The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Nên chuẩn bị hành trang như thế nào cho lần đầu du học

Post by: admin | 19/07/2012 | 2953 reads

Nhiều lo lắng, băn khoăn cho những học sinh, sinh viên lần đầu xa gia đình, quê hương để đến một nơi lạ lẫm về mọi mặt để học tập.Những kinh nghiệm sau đây của một du học sinh nhiều năm ở Canada sẽ giúp cho những ai chuẩn bị lên “rời tổ” vào mùa thu này cảm thấy an tâm hơn.

Nên mang gì ?

Tôi tin ai cũng băn khoăn chuyện áo quần vì mùa đông Canada rất lạnh. Tuy nhiên mấy năm gần đây thời tiết bớt khắc nghiệt rồi, rất ít gặp những ngày mùa đông âm 30-40 độ như từng nghe kể. Nếu ở Vancouver thì thời tiết ấm áp, chỉ nhiều mưa thôi.

Đừng sợ giá rét mà đùm đề quần áo mùa đông từ bên nhà sang vì nhiều lẽ: Áo khoác mùa đông bên đây mới đủ ấm để chịu được cái lạnh trung bình âm 15-20 độ C của tháng lạnh nhất. Những đôi bốt điệu đàng của những ngày se lạnh bên nhà cũng không đủ ấm đâu. Thôi thì mùa đông đầu tiên bấm bụng mua sắm quần áo giày dép đúng giá. Vào khoảng cuối tháng 2, khi người ta giảm giá quần áo mùa đông, lúc đó bạn có thể sắm sửa thêm. Điều bạn nên mang theo là quần áo mặc mùa thu vì đầu tháng 9 Canada đã lạnh rồi, thường từ 5-7 độ C.

Về máy tính xách tay, các nước thường có đợt giảm giá “Back to school” vào mùa tựu trường và có bảo hành nên không phải lo lắng. Còn nếu mang máy tính đang xài theo thì đừng quên một thứ vặt vãnh nhưng cần thiết: phích cắm chuyển từ chân tròn sang chân dẹp.

Nhóm sinh viên Việt Nam của York University (Canada) tham gia buổi Open house giới thiệu về trường mình với học sinh đến tìm hiểu để chọn trường ĐH 

An cư…

Nếu dưới 18 tuổi và không có người thân, du học sinh phải ở nội trú để Hội đồng giáo dục nơi học sinh theo học cử người làm giám hộ.

Nếu học ĐH-CĐ, sinh viên sẽ có nhiều chọn lựa hơn. Trường ĐH nào cũng có khu ký túc xá. Tùy túi tiền, bạn có thể chọn ở phòng riêng hay ở chung với sinh viên khác. Tuy nhiên, nhiều sinh viên nước ngoài thích ở homestay (chung nhà với người bản xứ). Ở homestay có nhiều mối lợi như bạn sẽ nói tiếng Anh... cả ngày và hiểu được đời sống, tập quán của dân bản xứ; thời gian đầu có người lo chuyện ăn uống, trò chuyện, sống trong không khí gia đình bạn sẽ thấy đỡ cô độc. Thường sinh viên ở ký túc xá hay homestay vài tháng là tự tìm thuê phòng ở gần trường để tiết kiệm tiền, đỡ thời gian đi lại và có thể ăn uống theo ý thích.

… lạc “nghiệp”

Sinh viên nên mở tài khoản ngân hàng càng sớm càng tốt vì ngoài việc để gia đình gửi tiền sang, bạn không nên giữ tiền mặt mang sang.

Sau khi mở tài khoản ít lâu, ngân hàng thường sẽ tự động đề nghị cấp thẻ tín dụng xài trước trả sau (credit card). Thẻ tín dụng quan trọng và tiện lợi lắm. Ngoài chuyện mua sắm, ăn uống hằng ngày, mua vé máy bay, đóng tiền học, trả lệ phí xử lý hồ sơ khi gia hạn thị thực trên mạng…, còn có rất nhiều thứ giao dịch cần phải có thẻ tín dụng như gắn internet, đăng ký điện thoại… Tuy nhiên xài thẻ tín dụng tiện lợi quá nên dễ “thâm lạm ngân sách” lúc nào không hay, nên “liệu cơm gắp mắm” vì tiền lãi của thẻ tín dụng rất cao, gần 20% một năm.

Khi đủ 16 tuổi, bạn nên thi lấy bằng lái. Ở các nước, bằng lái có giá trị như một loại giấy tờ tùy thân chính thức, đi đâu người ta cũng chỉ hỏi Driver license (bằng lái xe). Nếu có bằng này, bạn nên luôn mang theo mình, để hộ chiếu ở nhà cho yên tâm.

Đầu tiên bạn chỉ có thể thi bằng viết (Written driving test) thôi. Mua cuốn luật giao thông về “gạo” chừng 2-3 buổi là đi thi được rồi. Nếu đậu, bạn được cấp ngay bằng G1 có giá trị trong 5 năm. Cứ dùng nó như giấy tờ tùy thân như vừa nói, rồi tùy nghi quyết định học lái xe để lấy tiếp bằng G (Driving test) hay không.

Những ngày đầu “lạ nước lạ cái” của mỗi người mỗi khác nhưng rồi bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới vì như dân Canada hay nói với các bạn trẻ: “You can do that!”. Hơn nữa, ở xứ sở đa văn hóa, không kỳ thị này bạn sẽ gặp không ít người hòa nhã, tốt bụng, sẵn sàng hỏi: “Tôi có thể giúp đỡ gì không ?” khi thấy bạn ngơ ngác trước một điều gì đó.

Lê Đức Thuận (Sưu tầm)