ thống 5 + 5 + 2 (cũng là 12 năm).
Tại sao nhiều nước lại chọn mô hình 6 + 3 + 3, nhất là các nước gần Việt Nam. Đó là câu hỏi nên nghĩ tới. Cũng có nhà nghiên cứu ở Việt Nam lại muốn chọn hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm, với nhiều lý do, trong đó có lý do chữ quốc ngữ chỉ cần 3 tháng là đọc được viết được. Chữ Trung Quốc học hết tiểu học cũng chỉ viết được vài nghìn chữ nên họ cần kéo dài tiểu học...
Về cái lý, chưa ai có sức thuyết phục người khác. Tôi chỉ nghĩ thế này: phải cân nhắc đến đặc điểm tâm lý, sinh lý của trẻ em Việt Nam, đến điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đến yêu cầu công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế... mà định hình hệ thống giáo dục phổ thông.
Theo GS Dong, khi Quốc hội thông qua hệ thống nào rồi thì mới nói đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cơ chế quản lý… Điều đặc biệt quan trọng là phải thực nghiệm sư phạm toàn bộ chương trình và sách giáo khoa trong một vài năm rồi hãy kết luận hệ thống ấy có dùng được không. Năm xưa, ông Zankov ở Nga đề xuất hệ thống tiểu học 3 năm, cho soạn chương trình và sách, đem thực nghiệm ở 2000 trường thuộc Liên bang Xô Viết trong 3 năm. Thế mới gọi là có trách nhiệm. Ở Việt Nam, nếu định chọn hệ (5 + 5) + 2 thì cần sớm trình Quốc hội, rồi thực nghiệm một số năm. Đến năm 2020 mà cảm thấy dùng được hãy mang ra áp dụng đại trà.
Theo dantri.com.vn