“Nghệ thuật là ánh sáng.”
Thứ sáu vừa rồi (6/12), câu lạc bộ Sách Bookler và Hội Họa D&G đã tổ chức thành công buổi bình luận sách - giao lưu giữa các nghệ sĩ, họa sĩ trẻ ở Hà Nội và các bạn học sinh trong trường với chủ đề “Nghệ thuật đương đại” xoay quanh tác phẩm “Ways Of Seeing” của tác giả John Berger.
Tác phẩm “Ways Of Seeing” bởi tác giả “John Berger”
Một số kẹp sách thiết kể bởi CLB Hội Họa D&G
Tham dự buổi Book Discussion ngày hôm ấy có sự góp mặt của:
Chị Nguyễn Tường Linh – Diễn giả chính.
Anh Nguyễn Quang Vinh – Nghệ sĩ thị giác.
Anh Phạm Ngọc Dương – Nghệ sĩ thị giác.
Họa sĩ Nguyễn Thế Linh.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của Anh Nguyễn Đình Phương - sinh viên mỹ thuật và Cô giáo Lê T. Thanh Huyền. Số lượng diễn giả vượt trên cả kì vọng của các thành viên hai câu lạc bộ, đến cả khách mời cũng phải thốt lên, đây đúng là dịp “Các anh tài hội tụ".
Mở đầu buổi giao lưu, chị Tường Linh lên chia sẻ những hiểu biết về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam qua thời kì để các bạn học sinh có một cái nhìn sơ lược về nghệ thuật thị giác, và những hình thức truyền tải, cũng như ý nghĩa của loại hình này:
Một số tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Việt Nam qua các thời kì.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đương đại đều gửi gắm quan điểm, suy ngẫm của tác giả về cuộc sống, xã hội, văn hóa,... Và không cần diễn đạt bằng lời, họ để tự người xem ngẫm nghĩ, hiểu và thấm thía những triết lí, thông điệp ẩn dụ ấy.
Để tiếp tục chương trình, anh Phạm Ngọc Dương – nghệ sĩ thị giác, chia sẻ một vài tác phẩm trong triển lãm của mình, để cùng các bạn học sinh bình luận và cảm thụ.
Một số tác phẩm nghệ thuật thị giác của anh Dương
Nghệ thuật thị giác đơn giản là các sáng tác liên quan đến thị giác, không chỉ gói gọn trong mỹ thuật, điêu khắc, trạm trổ, ... mà mở rộng, bao trùm. Một sáng tác của nghệ thuật thị giác có thể bao gồm tất cả những loại hình trên. Những tác phẩm của anh Dương thường bị ám ảnh bởi sự dập khuôn, đóng dấu, sự gò bó, ngột ngạt giả tạo của xã hội và con người, để lại trong lòng người xem những ấn tượng sâu sắc, khó phai nhòa.
Những tác phẩm nghệ thuật được các bạn học sinh rất chú ý quan tâm.
Cùng bình luận cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật của anh Dương, các bạn học sinh cũng đặt ra các thắc mắc:“ Nếu như tác phẩm của anh, không được công chúng đón nhận, thậm chí gây tranh cãi và bị chỉ trích, anh có nghi ngờ hướng đi của mình không, anh có thay đổi phong cách để phù hợp thị hiếu hay không ?”
Anh Dương đáp rằng: “Nghệ thuật là ánh sáng. Thứ ánh sáng ở xa. Ta có thể bằng nhiều cách đi tới đó. Nếu ta xác định được ánh sáng của mình ở đâu thì cứ theo hướng đó mà đi. Nhưng có thể đi chưa đúng cách. Nhưng hướng đi không sai thì chẳng có gì phải nghi ngờ cả. Ta cứ nhìn về phía có ánh sáng mà bước...”
Anh Dương giải thích về quan điểm nghệ thuật của mình.
Cuối cùng là phần chia sẻ của anh Vinh, cũng là một nghệ sĩ thị giác, nhưng khía cạnh nghệ thuật anh khai thác lại rất khác lạ, độc đáo theo cách riêng: in ấn.
Một tác phẩm in ấn đặc sắc của anh Vinh.
Anh Vinh là cựu học sinh trường Ams lớp chuyên Toán 2, anh chia sẻ rằng chính môn Toán đã dạy anh tư duy logic, khoa học để anh sáng tác các tác phẩm nghệ thuật này, bởi vì dù là nghệ thuật, nhưng in ấn cũng cần rất nhiều tính toán, tỉ mỉ và chính xác. Những tác phẩm ban đầu phải khắc trên gỗ, sau đó mới đổ mực lên để in lên vải hoặc giấy. Vậy nên khi khắc hình ảnh thì hình phải ngược thì in lên giấy mới xuôi ... Anh Vinh nói: “... Con đường nghệ thuật nói riêng hay đường đời nói chung đều không bằng phẳng, nhưng con người ta có niềm tin, hi vọng và đam mê thì không việc gì phải sợ.”
Họa sĩ Nguyễn Thế Linh cũng bình luận “Phải có niềm tin vào bản thân thì mới khiến người khác tin vào sáng tác của mình được ...”
CLB D&G vẽ tặng các diễn giả những chiếc kẹp sách đầy nghệ thuật
Buổi giao lưu đã kết thúc nhưng hẵng còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các bạn học sinh. Cảm ơn các họa sĩ và nghệ sĩ đã dành thời gian đến chia sẻ giao lưu cùng 2 CLB. Mong CLB Bookler và D&G sẽ sớm tổ chức một buổi hoạt động ý nghĩa như thế này nữa.
Phóng viên Minh Châu Trung 12-15