The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Nữ sinh trường Ams trúng tuyển đại học hàng đầu thế giới

Post by: webams | 24/04/2021 | 2578 reads

Sắp tới, Phạm Khánh Linh, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ học Media, Culture and Communications tại ĐH New York, trường đứng thứ 7 thế giới về đào tạo ngành này.

Sắp tới, Phạm Khánh Linh, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ học Media, Culture and Communications tại ĐH New York, trường đứng thứ 7 thế giới về đào tạo ngành này.

Từ lâu, Phạm Khánh Linh, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, mơ ước được học tại ĐH New York, ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới về ngành Văn hóa, Truyền thông. Dù chọn đây là một trong hai trường để nộp hồ sơ vòng tuyển sinh sớm, Khánh Linh không dám nghĩ nhiều đến việc trúng tuyển.

“Ngày có kết quả, em lo lắng tới mức thức luôn đến sáng để chờ. Trước khi mở thư, em sẵn sàng nhận kết quả trượt, thậm chí còn nhắn sẵn cho bạn bè. Vậy nên lúc nhận được thư trúng tuyển, em bật khóc, một phần vì quá vui mừng, một phần do em không thể tin được”, Khánh Linh nhớ lại ngày đầy cảm xúc khi ước mơ thành sự thật.

Nu sinh trung tuyen dai hoc hang dau the gioi anh 1

Khánh Linh từng không dám tin mình có thể trúng tuyển ĐH New York. Ảnh: K.L.

Cứ nộp đơn, trượt thì thôi

Khánh Linh luôn có ý định du học nhưng cho đến tận cuối lớp 10, nữ sinh trường Ams vẫn chưa biết sẽ nhắm mục tiêu tới nước nào. Cuối cùng, em quyết định du học Mỹ, và bắt tay chuẩn bị từ mùa hè lớp 11. Thông thường, ở thời điểm này, người khác đã hoàn thành bài thi chuẩn hóa.

Thực tế, Phạm Khánh Linh gặp không ít khó khăn. Em vất vả nhất với các bài thi SAT, đặc biệt khi bản thân yếu môn Toán. Thêm vào đó, kỳ thi bị hủy nhiều lần do dịch Covid-19.

“Nhưng trong cái rủi có cái may, em có thêm thời gian tập trung ôn luyện SAT. Tháng 9/2020, chỉ 2 tháng trước hạn cuối vòng tuyển sinh sớm, em mới thi lần cuối, đạt 1520/1600 bài thi SAT I và 790 môn Toán SAT II và đạt 8.0 IELTS”, Khánh Linh kể.

Bên cạnh đó, Khánh Linh không có các giải thưởng học thuật. Để bù lại, Linh cố tập trung vào phần hoạt động ngoại khoá và bài luận.

Nhưng mọi thứ không dễ dàng. Trong suốt thời gian nộp hồ sơ, nhiều lúc, Linh khủng hoảng vì áp lực. Thậm chí có đêm, em ngồi trước máy tính khóc vì không biết viết gì cho bài luận. Đến giờ, Khánh Linh vẫn không thể quên được sự lo lắng, hoài nghi bản thân trong quá trình nộp hồ sơ.

“Em từng định không nộp nữa. Nhưng được chị cố vấn khích lệ, cuối cùng, em quyết định nộp với tư tưởng trượt thì thôi”, nữ sinh 18 tuổi tâm sự.

Đã quyết định thử sức, Khánh Linh tập trung vào thế mạnh bản thân - hoạt động ngoại khóa. Thêm vào đó, em nhận thấy điểm mạnh nhất trong hồ sơ nằm ở sự thống nhất về đam mê.

Trong các hoạt động ngoại khóa lẫn bài luận, em đều nói về sở thích của mình với thời trang, mong ước thông qua thời trang để lên tiếng về xã hội và văn hoá.

Thực tế, trong khoảng thời gian học THPT, Khánh Linh tập trung rất nhiều vào các hoạt động truyền thông, xã hội và nghệ thuật. Linh từng là đảm nhiệm vị trí quản lý tài năng cho dự án Ams’ Got Talent XII, quản lý truyền thông cho VỤN Art (doanh nghiệp xã hội chuyên bán sản phẩm may mặc bởi người khuyết tật), thông dịch viên tại The Interpreter (tổ chức tin tức độc lập nhằm giáo dục về chính trị, xã hội cho người Việt).

Ngoài ra, Khánh Linh còn thực tập marketing tại một công ty công nghệ dược phẩm ở Mỹ, trợ lý chủ tịch trong các talkshow của CLB Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam.

Nữ sinh đã đưa vào bài luận chính những trải nghiệm đó, cách em nhìn nhận phương thức quảng bá thương hiệu của các nhãn hàng thời trang nổi tiếng. Em nhận ra mỗi nhãn hàng đều giống như người thật và cho rằng rất nhiều thương hiệu đã tận dụng điều này để xây dựng chiến thuật kinh doanh thu hút nhất có thể.

Nu sinh trung tuyen dai hoc hang dau the gioi anh 2

Nữ sinh trường Ams sẽ theo học ngành Media, Culture and Communications tại ĐH New York. Ảnh: K.L.

Trúng tuyển 6 trường

Ban đầu, kết quả không như mong đợi. Lá từ đầu tiên Linh nhận được trong đợt ứng tuyển vừa qua là thư từ chối. Nữ sinh suy sụp nhiều. May mắn, em được bạn bè, thầy cô, gia đình, trung tâm tư vấn động viên, sẵn sàng hỗ trợ.

Khoảng thời gian khó khăn đó giúp cô gái 18 tuổi nhận ra lúc mọi việc sẽ dồn dập và áp lực, điều quan trọng là niềm tin mọi thứ rồi sẽ ổn và tập trung vào hiện tại, tiến lên từng bước.

Sau những hoài nghi, suy sụp đó, Khánh Linh nhận được kết quả em mong đợi - ghi danh vào ĐH New York hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Linh còn trúng tuyển 5 trường khác, gồm Northeastern, Fordham, Baylor, Villanova và Case Western Reserve.

Khánh Linh cho rằng có rất nhiều yếu tố đã giúp em thuyết phục ban tuyển sinh các trường vì hồ sơ luôn được xem xét một cách tổng thể.

Trong đó, điểm bài kiểm tra chuẩn hóa cùng với sự nhất quán trong hồ sơ và đam mê có lẽ là điều quan trọng nhất.

Với riêng ĐH New York, bài luận là một điểm mạnh lớn. Ban đầu, nó là những dòng lộn xộn, xuất phát từ cảm xúc chân thật nhất của một cô bé thực sự mê ngôi trường này (Linh biết đến trường từ lâu, từng đăng ký tham gia chương trình trại hè của trường nhưng bị hủy vì dịch Covid-19). Sau đó, em từng bước chỉnh sửa thành bài hoàn chỉnh.

Nữ sinh trường Ams còn viết về phát hiện ngành thời trang luôn có sự giao thoa giữa văn hóa Đông - Tây, và thành phố New York chính là đại diện tiêu biểu nhất cho sự giao thoa này. Vì vậy, em muốn được theo học trong trường với ước mơ đem tiếng nói tới cho các tài năng của ngành sáng tạo nước nhà.

Linh chia sẻ thêm không chỉ ĐH New York, gần như trường nào cũng có câu luận hỏi thí sinh lý do chọn trường. Theo nữ sinh, ứng viên không chỉ nói về tại sao mình chọn trường mà còn cả tại sao trường nên chọn mình, tại sao bản thân và trường phù hợp với nhau.

Vì thế, nữ sinh trường Ams cố viết chân thật nhất có thể về những mong ước, nguyện vọng của mình nếu được vào trường, đồng thời nêu rõ rằng cơ sở vật chất, giáo dục, giáo viên, môi trường… ở đây sẽ giúp em thực hiện mong ước này như thế nào.

Đây cũng là cơ hội để Linh tìm hiểu trường kỹ hơn, hiểu rõ hơn hoài bão, con đường tương lai của bản thân. Con đường mà nữ sinh chọn lựa từ đầu là ĐH New York. Em chọn nộp hồ sơ vào đây theo hệ tuyển sinh sớm (Early Decision), tức nếu trúng tuyển, em phải theo học.

Nói về lựa chọn của mình, Khánh Linh cho biết ĐH New York nằm ngay trung tâm New York - thủ đô thời trang của thế giới. Em tin bản thân sẽ có nhiều cơ hội thực tập và mạng lưới quan hệ rộng khi học ở đây - hai yếu tố quan trọng đối với ngành nữ sinh định theo đuổi.

Hơn nữa, Linh coi sự đa dạng văn hoá của thành phố New York là nguồn cảm hứng cho sáng tạo và trải nghiệm. Với những lý do trên, điểm đến tiếp theo của Phạm Khánh Linh là ĐH New York, học ngành Media, Culture and Communications.

“Với ngành học này, em có thể theo nhiều hướng nghề nghiệp khác nhau. Em muốn theo hướng thiên về kinh doanh và marketing trong ngành thời trang. Đây là ước mơ từ lâu của em vì nó kết hợp giữa hai lĩnh vực em yêu thích”, Khánh Linh nói về dự định tương lai.

Theo Zingnews