THÁNG TƯ- MANG YÊU THƯƠNG TỚI ĐẢO TIỀN TIÊU
Có một tháng tư ở Hà Nội - Ams xao xuyến với hương thơm đậm của hoa loa kèn trong chút gió, chút mưa phùn của tiết trời Bắc giao mùa. Có một tháng tư ở Hà Nội - Ams còn dư âm nét tinh khôi trong những nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch và những tà áo trắng của sự kiện “Ngày hội áo dài” do những “Anh vũ” khối 12 tổ chức. Cũng có một tháng tư ấm áp, đong đầy niềm hạnh phúc và sự sẻ chia trong chuyến đi từ thiện tới các trường học và hộ dân nghèo tại đảo Vạn Gia, Móng Cái, Quảng Ninh trong hai ngày 2/4 – 3/4/2016 của Đoàn Cán Bộ - Giáo viên - nhân viên của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Đã thành thông lệ, hoạt động thiện nguyện này được tổ chức hàng năm nhằm tuyên truyền, vận động những nhà hảo tâm đến với những mảnh đời còn nhiều bất hạnh, cô đơn; giáo dục học sinh về lòng nhân đạo, tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong xã hội, có nhận thức và trách nhiệm hơn với các vấn đề xã hội. Từ ngôi trường của tình hữu nghị - tình đoàn kết và tình yêu thương, chúng tôi đã đặt chân tới những miền đất xa lạ để gắn kết những trái tim đồng cảm, yêu thương. Năm nay, đoàn Cán Bộ - Giáo viên - Nhân viên của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có chuyến đi tới mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Điểm đến của chúng tôi trong chuyến đi từ thiện thường niên lần này là đảo Vạn Gia - một đảo nghèo với điều kiện tự nhiên khó khăn. Đoàn từ thiện của Nhà trường gồm Đảng uỷ, Ban giám hiệu, các Đảng viên, Ban chấp hành công đoàn, Đoàn thanh niên, các Thầy Cô giáo đại diện cho Hội đồng giáo dục nhà trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Ngay từ khi phát động đợt từ thiện, Ban tổ chức đặc biệt nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, các Thầy Cô giáo, phụ huynh, học sinh và rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân – những tấm lòng hảo tâm cũng tích cực chung tay xây dựng quỹ từ thiện đầy thiết thực và ý nghĩa này. Toàn bộ kinh phí quyên góp nhận được từ các Nhà tài trợ, các tập thể, cá nhân bao gồm sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, đồ chơi và tiền mặt với tổng giá trị trên 200 triệu đồng, đã được Ban tổ chức sử dụng để dành tặng cho 122 hộ dân nghèo, cận nghèo, khó khăn và 5 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung trên đảo Vạn Gia. Kinh phí đi lại, ăn ở của các tình nguyện viên do những người trực tiếp tham gia đoàn đóng góp.
Các món quà được mang ra đảo dành tặng cho các em học sinh 5 trường mầm non, tiểu học, THCS hai xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung - đảo Vạn Gia
Hành trình của chúng tôi tuy khá vất vả nhưng nụ cười và niềm hạnh phúc vẫn luôn thường trực trên chuyến xe đặc biệt này. Sáng sớm thứ 7 ngày 2/4/2016, Đoàn khởi hành từ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đã đến đảo Vạn Gia. Mặc dù thời gian di chuyển khá dài và cung đường quanh co nhưng tất cả các thành viên của đoàn đều nóng lòng muốn mang và chuyển tới các trường học và hộ dân nghèo ở Vạn Gia những món quà của lòng nhân ái và sự sẻ chia. Cả đoàn đã có cuộc gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo thành phố Móng Cái: đồng chí Lê Ngọc Lưu - Phó chủ tịch thường trực UBNDTP, đồng chí Nguyễn Văn Độ - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Trưởng ban dân vận - Chủ tịch MTTQ TP, đồng chí Nguyễn Thu Hương - ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng phòng giáo dục, đồng chí Trần Nguyên Ngọc - phó phòng Lao động thương binh xã hội, các đồng chí lãnh đạo xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, các thầy cô giáo, học sinh của 5 trường và các đồng chí chiến sĩ bộ đội biên phòng đảo Vạn Gia. Chúng tôi được giới thiệu về điều kiện cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của con người nơi đây nhưng bà con chính là "những người chiến sĩ thầm lặng đang hàng ngày, hàng giờ lao động sản xuất đồng thời cũng là người giữ gìn từng tấc đất của quê hương đất nước".
Ban giám hiệu trao đổi với các đồng chí lãnh đạo thành phố Móng Cái và lãnh đạo xã Vĩnh Thực
Đoàn công tác dừng chân tại ủy ban nhân dân hai xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung tặng quà cho 122 hộ dân nghèo, cận nghèo và khó khăn của hai xã. Trị giá mỗi suất quà là 500 nghìn đồng.
Địa điểm thứ 3 đoàn chúng tôi đến là trường THCS Vĩnh Thực và đã trao 100 phần quà và 125 triệu đồng cho 5 trường thuộc 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thực nằm trên đảo Vạn Gia, Móng Cái, Quảng Ninh: Trường THCS Vĩnh Thực; Mầm non Vĩnh Thực; Tiểu học Vĩnh Thực; Tiểu học và THCS Vĩnh Trung; Mầm non Vĩnh Trung. Món quà là tình cảm ấm áp, sự chia sẻ, động viên kịp thời cho các em học sinh tại xã đảo vươn lên trong học tập. Nhà giáo Lê Thị Oanh cũng xúc động bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên các thầy cô giáo trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đặt chân đến một vị trí đảo tiền tiêu rất thiêng liêng của tổ quốc. Các thầy cô giáo trường Hà Nội - Ams đã được tiếp xúc với những người dân và các em học sinh trên đảo. Cảm xúc chung của đoàn là sự mến mộ, cảm phục và chia sẻ bởi lẽ các thầy giáo, cô giáo đang làm việc trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã khơi dậy, nuôi dưỡng tình yêu của học sinh, làm cho các em yêu chữ, yêu kiến thức, yêu biển đảo quê hương".
Niềm vui hân hoan của các em học sinh xã đảo
Nhà giáo Lê Thị Thành - Hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Thực đại diện cho các thầy cô giáo và học sinh 5 trường đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến đoàn và "xin hứa sẽ cố gắng nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên, thi đua dạy tốt, học tốt để đưa chất lượng giáo dục xã đảo tiến xa hơn nữa, rút ngắn khoảng cách với chất lượng giáo dục ở vùng đất liền trên địa bàn thành phố".
Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, mang lại những niềm vui, hi vọng cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa có nhiều thiếu thốn trong học tập và điều kiện sống và bà con nghèo trên xã đảo. Đồng thời cũng là hoạt động thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm với mong muốn góp phần chung tay giúp đỡ những mảnh đời nhỏ bé trong xã hội; gần gũi hơn với đồng bào, và cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, tình đoàn kết bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc. Những chuyến đi như thế này không chỉ là sự kiện hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội về hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, mà là cơ hội để chúng tôi trải nghiệm, để chúng tôi “sống chậm”, để hiểu và để sống bằng trái tim.
>> Xem thêm ảnh "Tháng tư - Mang yêu thương tới đảo tiền tiêu"
Ban biên tập web
Ảnh: Cô giáo Phạm Thị Bích Hồng