The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Đừng ngại làm kỳ thi tốn kém, mệt nhọc nếu thúc đẩy các cháu học

Post by: hn-ams | 15/02/2014 | 3298 reads

Chia sẻ với lãnh đạo ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Đừng ngại làm kỳ thi tốn kém, mệt nhọc nếu đó là cần thiết để thúc đẩy các cháu học, để lựa chọn những cháu xứng đáng học cao hơn, nhưng nếu không cần thiết thì nhất định phải bỏ".

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết TƯ 8 và tổng kết năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Vừa qua chúng ta có kết quả của kỳ thi PISA có thể nói không phải quốc gia nào cũng đạt được. Tuy nhiên, tôi nhắc lại là bên cạnh đó có hai mặt, chúng ta nhìn nhận những hạn chế nhưng với quyết tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, với lực lượng đông đảo đội ngũ giáo viên, cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, truyền thống hiếu học của người Việt Nam chắc chắn chúng ta có tự tin có thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà".

“Nước nào có một nền giáo dục tốt thì nước đó hưng thịnh. Cho nên việc đổi mới căn bản toàn diện lần này không thể làm một lúc, không thể nóng vội nhưng không thể cầm chừng. Chúng ta phải rất khẩn trương, rất quyết tâm quyết liệt nhưng phải rất khoa học và thận trọng từng bước” - Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị ngành giáo dục ngày 13/2/2014.

Cần bàn rất kỹ trong đổi mới thi cử

Nói về đổi mới thi hiện nay, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ý nghĩa của việc Bộ chọn đột phá là công tác thi cử đó cũng có ý nghĩa đột phá, đổi mới thi xong rồi mới làm những cái khác để tạo xung lực mạnh tạo đổi mới lan toả những cái khác.

“Tôi thấy Bộ chọn như thế này là đúng nhưng chúng ta cần phải bàn rất kỹ vì không chỉ đổi mới một năm nay, chúng ta đang giảm nhẹ thi từ 6 môn thành 4 môn. Có ý kiến nói là có lợi cho học sinh nhưng lợi là lợi ở chỗ đang gánh một gánh nặng 50 cân, chúng ta cho phép bỏ đi 20 cân. Chúng ta cần phải thấy rằng, nếu không cẩn thận, không đồng bộ thì các cháu sẽ học lệch, sau này ra đời kiến thức của các cháu sẽ lệch lạc đi. Đổi mới thi cử thế nào, phải tính để nó là khâu đột phá, để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy. Việc đổi mới thi cử năm nay chúng ta vẫn làm nhưng cần phải làm rất kỹ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lo lắng trước những vấn đề đổi mới thi năm nay, ông Đam lưu ý, đổi mới làm sao để không có thay đổi liên tục. Nếu thí điểm thì thí điểm ở một chỗ nhỏ, diện nhỏ và phải bàn rất kỹ lưỡng để làm sao đổi mới thi cử nhưng vẫn tương đối ổn định đừng để cảnh học sinh bây giờ còn mấy tháng nữa thi mà vẫn hồi hộp chưa biết năm nay thi môn gì, thi như thế nào thì cái đó không tốt.

Ông Đam chia sẻ, ông đã nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên và nhiều tầng lớp xã hội khác bày tỏ băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi về đổi mới thi năm nay, nếu năm nay quyết định thi môn này thì sang năm học sinh biết ngay là khả năng thi môn này sẽ ít đi, có đảm bảo không? Nguyên tắc của chúng ta ở phổ thông có hai phần ngoài dạy người ra chúng ta còn dạy kiến thức. Việc dạy kiến thức cũng có hai phần: một là trang bị kiến thức đúng nghĩa phổ thông làm nền tảng, căn bản; điều thứ hai mà chúng ta đã nói rõ là có định hướng năng khiếu. Chúng ta cũng phải lưu ý kỳ thi phổ thông phải gắn liền với tuyển sinh vào đại học, hai cái này tương quan với nhau.

Ông Đam ví dụ, hiện nay, một năm có hơn 900.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông trong khi vào đại học hiện nay có hơn 200.000 chỗ. Tâm lý người Việt Nam từ cán bộ đến nông dân phần lớn ai cũng muốn con mình có thể được học đại học, vậy thì chúng ta phải có tuyển sinh vào đại học và phải đổi mới tuyển sinh.

Cần lên phương án cho cả quá trình đổi mới

Một điểm mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý, giảm số môn thi tốt nghiệp cần lưu ý không nên để xảy ra tình trạng đội ngũ giáo viên bị chia thành hai hạng: hạng A dạy những môn chắc chắn được thi; hạng B dạy những môn gần như không thi hoặc thi rất ít. Tình trạng này sẽ khiến những giáo viên hạng B không còn động lực phấn đấu.

Với chuyện học tập cách làm giáo dục của các nước tiên tiến, ông Đam cho rằng, không có nghĩa là sao chụp nguyên văn. Ví dụ, có những nước tiên tiến chỉ có một kỳ thi, thậm chí học sinh chỉ phải làm một bài thi, nhưng họ vẫn đánh giá được toàn diện năng lực và phát hiện được phẩm chất của học sinh. Do đó, chúng ta phải khẩn trương và phải có lộ trình phù hợp hướng tới có một thang đo để đánh giá kiến thức toàn diện của học sinh một cách nhanh nhất, toàn diện nhất.

Chia sẻ với các lãnh đạo giáo dục ở các địa phương, Phó Thủ tướng nói: “Thực tế chúng ta học nặng thì sẽ đổi mới cách học, mà chọn thi là đột phá, phải làm sao các kỳ thi không nặng nề trên mức cần thiết. Chúng ta đừng ngại làm kỳ thi là tốn kém, mệt nhọc nếu đó là cần thiết để thúc đẩy các cháu học, để lựa chọn những cháu xứng đáng học cao hơn, nhưng nếu không cần thiết thì nhất định phải bỏ. Tôi lấy một ví dụ rất nhỏ, và cũng chỉ là một chia sẻ chứ không phải chỉ đạo bởi đây là vấn đề mà Bộ GD-ĐT có thẩm quyền phải quyết, chúng ta cho miễn thi 20%. Thực tế nếu 98% học sinh tốt nghiệp thì sao phải đặt ra vấn đề miễn làm gì? Tốt nghiệp kỳ thi bình thường, nhẹ nhàng. Chúng ta không muốn làm nó nặng nề phức tạp hơn thì tại sao phải miễn?”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp, bàn thật kỹ để có thể cải tiến một chút vào năm nay, đồng thời phải lên được phương án thi cử cho cả quá trình. Cần phải công bố trước khai giảng năm học mới. Tốt nhất là công bố trước khi nghỉ hè.

 

(Theo Dantri)