Phát biểu của cô Vũ Việt Hoa tại lễ "Tri ân và trưởng thành" của học sinh khóa 2010-2013
Ở nơi xa, các thầy, các cô vẫn dõi theo sự trưởng thành của các con, vẫn chờ đón tin vui của các con, vẫn mong mỏi các con được hạnh phúc. Các thầy cô đặt niềm tin vào các con.
PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN GIÁO VIÊN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM
TẠI LỄ « TRI ÂN VÀ TRƯỞNG THÀNH » CỦA HỌC SINH KHÓA 2010-2013
Nhà giáo Vũ Việt Hoa – Giáo viên tiếng Pháp
Kính thưa các quí vị đại biểu,
Kính thưa các quí thày cô giáo,
Kính thưa các quí vị phụ huynh học sinh,
Thưa toàn thể các em học sinh,
Tôi vinh hạnh được Ban Giám hiệu nhà trường đề cử thay mặt các thày cô giáo giảng dạy tại Khối 12 của nhà trường, khóa 2010-2013, phát biểu trong buổi Lễ TRI ÂN và TRƯỞNG THÀNH này. Tôi xin phép được dành toàn bộ bài phát biểu của mình để trò chuyện với các em học sinh.
Các em yêu quí, cô sẽ gọi các em là « các con », như thường ngày cô vẫn gọi. Vì trong thâm tâm, cô luôn nghĩ các con là con của cô, những người con đem đến cho cô biết bao niềm vui, nhưng cũng không ít nỗi lo lắng, băn khoăn, bận lòng.
Tiếng trống khai giảng năm học 2010-2011 vẫn còn vẳng bên tai mà giờ đây phút chia tay sắp điểm.
Cám ơn các con vì những ngày chung sống dưới mái trường Ams này. Sống với các con, kể cả các thày cô có tuổi cũng luôn thấy mình rất trẻ. Trẻ vì lây cái hồn nhiên, vô tư của các con, trẻ vì thường nhớ lại tuổi học trò của mình, trẻ vì luôn phải năng động, cập nhật, đổi mới để có thể làm người bạn lớn, đối thoại được với các con. Cuộc sống với các con là động lực giúp các thày cô dù ở lứa tuổi nào cũng luôn phải tự hoàn thiện mình để làm gương cho các con. Và, cô thường tâm sự với các thày cô đồng nghiệp trong trường rằng những ai đã được các con đón nhận, tâm phục, khẩu phục, chia sẻ những khoảnh khắc đời thường cũng như những khoảnh khắc đặc biệt trong đời thì người đó thật là hạnh phúc.
Đón các con vào trường, cô hiểu mình mang trọng trách giúp các con nên người, sống có lý tưởng, có định hướng tốt cho tương lai, có kiến thức, có phương pháp và kỹ năng để thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Cô dùng từ « giúp », vì cô luôn mong các con là chủ thể trong cuộc sống của mình, sớm có ý thức và khả năng tự lập, tự học, tự nghiên cứu. Nhà trường, các thày cô giáo chỉ có thể tạo cho các con một môi trường tốt để các con phấn đấu chứ không thể sống và học tập thay các con. Cô dùng từ « giúp » cũng là để trước khi chia tay nhau, nếu ai chưa hiểu thì bây giờ nên hiểu, rằng các thày cô đến trường không phải để khen, chê, trách, phạt các con. Những việc làm đó không phải là mục đích mà chỉ là một vài phương tiện để các thày cô « giúp » các con trưởng thành. Các con thích được khen, không thích bị chê. Ai cũng vậy. Nhưng đã đến lúc các con cần biết chọn lựa và giữ lại những lời khen, tiếng chê nào có mục đích giúp mình tiến bộ, giúp mình hạnh phúc. Mà muốn tiến bộ, hạnh phúc thì phải học cách sống, đừng học cách tỏ vẻ, đừng sĩ diện hão.
Cô mong Lễ trưởng thành này là thời khắc chuyển giao thực sự của các con. Đã đến lúc các con cần tự mình ngộ ra chân giá trị của hai từ « hạnh phúc ».
Chia tay các con, các thầy, các cô vui mừng và tự hào vì đã giúp các con thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích, giúp các con trang bị được nhiều phương pháp học tập tốt, giúp các con rèn luyện được nhiều kỹ năng làm việc hiệu quả. Điều đó có thể là tiền đề cho một cuộc sống vật chất đầy đủ, thậm chí là dư thừa cho đời các con. Tuy nhiên cô vẫn băn khăn không biết liệu khi « Ra khơi », các con có hạnh phúc không và các con có góp phần đảm bảo tương lai bền vững cho nhân loại hay không. Với tư cách là một người mẹ, cô mong các con có thái độ ứng xử thông minh, đúng mực với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, sao cho không chỉ các con của cô được sung sướng mà các cháu, các chắt của chúng ta cũng được an lành.
Tạm biệt các con, cô nghĩ rằng ảnh hưởng trực tiếp của những người thày, người cô tâm huyết tới các con sẽ ít đi, nhưng những lời dặn dò, chỉ bảo, khuyên răn, thậm chí là « mắng mỏ » chân thành thì sẽ còn theo các con mãi và sẽ gián tiếp là những la bàn chỉ dẫn cho các con nơi « khơi xa ». Phải được đặt vào tình huống thật trong cuộc sống, các con mới có thể « thấm » được những lời nói, hiểu được những tấm lòng chân tình.
Ở nơi xa, các thầy, các cô vẫn dõi theo sự trưởng thành của các con, vẫn chờ đón tin vui của các con, vẫn mong mỏi các con được hạnh phúc. Các thầy cô đặt niềm tin vào các con. Làm gì thì làm, các con hãy làm người tử tế, đừng bao giờ quên luật nhân-quả.
Ở nơi xa, các thầy cô sẽ nhớ các con lắm, sẽ lại gọi nhầm tên học trò mới khi các em ngồi vào chỗ của các con, có cách ăn mặc, có mái đầu, cặp kính hay một cử chỉ nào đó giống các con. Các thày cô sẽ nhớ đến các con mỗi khi cùng các em tổ chức các sự kiện, các hoạt động trong và ngoài trường. Tuy các con không sinh ra trong cùng một nhà, nhưng đã từng trưởng thành dưới cùng một mái. Mái trường Hà Nội-Amsterdam sẽ mãi mãi là điểm hẹn thân thương của tất cả các con. Hãy trở về đây mỗi khi có dịp, ta sẽ cùng ôn lại kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe những niềm vui trong cuộc sống và lại cùng nhau hát “Bài ca Hà Nội Amsterdam”.
Tạm biệt các con. Cô chúc các con thực hiện được lý tưởng và những ước mơ cao đẹp của mình. Chúc các con mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc trong cuộc sống.
Kính chúc các quí vị đại biểu, các quí thày cô giáo, các quí vị phụ huynh dồi dào sức khỏe.
Tôi xin chân thành cảm ơn các quí vị và các em học sinh đã lắng nghe bài phát biểu của tôi./.
------------------------------