The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11] Gặp gỡ cô giáo Phạm Vũ Bích Hằng: Sự thấu hiểu bắt nguồn từ tình yêu nghề giáo.

Post by: webams | 01/11/2017 | 3678 reads

Trong không khí chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi được gặp gỡ và trao đổi với cô Phạm Vũ Bích Hằng - Giáo viên môn Vật lý đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Lý 2 (16 –19), trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Chúng tôi được cuốn hút vào những câu chuyện, những kỉ niệm đẹp về nghề giáo của cô mà đằng sau đó là cả một tình yêu lớn mà cô luôn dành cho nghề giáo cao quý và các thế hệ Amsers. Sau đây là những lời tâm sự, trò chuyện của cô với Ams wide web về nghề giáo.

 Cô Phạm Vũ Bích Hằng

PV: Lời đầu tiên, con xin cảm ơn cô đã nhận lời mời phỏng vấn ạ! Thưa cô, cô có thể chia sẻ điều gì đã khiến cô chọn con đường nghề giáo này ạ, đặc biệt là  trở thành một Giáo viên Vật lý – môn học được nhận xét là “hóc búa” này ạ?

 Với cô, trở thành cô giáo như một chữ duyên. Khi lựa chọn Đại học Sư phạm Hà Nội, cô chỉ nghĩ đơn giản: Thật vinh dự khi là sinh viên của một trường đại học danh tiếng với truyền thống nhiều thế hệ gia đình gắn bó với nghề giáo, sau này mình sẽ có nhiều thuận lợi trong công việc. Nhưng chỉ khi thực sự bước lên bục giảng cô mới cảm nhận được vẻ đẹp cũng như những nỗi vất vả của nghề. Tuy vậy, thật may mắn khi bên cô luôn có những tấm gương các thầy cô thế hệ trước, sự động viên chia sẻ của đồng nghiệp và đặc biệt sự ham học hỏi của học sinh. Chính những điều đó đã giúp cô có thêm động lực để cố gắng, sáng tạo, nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của mình. 

Vật lý là một môn học khó nhưng gần gũi với cuộc sống và không thiếu phần lãng mạn. Gắn bó với môn này, cô hiểu được sự khó khăn của các bạn học sinh, nhất là các bạn ban xã hội. Bởi vậy, cô luôn mong các bạn sẽ tiếp cận môn học theo hướng: “Những kiến thức này có ở đâu trong cuộc sống? Dùng chúng để làm gì?”. Còn đối với các bạn ban nâng cao thì ngoài việc đáp ứng yêu cầu về lý thuyết và bài tập, cô hi vọng các bạn có thể tự sáng tạo đồ chơi, đồ dùng, máy móc để vận dụng những kiến thức Vật lý, từ đó thêm say mê và nâng cao hiểu biết thực tế về lĩnh vực này.  

PV: Trong suốt thời gian giảng dạy tại trường, cô có thể kể về một kỉ niệm đặc biệt nhất về các thế hệ Amser được không ạ?

Cô thấy mình thật may mắn vì được công tác tại một môi trường thuận lợi để phát triển chuyên môn và công tác giáo dục như trường Hà Nội – Amsterdam. Mỗi lớp cô từng giảng dạy đều đọng lại những kỉ niệm đẹp về sự thông minh, tinh nghịch nhưng rất đỗi chân thành. Kỉ niệm sâu sắc nhất có lẽ là với lớp chủ nhiệm đầu tiên, lớp Toán 2 (11-14). Lớp đông con trai, nghịch ngợm nhưng rất tình cảm. Những ngày lễ, những buổi tham quan lớp lại rộn rã tiếng cười, những giọt nước mắt vì vui và xúc động. Cũng không biết đã bao lần cô trò thủ thỉ tâm tình, kiểm điểm lên kiểm điểm xuống vì những tội quen thuộc cùng biết bao lời xin lỗi, lời hứa. Nhưng thật may mắn, bằng tình đoàn kết, cả lớp đã biết bảo ban nhau, để giờ đây đều đã là những sinh viên năm cuối của các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Mỗi năm khi đến thăm cô, cả lớp lại ngồi ôn lại bao kỉ niệm, để trân trọng những năm tháng tươi đẹp mà cô trò đã gắn bó dưới mái nhà Hà Nội – Amsterdam.

Cô Phạm Vũ Bích Hằng (áo dài hồng) cùng học sinh trong Ngày hội Áo dài – Made in 12.

PV: Trong năm học này, cô được phân công làm Giáo viên Chủ nhiệm lớp 11 Lý 2 (16-19). Cô có thể chia sẻ cảm xúc của cô cũng như có chút nhắn nhủ đến các bạn được không ạ?

Năm học này cô gắn bó với 11 Lý 2 với vai trò của một giáo viên chủ nhiệm. Thời gian cô làm việc và chia sẻ với các bạn chưa nhiều, nhưng cô cảm nhận 11 Lý 2 là một tập thể lớp thông minh, năng động và tình cảm. Cô tin rằng bằng sự nghiêm túc trong công việc và sự chân thành trong cuộc sống, cô và tập thể 11 Lý 2 sẽ đạt được những mục tiêu đề ra và có những kỉ niệm đẹp trong những năm học tới.

PV: Ngoài là một Giáo viên Vật lý, cô còn rất quan tâm và ủng hộ các hoạt động ngoại khóa của học sinh. Cô có điều gì nhắn nhủ đến các bạn học sinh trong việc cân bằng việc học và tham gia các hoạt động ạ?

Không phải tự nhiên mà các Amser luôn có một lối suy nghĩ, phong cách riêng, tự tin và độc đáo khi giao tiếp hoặc làm việc. Cô nghĩ rằng kĩ năng ấy đã được hình thành và dần hoàn thiện trong quá trình các em tham gia các sự kiện do các Amser tự tổ chức, các câu lạc bộ trong trường, nhất là khi tham gia dưới vai trò của Ban Tổ chức, Ban Quản trị. Tuy nhiên hành trang bước ra biển lớn của các em trước hết không thể thiếu được ý thức kỉ luật và những kiến thức được khẳng định qua điểm số của các kì thi. Bởi vậy các em nên có một kế hoạch học tập và hoạt động ngoại khóa rõ ràng, với mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra, để vừa có một bảng thành tích học tập xuất sắc, vừa có những trưởng thành, những trải nghiệm đáng nhớ qua các hoạt động ngoại khóa.

PV: Con xin cảm ơn cô vì những chia sẻ vừa rồi ạ!

Qua những chia sẻ của cô Phạm Vũ Bích Hằng, chúng ta thật xúc động trước những lo lắng, trăn trở mà cô luôn dành cho các học sinh. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thay mặt toàn thể các học sinh trường Hà Nội – Amsterdam, con xin chúc cô mạnh khỏe, hạnh phúc cũng như tiếp tục sẽ là người lái đó truyền tải tình yêu, niềm say mê và tri thức tới các thế hệ Amsers sau này!

PV: Mai Nhật Minh – Sử 1619

(Ảnh: FBNV)