The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hội thảo "Đạo đức nhà giáo Hà Nội- Amsterdam" năm học 2015-2016

Post by: webams | 07/04/2016 | 3057 reads

 Năm học 2015- 2016 của trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam đang dần khép lại với nhiều thành tích rực rỡ, nhiều dấu ấn đẹp và đáng nhớ. Để cùng nhìn nhận lại một năm học sắp đi qua với nhiều điều đáng tự hào, Đảng ủy, Ban giám hiệu và Ban chấp hành công đoàn nhà trường đã tổ chức chương trình Hội thảo "Đạo đức nhà giáo Hà Nội- Amsterdam" vào ngày 6/4/2016. Hội thảo đã diễn ra trong không khí ấm áp và trọng thể tại hội trường 200 chỗ của nhà trường.

Đây là dịp để các thầy cô giáo trong hội đồng giáo dục chúng ta cùng suy ngẫm và thẳng thắn đánh giá thực trang về ý thức trách nhiệm, về những khó khăn, thách thức, những điểm mạnh, điểm hạn chế của nhà giáo Hà Nội - Amsterdam. Từ đó, hội nghị đề ra các phương hướng, giải pháp cụ thể, tích cực để mỗi nhà giáo phấn đấu trở thành một tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách.     

Hội thảo đã diễn ra với sự tham dự của toàn thể Hội đồng giáo dục nhà trường. Mở đầu buổi hội thảo là những khái quát mang tính gợi mở về đạo đức nhà giáo với bản tham luận "Trang phục lên lớp và sử dụng mạng xã hội của giáo viên và học sinh trường Hà Nội - Amsterdam" do đại diện chi bộ Văn- Xã hội trình bày. Tham luận đã chỉ rõ về cơ bản, trang phục của nhà giáo Ams là chuẩn mực, thanh lịch, tinh tế; đồng phục của học sinh Ams đẹp và rất được chú trọng. Tuy nhiên, có đôi khi thầy cô cũng đãng trí mà “quên” ngày đồng phục còn học sinh thì lơ là việc mặc đồng phục, hoặc có nhiều kiểu ăn mặc sai qui định phổ biến... Có thể nói, vấn đề về trang phục và sử dụng mạng xã hội (Fb) giờ đây đã trở thành câu chuyện chung của thầy và trò trường HN-AMS, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà buộc phải suy nghĩ, bàn thảo, đưa ra và thực hiện những kiến nghị, giải pháp để một mặt không thờ ơ với công nghệ và thời đại, một mặt vẫn giữ được những chuẩn mực giá trị đích thực của ngôi trường Hà Nội – Amsterdam.

Tiếp nối chương trình hội thảo là phần trình bày tham luận “Một số tồn tại của giáo viên trong các hoạt động giáo dục trong trường THPT chuyên HN-AMS” của nhà giáo Trương Thu Thủy - đại diện chi bộ Sinh- Thể- Ngoại ngữ. Tham luận đã chỉ rõ: Nhắc đến trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, hẳn trong lòng mỗi Thầy cô giáo và học sinh đã và đang làm việc hoặc học tập đều thấy tự hào và hãnh diện về một ngôi trường có bề dày thành tích học tập và các hoạt động đã để lại những tiếng vang không chỉ với nhân dân thủ đô Hà Nội, với đất nước Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có được điều đó là nhờ công sức của rất nhiều các thế hệ nhà giáo và các học sinh ưu tú được tạo dựng bởi hơn 30 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, hiện tại trong các hoạt động giáo dục, ngoài những ưu điểm là chính thì vẫn còn một số tồn tại về: nề nếp ra vào lớp, quản lý học sinh trong giờ dạy, hoạt động sinh hoạt chung, thao giảng, dự giờ và công tác chủ nhiệm lớp. Những khái quát trên rất cần có thêm những ý kiến đóng góp từ các thầy cô giáo trong trường, từ đó đề xuất những giải pháp tích cực để hoạt động sư phạm của chúng ta ngày càng hiệu quả hơn. Do vậy, phần làm việc tiếp theo của hội thảo là phần thảo luận theo các nhóm chuyên môn với mục đích đề xuất được các giải pháp thiết thực và khả thi.

Phần thảo luận theo các nhóm chuyên môn

Sau giờ nghỉ trưa, hội thảo được tiếp tục vào lúc 14h cùng ngày. Mở đầu chương trình hội thảo là những tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ các thầy cô giáo trong chi đoàn giáo viên nhà trường. Những tiết mục múa, hát vô cùng sinh động quả thực đã mang đến cho buổi hội thảo không khí phấn chấn, báo hiệu một buổi làm việc tích cực và hiệu quả.

Tiết mục múa "Hoa Tràng An" của cô giáo Nguyễn Thanh Huyền

Tiết mục hát múa "Tổ quốc gọi tên mình" của Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, cô giáo Đặng Huyền Trang, cô giáo Lê Hồng Hạnh

Tiếp nối chương trình văn nghệ là bài phát biểu của ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ về vấn đề " Phật giáo và giáo dục". Những lời chia sẻ của ông Bùi Hữu Dược đã giúp các thầy cô giáo trong hội đồng giáo dục nhà trường hiểu thêm được mối quan hệ gần gũi giữa Phật giáo và Giáo dục về nhiệm vụ, mục tiêu, phương pháp... nhằm cái đích cao nhất là “dạy dỗ con người làm người để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Nhà giáo Lê Thị Oanh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã thay mặt toàn thể Hội đồng giáo dục gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ về những lời sẻ chia đầy tâm huyết của ông. Nhà giáo Lê Thị Oanh khẳng định: “Những ý kiến của ông đã gợi cho các thầy cô rất nhiều suy ngẫm sâu sắc về sứ mệnh, trách nhiệm của mình với nhà trường, với nghề nghiệp và với xã hội”.

Nhà giáo Lê Thị Oanh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường

Trong phần làm việc trước của hội thảo, các thầy cô trong hội đồng đã cùng nhìn lại thực trạng hoạt động của các thành viên trong hội đồng sư phạm và đã tiến hành thảo luận để tìm ra các giải pháp khả thi. Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận là mỗi thầy cô trong nhà trường đang phải đối diện với khá nhiều thách thức, có những thách thức chung mang tính thời đại nhưng cũng có thách thức riêng đối với các nhà giáo làm việc trong môi trường của chúng ta. Vì vậy, nhà giáo Triệu Lê Quang - đại diện Ban chấp hành công đoàn nhà trường đã gửi tới hội thảo tham luận "Những khó khăn và thách thức của nhà giáo Hà Nội- Amsterdam".


Nhà giáo Đoàn Lê Oanh đã đại diện chi bộ Toán - Tin trình bày tham luận: "Nhận diện điểm mạnh và điểm hạn chế của nhà giáo Hà Nội - Amsterdam". Bản tham luận đã nhấn mạnh những điểm mạnh nổi bật của giáo viên trường Ams cũng như những hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó, bản tham luận đã đề xuất một số giải pháp khả thi để khắc phục hạn chế. Phải khẳng định rằng truyền thống tốt đẹp của giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được xây đắp từ những thế hệ đầu tiên, đã, đang và sẽ được giữ vững và phát huy bởi nhũng thế hệ trẻ tiếp nối hôm nay và mai sau. Vì vậy, để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, mỗi nhà giáo phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, xứng đáng với lòng tin yêu của học sinh, của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Quang thay mặt hội đồng giáo dục nhà trường lên tổng hợp thực trang và các giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại đã được đề xuất và thống nhất từ phần thảo luận của các nhóm. Phần tổng hợp của nhà giáo Xuân Quang với những nội dung thiết thực đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi và tích cực từ phía các thầy cô giáo trong Hội đồng.

Khép lại Hội thảo, nhà giáo Nguyễn Đình Vinh, Phó bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng nhà trường đã đại diện Ban giám hiệu lên kết luận và thông qua nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp trước toàn hội đồng. 100% giáo viên trong hội đồng đều nhất trí với những giải pháp nêu trên.

Chương trình Hội thảo "Đạo đức nhà giáo Hà Nội - Amsterdam" đã kết thúc tốt đẹp trong không khí đoàn kết và nhất trí cao, phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục thủ đô Hà Nội.

Đỗ Hương (GV Văn)