The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Thực trạng học sinh, sinh viên đang “quay lưng” với bảo tàng

Post by: admin | 08/08/2012 | 2973 reads

Rất nhiều học sinh, sinh viên đang dần lãng quên các địa điểm lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, niềm tự hào của dân tộc.

Những năm học gần đây, hầu hết các trường đều tổ chức chương trình cho sinh viên (SV) tham quan, tìm hiểu bảo tàng. Thế nhưng đa phần SV, học sinh (HS) chỉ đến bảo tàng mỗi khi bị “ép buộc” hoặc có đến cũng để cho vui chứ chưa tự ý thức tìm hiểu những giá trị quý báu được cất giữ nơi đây.

“Chủ yếu để lấy điểm rèn luyện”

Đó là câu trả lời của nhiều SV khi được hỏi về việc có thường xuyên tham gia các chương trình đến với bảo tàng do nhà trường tổ chức.

SV BND - SV năm 2 khoa Giáo dục Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nói: “Em chỉ đến bảo tàng khi các thầy, cô yêu cầu đi đến viết bài cảm nhận lấy điểm 30% thôi. Các bạn khác cũng như em. Vì đến bảo tàng bây giờ chán lắm, chỗ nào cũng chỉ thấy treo vài bức ảnh, thông tin thì sơ sài, lướt 5 phút là hết nguyên cả bảo tàng. Đi một lần chẳng buồn đến lần nữa”.

Chung quan điểm, MN - SV năm 3 khoa Thư viện Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Đến làm gì! Ở nhà lên mạng có hết. Lúc nào trường hoặc các thầy cô bộ môn như môn Cơ sở văn hóa, Lịch sử văn minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng… yêu cầu đi để viết bài thu hoạch thì em lướt mạng tìm rồi viết lại. Mấy bạn có đi vào bảo tàng cũng chỉ để chụp ảnh, có tìm hiểu được gì đâu. Lúc nào thầy cô làm gắt quá thì em ghé mua cái vé kẹp vào bài thu hoạch là xong... Đâu chỉ riêng em, đa phần các bạn cũng làm vậy thôi”.

Trừ các ngày lễ lớn HSSV khắp nơi về thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày thường nơi đây rất vắng HSSV, chủ yếu là du khách nước ngoài, người già, khách địa phương.

Một SV năm cuối - khoa Sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc đến bảo tàng là không cần thiết, mất thời gian nên suốt những năm học ĐH, chỉ duy nhất một lần SV này tới bảo tàng.

Đáng suy ngẫm hơn, một giáo viên kiêm tổng phụ trách đội tại một trường tiểu học tư thục ở quận 5 chia sẻ thực trạng, các trường phổ thông đang biến các buổi tham gia tìm hiểu bảo tàng của HS thành các tour du lịch ngắn. Trong đó nhà trường đóng vai trò như một nhà tổ chức du lịch, còn nhiệm vụ hướng dẫn, giáo dục ý thức cho HS thì “nhường lại” cho các nhân viên thuyết minh của bảo tàng. “Các giáo viên lúc này chỉ đóng vai trò như bảo mẫu đi theo các em khiến các em chỉ xem đây là cơ hội để đi chơi, chạy nhảy nháo nhào khắp bảo tàng mà chẳng học được gì” - thầy giáo này bộc bạch.

Mới dừng ở “lượng”, chưa thấy “chất”

Trước thực trạng đáng buồn này, hiện nhiều trường đang áp dụng các biện pháp “mạnh” hướng tới việc đánh giá kết quả học tập của HSSV như không công nhận điểm bộ phận của một số môn học (thường được quy định ở mức 30% số điểm của toàn môn học, cộng với điểm thi cuối kỳ), trừ một phần trong thang điểm rèn luyện, điểm hạnh kiểm, điểm xếp loại đoàn viên (gọi chung là điểm rèn luyện)… nhằm kéo thêm HSSV đến với bảo tàng. Thậm chí một số giảng viên tâm huyết giảng dạy các môn đại cương còn ràng buộc SV “phải đến bảo tàng, có bài thu hoạch đính kèm vé vào cổng mới tính là đủ điều kiện dự thi hết môn”. Tuy nhiên, thực tế chứng minh những cố gắng của các thầy, cô chưa mang lại hiệu quả chiều sâu trong việc giáo dục nhận thức cho HSSV về giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, mà chỉ đạt được ở mặt hình thức, số lượng SV tham gia.

Như để giúp sức các trường, các bảo tàng cũng đang thay đổi cách trưng bày, trang trí, tổ chức thêm các buổi triển lãm lưu động ở địa phương, giao lưu với các nhân chứng lịch sử… Dẫu vậy, rất ít bảo tàng nhận được tín hiệu khả quan từ những cách làm này.

Đến bảo tàng là để học, không phải “ngó xong rồi về”

Hằng năm Sở có phát động phong trào “Hành trình đến với bảo tàng”. Đây là một trong những hoạt động của chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống cho HS.

Như vậy, quan trọng nhất bây giờ là làm sao khơi gợi sự yêu thích của các em. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào công tác tổ chức của các trường. Chẳng hạn trước khi đưa các em tới bảo tàng người hướng dẫn phải phổ biến kiến thức cho các em. Thí dụ: Hướng dẫn các em chuẩn bị những điều kiện gì trước khi đến với bảo tàng. Khi đến bảo tàng hướng dẫn cụ thể cho các em cần tìm hiểu cụ thể những gì ở đây… Phải khẳng định việc đến bảo tàng là để học, để giáo dục chứ không đơn thuần là việc đi chơi, “ngó xong rồi về”, làm mất đi ý nghĩa việc đến bảo tàng.

Sắp tới Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL TP.HCM phát động cuộc thi “Hành trình đến với bảo tàng” trong toàn thành phố. Thông qua cuộc thi đó các em sẽ tích lũy được những kiến thức quý giá thu được từ hoạt động tham quan bảo tàng. Qua đây cũng để các trường hiểu đúng hơn ý nghĩa của việc đưa các HS của mình đến với bảo tàng.

Ông Trần Khắc Huy

Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM

Quan trọng là chất lượng

Hằng năm bảo tàng đều gửi thư mời đến hầu hết các trường cấp 1, 2, 3 và ĐH trong thành phố, khuyến khích các trường tổ chức cho SVHS tham quan. Ngoài ra, chúng tôi còn có các buổi triển lãm lưu động ở địa phương, với nhiều đề tài mà giới trẻ dễ quan tâm như “Tình yêu trong chiến tranh”, “Nạn nhân chất độc da cam”…

Đặc biệt, bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động như giao lưu với nhân chứng sống (các cựu chiến binh, các nạn nhân chất độc da cam) dành cho đối tượng SV các trường ĐH để họ có thể cảm nhận những điều chân thực, thực tế hơn. Trong mỗi dịp kỷ niệm đặc biệt, bảo tàng cũng tổ chức cho SV các trường ĐH đến chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam, chương trình giao lưu Em sẽ không quên… để các em viết, vẽ lại các cảm nhận về chuyến đi tham quan bảo tàng, … Tiêu chí của bảo tàng là không chạy theo số lượng mà quan trọng nhất đó là chất lượng, làm thế nào để mỗi người đến với bảo tàng đều cảm nhận được những ý nghĩa đích thực.

Bà Huỳnh Ngọc Vân

Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM

Lê Đức Thuận (Theo Phápluật)