[Mừng ngày 20/11] Thầy Đỗ Văn Thái – Mang yêu thương trong từng bài giảng
William A. Ward đã từng nói: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng". Trong lòng chúng tôi - những học sinh lớp 10 Địa, thầy Đỗ Văn Thái chính là một trong những người thầy vĩ đại ấy.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng con xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô giáo - những "người lái đò" vẫn miệt mài ngày đêm chèo lái con đò tri thức đưa học sinh tới bến bờ thành công. Đặc biệt, chúng con - tập thể học sinh lớp 10 Địa, xin được gửi lời cảm ơn tới thầy giáo Đỗ Văn Thái - người đã dạy học trò bao điều hay lẽ phải, người luôn yêu thương học trò, bao dung và tha thứ những khi lầm lỗi.
Tiết Văn đầu tiên trong năm học lớp 10, ngày thầy bước vào lớp, chúng tôi đã vô cùng háo hức và chờ mong với bao nỗi băn khoăn về người thầy mới. Vốn tưởng rằng thầy rất nghiêm khắc và khó tính, nhưng chúng tôi nhanh chóng hiểu ra nhận định đó là hoàn toàn sai lầm. Thầy rất hiền và yêu thương học sinh. Đối với những đứa học trò mới "chân ướt chân ráo" vào cấp ba như chúng tôi mà nói, thầy không chỉ là một nhà giáo, mà còn là người ông, người cha đáng kính.
Thầy luôn tâm huyết trong từng bài giảng
Tiết Văn của thầy Thái luôn là tiết học chúng tôi yêu thích nhất. Thầy đưa chúng tôi vào thế giới của những trang sử thi hào hùng, những câu chuyện cổ tích với khát khao hạnh phúc và công lí, những truyền thuyết cổ xưa mang đậm sắc màu huyền bí... Thầy hay trích câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ: "Chỉ còn truyện cổ thiết tha - Cho tôi nhận mặt ông cha của mình" mà răn dạy chúng tôi. Thầy muốn học trò của mình hiểu thêm những tinh hoa văn hoá của quê hương, đất nước, để rồi từ đó càng thêm yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Thầy hướng chúng tôi đến những triết lí sống cao đẹp, dạy cho chúng tôi những bài học bổ ích. Nhưng trên tất cả, thầy đã khơi dậy trong chúng tôi niềm đam mê, hứng khởi đối với môn học tưởng chừng rất khô khan này, đúng như câu nói của Uyliam Batơ Dit: "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn."
Không chỉ biết nhiều ca dao, tục ngữ và những câu chuyện hay, thầy còn viết được thư pháp. Ngày đầu tiên thầy vào lớp, nhìn nét chữ “rồng bay phượng múa” của thầy trên bảng, chúng tôi đều trầm trồ thán phục và cảm thấy vô cùng thích thú.
Thầy hiền nhưng "trong cương có nhu, trong nhu có cương". Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi ghi bài đầy đủ, nếu không sẽ bị phạt. Cũng chính vì vậy mà vở Văn của học trò chúng tôi luôn sạch đẹp và đầy đủ.
Can Jung có câu nói: "Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình." Không chỉ mang đến cho chúng tôi những bài học bổ ích, thầy còn rất tâm lí và yêu thương học sinh. Trong tiết học của thầy không chỉ có kiến thức mà còn có niềm vui, có những phút giây tâm sự, sẻ chia giữa thầy và trò. Thầy luôn hiểu những tâm tư của chúng tôi, chính vì thế mà khoảng cách giữa hai thế hệ dường như được xoá nhoà, tình thầy trò càng thêm ấm áp, gần gũi.
Hơn 40 năm trong nghề, không có khó khăn nào mà thầy chưa từng nếm trải, tóc thầy cũng bạc trắng đi theo bước chân thời gian. Tôi chợt nhớ đến câu hát thời ấu thơ: "Khi thầy viết bảng, bụi phấn bay bay, có hạt bụi nào bay trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy..." Tóc thầy bạc trắng bởi thời gian và có lẽ cũng do bụi phấn, tóc thầy bạc cho chúng tôi nên người... Thời gian ơi, xin hãy ngừng trôi để thầy mãi mãi dắt dìu chúng tôi trên con đường tri thức!
Nhân ngày 20/11, chúng con xin chúc thầy mạnh khoẻ và nhiều niềm vui. Chúng con xin lỗi thầy vì những lúc lầm lỗi, chưa ngoan, chưa tâm huyết trong giờ Văn của thầy. Chúng con cũng xin gửi đến thầy lời cảm ơn sâu sắc vì đã yêu thương chúng con, bao dung cho những lần mắc lỗi ấy. Cảm ơn thầy vì đã dạy chúng con những kiến thức bổ ích và những bài học nhân cách sâu sắc. Lời giảng của thầy, tìnn yêu thương bao la của thầy chính là hành trang quý báu mà chúng con nguyện sẽ mang theo suốt cuộc đời.
PV: Hà Linh – Địa 1619