NHỮNG BÀI HỌC GIÁ TRỊ SAU BUỔI HỘI THẢO HƯỚNG NGHIỆP “AMSERS GEN Z SHAPING THE FUTURE”
Như đã được “nhá hàng” trước đó, buổi hội thảo hướng nghiệp “Amsers Gen Z Shaping the Future” được tổ chức bởi Hiệp hội Học sinh Hà Nội-Amsterdam (H-A-O), phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE) và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đã kết thúc 2 ngày sứ mệnh của mình với nhiều bài học, chia sẻ đắt giá để lại cho những người tham gia.
Trong buổi hội thảo ngày đầu tiên (28/8), các bạn học sinh đã được lắng nghe những câu chuyện, kiến thức vô cùng bổ ích của chị Sam Hằng Trần, anh Trần Tâm Phương và anh Thành Vinh, những cựu Amsers đã có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trên con đường chọn nghề, làm nghề. Cuộc hội thảo được tiến hành với hai chủ đề: hiểu mình và hiểu nghề.
Ba diễn giả của buổi hội thảo ngày đầu tiên
Chị Sam Hằng Trần nhấn mạnh, đa số các học sinh khi chọn nghề chỉ quan tâm đến những bề nổi của vấn đề như mức lương, độ nổi tiếng của đơn vị công ty,... trong khi đó điều chúng ta thật sự cần xét đến là sở thích, cá tính của bản thân. Trước khi chọn nghề phải hiểu rõ bản thân, hiểu về thế giới ngề nghiệp, những ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của ta để chọn được ngành nghề phù hợp với mình. Bên cạnh đó, chị cho biết không có ngành nghề nào là hoàn toàn dành cho một người, nó chỉ là sự phù hợp ở một thời điểm nhất định cùng với những yếu tố ngoại cảnh phù hợp xung quanh, vậy nên chúng ta luôn phải chiêm nghiệm, đào sâu năng lực của bản thân để có thể phát triển trên con đường tương lai.
Đến với chủ đề “hiểu mình”, người tham gia đã được biết thêm về hành trình từ trường học bước ra “biển lớn” của ba anh chị với những mảnh ghép hoàn toàn khác nhau. Người thì trắc trở trong việc theo đuổi, phát triển con đường nghệ thuật ẩn sâu trong tâm hồn mình, người thì thuận lợi đi theo con đường đam mê bản thân đã định hình sẵn. Đặc biệt, qua câu chuyện của anh Trần Tâm Phương, các bạn học sinh có dịp được thấu hiểu, đồng cảm, có những góc nhìn mới mẻ về vấn đề “cạnh tranh trong môi trường chuyên”, khi chính anh là người đã nỗ lực đi lên nhờ sự cạnh tranh ấy, nhưng cũng chính anh là người đã cảm nhận được sự “nhạy cảm” của bản thân khi phải đối diện với vấn đề đó, để rồi anh tự mình rút ra được bài học: cảm giác bị “cho ra rìa” là cần thiết để ta tập trung vào hạnh phúc của bản thân.
Đến với chủ đề “hiểu nghề”, các bạn học sinh được cung cấp kiến thức về thế giới nghề nghiệp từ chính những trải nghiệm thực tế, những bài học quý giá được đúc kết sau bao năm làm việc của ba diễn giả. Theo anh Thành Vinh, trong công việc, không quan trọng chúng ta làm gì mà quan trọng là ta làm việc đó tốt đến đâu, nhằm nhấn mạnh các bạn trẻ phải luôn nỗ lực thể hiện năng lực của bản thân, tạo ra những sản phẩm giá trị để trao đổi với thị trường. Hơn thế nữa, những người tham gia cũng đã “bỏ túi” được cho mình yếu tố quan trọng nhất khi chọn môi trường làm việc: chọn làm việc với những người mà ta có thể thoải mái chia sẻ những ý tưởng, câu chuyện của mình.
Nối tiếp thành công của ngày đầu tiên, buổi hội thảo ngày thứ hai (29/8) cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cung cấp kiến thức về chủ đề hướng nghiệp cho các bạn Amsers. Buổi hội thảo ngày thứ hai có sự tham gia chia sẻ của chị Trần Thị Hồng Nhi, chị Nguyễn Thu Hà và anh Chử Đức Hoàng, những con người mang đến câu chuyện về những ngã rẽ, bước ngoặt trên con đường chọn ngành, chọn nghề.
Ba diễn giả và những kiến thức bổ ích trong buổi hội thảo ngày thứ hai
Tiếp tục đào sâu vào chủ đề “hiểu mình”, trong buổi hội thảo ngày 29/8, người tham gia được biết đến 4 sai lầm trong việc chọn ngành, nghề: không hiểu mình, không hiểu nghề, không hiểu ngành, không hiểu thị trường lao động. Và để cung cấp công cụ hỗ trợ trong việc tìm ngành nghề phù hợp, chị Nhi đã giới thiệu tới mọi người “mật mã Holland” (một lý thuyết về nghề nghiệp được phát minh bởi nhà nhà tâm lý học John L. Holland). Mọi người có thể làm trắc nghiệm để tìm ra 3 trong 6 nhóm nghề phù hợp với bản thân, từ đó lựa chọn nghề phù hợp bao gồm các yếu tố trong 3 nhóm nghề đó. Ba anh chị chia sẻ thêm, nếu kết quả của “mật mã Holland” nhiều hơn 3 nhóm nghề nghĩa là bạn chưa có nhiều trải nghiệm, chưa biết rõ điểm mạnh của bản thân. Cách duy nhất để cải thiện vấn đề này là tăng cường trải nghiệm, bắt đầu thử từ những thứ mình thích, sau đó là dấn thân, nắm bắt mọi cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân.
“Mật mã Holland” được giới thiệu đến mọi người như một công cụ hỗ trợ việc chọn ngành, nghề phù hợp
Giống như buổi trước, người tham gia cũng được lắng nghe những câu chuyện “sương gió” của các anh chị diễn giả trên hành trình làm việc nhiều năm. Mọi người được nghe câu chuyện “trắc trở” của chị Hà, từ một học sinh khối tự nhiên đến một cô sinh viên trải nghiệm hết các hoạt động nghệ thuật không liên quan đến ngành học ở trường đại học, và sau cùng chị mới tìm được công việc xã hội phù hợp với mình ở đài truyền hình. Có lẽ, câu chuyện của chị chính là ví dụ điển hình nhất cho lời khuyên phải dấn thân mà các anh chị đã đưa ra trước đó. Khác với chị Hà, anh Hoàng đã định hướng sẵn ngành học của mình từ khi còn là học sinh cấp Ba và phát hiện mình có năng lực trong các môn tự nhiên, từ đó, anh sử dụng điểm mạnh của mình để thi vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và dần dần mở rộng phạm vi nghề nghiệp, nhằm tiếp xúc với nhiều mảng kiến thức, cơ hội hơn. Sau cùng là câu chuyện theo đuổi một ngành học khốc liệt, còn chưa được phổ biến ở Việt Nam của chị Hồng Nhi, câu chuyện truyền cảm hứng cho các bạn cũng đang có ước mơ theo đuổi ngành học mới mẻ nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển này.
Cuối mỗi buổi hội thảo, các bạn học sinh đều có cơ hội được đặt ra những câu hỏi mình còn thắc mắc và đều được các anh chị nhiệt tình giải đáp.
Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, câu chuyện của 6 anh chị diễn giả là những mảnh ghép riêng biệt đầy màu sắc, mang đến cho các bạn học sinh còn đang mông lung về việc chọn ngành nghề trong tương lai những kiến thức hữu ích, thực tế nhất. Vậy là 2 ngày của hành trình “Amsers Gen Z Shaping the Future” đã khép lại với những bài học vô cùng đắt giá, đó sẽ là những hành trang vững chắc để không chỉ các Amsers mà cả những bạn học sinh đang gặp khó khăn trong vấn đề này có thể tự tin về lựa chọn của mình trong tương lai.
PV: Diệu Ly Trung 2023
Ảnh: Internet