The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Người tài chưa được quan tâm và bồi dưỡng đúng mức!

Post by: nhungvh | 15/11/2014 | 3467 reads

Chiều 13-11, tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, 107 thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của Thủ đô và học sinh trường này đã được giao lưu với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về sử dụng tài năng trẻ quốc gia.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi giao lưu

“Chat” cùng “Amser” tên tuổi 

Chiều 13-11, buổi giao lưu về đào tạo tài năng trẻ Việt Nam diễn ra sôi động với nhiều thông tin thú vị cùng sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các gương mặt xuất sắc của trường Hà Nội-Amsterdam từ khóa đầu đến khóa mới ra trường. Đâu là yếu tố dẫn đến thành công, đâu là lợi thế của các “Amser” - học sinh được đào tạo từ mô hình  trường phổ thông chuyên đầu tiên của cả nước?… Những thắc mắc này đã được các cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam giải đáp.

Là học sinh khóa đầu tiên của trường Hà Nội-Amsterdam, Phan Phương Đạt, từng 2 lần đoạt giải Olympic Toán quốc tế, hiện là Giám đốc Công ty phần mềm FPT cho biết, thành công của cá nhân xuất phát từ khi còn học ở trường bởi 2 điều kiện, thầy cô giỏi, tâm huyết; bạn học giỏi, tốt. “Nhiều năm sau ngày ra trường, tôi mới cảm nhận được điều này. Ngôi trường đã đem lại cho tôi trí tuệ và sự hiểu biết xã hội. Đây là yêu tố cơ bản dẫn đến thành công của tôi” - Phan Phương Đạt chia sẻ với học sinh khóa dưới.

Hồ Thanh Tùng, cựu học sinh chuyên Toán, đoạt giải Toán quốc tế năm 1988, hiện là Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty ORACLE khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam cho rằng, bản thân được hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống chuyên từ tiểu học đến THPT. Với danh tiếng của cựu học sinh trường chuyên, Hồ Thanh Tùng cũng  như bạn bè cùng trường khi đi du học đều chiếm được sự tin tưởng, đánh giá cao của các trường đại học quốc tế và sau này là của đồng nghiệp trong cộng đồng công nghệ thông tin thế giới.

Trong khi đó, điểm nổi bật của Trần Quang Hưng, cựu Bí thư Đoàn trường Hà Nội-Amsterdam, đại diện cho thế hệ 9x thành công khi được gọi là “Người Việt trẻ” ở Liên hợp quốc khi đã từng làm việc cho tổ chức này tại New York, là dù rất thành công khi đi du học với tấm bằng kép về Kinh tế và Luật Đại học Bowdoin, Hoa Kỳ nhưng vẫn quyết định trở về Việt Nam làm việc ngay khi tốt nghiệp. Là một viên chức Nhà nước, Trần Quang Hưng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai dự án “Thi tuyển công chức trực tuyến” từ thời đi du học khi kết hợp với nhóm sinh viên ĐH Stanford và Học viện công nghệ Massachusetts với mong muốn  đóng góp vào quá trình cải cách nền công vụ nước nhà. 

Hãy làm điều gì tốt cho mình và cho đất nướcTại buổi giao lưu, Trần Quang Hưng đã trực tiếp đặt câu hỏi với Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân về định hướng giải pháp của Nhà nước trong việc trọng dụng nhân tài. Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng kinh tế vào tốp cao nhất thế giới, nhưng tăng trưởng có thể cao hơn nữa nếu chúng ta quan tâm hơn đến yếu tố con người. “Lâu nay, ở nhiều địa phương phát triển theo mô hình đi tìm vốn, chuẩn bị đất đợi nhà đầu tư đến mà không chuẩn bị sẵn nhân lực . Người tài chưa được quan tâm và bồi dưỡng đúng mức. Nơi nào thay đổi nhận thức sớm thì đã có chính sách cho người tài” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Về việc làm thế nào để thu hút nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Người Việt Nam đau đáu về quê hương, nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu, dù làm gì cuối cùng cũng dành một phần trái tim cho quê hương. Chúng ta không nên đặt vấn đề, nếu đi du học thì có phải trở về phục vụ đất  nước hay không. Vẫn nên học thêm nữa, phải trở thành người tài mới về, đấy là điều cần cho đất nước”.

Chia sẻ thêm về mô hình đào tạo nhân tài, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, tỷ lệ học sinh du học ngày càng cao, xuất phát từ mong muốn được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến. Đây là điều dễ hiểu và nên khuyến khích. “Điều kiện dạy học của trường Hà Nội - Amsterdam không kém gì thế giới, khát vọng vươn xa thành công dân toàn cầu là đáng khuyến khích. Với xu thế hội nhập, tôi rất mong giới trẻ Việt Nam tiếp thu được ngày càng nhiều chất xám của thế giới để phục vụ đất nước”, ông Vũ Đình Chuẩn chia sẻ.

Nhắn nhủ với những tài năng tương lai của đất nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những học sinh được hưởng điều kiện tốt nhất của đất nước với mô hình đào tạo chuyên, phấn đấu cần nhiều  hơn, giỏi ngoại ngữ, giỏi tin học, tận dụng mọi điều kiện và có ý thức học tập cho tốt. “Việt Nam còn rất nhiều việc, cần nhiều người tài. Chúng ta cần có nhiều trường như trường Hà Nội - Amsterdam trên khắp đất nước” - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Chiếc mũ rơm là món quà lưu niệm được ông Nguyễn Thiện Nhân tặng cho đại diện học sinh Hà Nội -Amsterdam với thông điệp: “Với điều kiện tốt hơn thế hệ trước, các em cần kế tục ý chí cha anh, không chấp nhận nước Việt Nam nghèo, thua các nước khác”...  

Theo anninhthudo.vn