The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hiệu trưởng Chuyên Ams chia sẻ về vấn nạn dạy thêm, thu nhập giáo viên

Post by: webams | 20/01/2021 | 1998 reads

Phụ đạo vài học sinh thì cũng không thể cấm được vì đó là nhu cầu của phụ huynh. Còn các lò luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào thì cá nhân tôi đều không ủng hộ.

“Tôi nghĩ việc dạy thêm có thể chia làm 2 kiểu, một là dạy phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém, hoặc đã khá rồi nhưng các em muốn giỏi hơn nữa. Thường những lớp mang tính chất phụ đạo này có số lượng học sinh chỉ khoảng trên dưới 10 người.

Thời còn đi học tôi cũng tham gia học các lớp phụ đạo như vậy và nhóm của tôi cũng chỉ có vài người, tôi nghĩ đây là nhu cầu thực tế của xã hội.

Còn nhóm học thêm thứ hai tôi quan sát sau này là dạy thêm theo lò luyện và theo tôi đây là một hình thức kinh doanh chứ không thể mang tính phụ đạo.

Khi mà đã dạy với số lượng 20 đến 30 học sinh thì thầy cô sẽ chỉ như một “cái máy giảng bài” thôi chứ không đủ thời gian quan tâm đến trò của mình có hiểu bài hay không.

Cá nhân tôi nếu phụ đạo vài học sinh thì chúng ta cũng không thể cấm được vì đó là nhu cầu của phụ huynh. Còn việc các lò luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào thì cá nhân tôi đều không ủng hộ. Như vậy là việc kinh doanh giáo dục bất hợp lý”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy.

Nhà giáo Trần Thùy Dương:"Khi mà đã dạy thêm với số lượng 20 đến 30 học sinh thì thầy cô sẽ chỉ như một “cái máy giảng bài” thôi chứ không đủ thời gian quan tâm đến trò của mình có hiểu bài hay không". Ảnh:Tùng Dương.

Theo cô Dương: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến học thêm, trong đó có việc phụ huynh kỳ vọng thành tích của con, nhất là việc muốn có học bạ đẹp. Thời tôi đi học cũng lớp chuyên nhưng chỉ có hai bạn đạt xuất sắc giỏi toàn diện trên 30 bạn. Và các lớp chuyên khác cũng vậy, đó là những bạn rất xứng đáng.

Hai bạn đó giỏi từ môn khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, còn có bạn mạnh về tự nhiên và có người chỉ mạnh về môn xã hội, cũng đều là học sinh giỏi nhưng không thể toàn diện được. Nhưng tất cả chúng tôi thời đó đều rất vui vẻ, các phụ huynh cũng vậy”.

Cô Dương cho biết: “Chính vì áp lực của bảng điểm và hiện nay có quá nhiều nơi tuyển học sinh dựa vào bảng điểm, đi du học cũng bảng điểm, tuyển chọn vào các trường đại học cũng dựa vào bảng điểm…và một số tiêu chí nữa cũng bảng điểm.

Có lẽ vì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bậc phụ huynh kỳ vọng con mình phải là học sinh giỏi toàn diện. Mà khi không toàn diện được thì đương nhiên các con phải học thêm.

Một yếu tố nữa khi có những so sánh giữa trường công lập và trường tư thục, giáo viên trường tư thục được trả mức lương theo tôi biết là từ 15 triệu đồng cho đến mức 25 triệu đồng 1 tháng nên họ không dạy thêm vì họ đã cam kết với nhà trường.

Các giáo viên ngoài giờ lên lớp họ phải làm việc ở trường cả ngày theo giờ hành chính gồm chấm bài, soạn giáo án, tham gia các công việc của trường hoặc nghiên cứu. Theo tôi đây là mô hình đáng để chúng ta học tập.

Còn đối với hệ thống công lập thì các giáo viên được quy định mỗi tuần dạy 17 tiết, sau đó ngoài giờ các thầy cô thoải mái thời gian và không chịu sự quản lý của nhà trường nơi công tác, vậy nên nếu các thầy cô có dạy thêm thì quả thật là nhà trường cũng không nắm được, nhưng về nguyên tắc chúng tôi phải chịu trách nhiệm nếu giáo viên của mình đi dạy thêm.

Khi học sinh có nhu cầu và phụ huynh tổ chức lớp rồi mời giáo viên đến dạy thêm cho nhóm của con mình thì các thầy cô thoải mái đi dạy, vậy theo tôi chúng ta phải tìm ra cái gốc của vấn đề.

Nếu như áp lực của học bạ phần nào đỡ đi, hoặc chế tài quản lý giáo viên ngoài giờ làm việc cần được điều chỉnh thì theo tôi vấn nạn học thêm tràn lan, phản giáo dục cũng sẽ phần nào giảm đi. Tại sao thời trước cũng có việc học phụ đạo nhưng không phải là vấn nạn?”.

Lương giáo viên cao hơn sẽ không có việc dạy thêm?

Cô Dương chia sẻ quan điểm: “Tôi đồng ý khi đi dạy và hưởng mức lương nhà nước quy định và so với cuộc sống thực tế thì còn có nhiều khó khăn, việc này chúng ta đều hiểu.

Nhu cầu để có công việc phụ đạo thêm theo tôi cũng là chính đáng, tuy nhiên cũng tùy quan niệm từng người. Có người chỉ 15 triệu đồng 1 tháng là đủ nhưng có người 30 triệu đồng chưa đủ, cái đó vô cùng lắm.

Tôi ví dụ một số trường chuyên, trường bán công họ đã làm được mô hình mà tôi thấy chúng ta cũng nên tham khảo. Họ có mức lương tuy chưa thể nói là cao nhưng cũng gọi là tàm tạm so với mặt bằng chung của giáo viên.

Giáo viên sẽ làm cam kết cống hiến hết mình cho nhà trường và không dạy thêm. Đó có thể là một nguyên nhân các giáo viên trẻ mới ra trường không thích làm việc tại các trường tư thục mà chỉ thích vào các trường công lập vì sự quản lý ngoài giờ này.

Tôi ủng hộ việc học phụ đạo để thêm kiến thức cho học sinh nhưng trên tình thần tự nguyện và học sinh, phụ huynh thực sự có nhu cầu. Còn vấn nạn coi giáo dục là một ngành kinh doanh nhưng ép học thêm thì đó là kinh doanh không lành mạnh.

Tôi mong các nhà quản lý giáo dục cần nghiên cứu sâu hơn để đưa ra những phương án khả thi nhằm giảm tải vấn nạn này. Cũng cần phải giảm áp lực về điểm số, áp lực về thành tích học sinh giỏi, áp lực về học bạ…”.

Theo cô Dương: "Tuy nhiên tôi vẫn bảo lưu quan điểm khi chúng ta giảm tiêu chí về điểm số, về học bạ trong việc tuyển chọn thì việc học thêm cũng sẽ đỡ hơn phần nào". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cô Dương chia sẻ thêm: “Bản thân tôi hồi đi học cũng gặp phải chuyện ấm ức nên khi làm giáo viên tôi có tự nhủ và nói với học sinh rằng: Cô có thể nghiêm với các con nhưng không bao giờ cô để các con chịu thiệt thòi ấm ức như cô ngày xưa.

Đã từng một lúc nào đó không đi học thêm, vì vài lỗi nào đấy nhưng cũng có lỗi, tuy nhiên tôi lại bị “đánh” lỗi nặng hơn so với các bạn khác. Vấn đề này là phi nhân văn.

Các giáo viên nếu có đủ năng lực chuyên môn, đủ tự tin thì hãy dạy học sinh định hướng, khi đó các em sẽ tự tìm đến cô vì kiến thức chuyên môn của cô. Còn nếu giáo viên dạy thêm học trò của mình theo kiểu bắt ép với số lượng vài ba chục học sinh thì lúc đó đã phạm đến đạo đức nhà giáo rồi.

Người đi làm thầy phải có cái tâm, vậy nên thực sự tổn thương cho học sinh và cá nhân tôi rất chia sẻ cho việc này vì tôi cũng đã từng là học sinh”.

Có phải do sĩ số lớp quá đông?

Theo cô Dương: “Sĩ số học sinh quá đông cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến học thêm, khi giáo viên không thể truyền tải được kiến thức với một lớp có 60 học sinh, đây là điều không thể.

Học sinh có sự phân hóa không đồng đều, sự tập trung cũng không giống nhau nên cũng có nhu cầu phải phụ đạo. Việc giảm tải sĩ số theo tôi các nhà quản lý giáo dục sẽ quan tâm và có hướng giải quyết.

Tuy nhiên tôi vẫn bảo lưu quan điểm khi chúng ta giảm tiêu chí về điểm số, về học bạ trong việc tuyển chọn thì việc học thêm cũng sẽ đỡ hơn phần nào.

Lý do nữa là học sinh hiện nay học để thi, tất nhiên có một số học để có kiến thức. Tuy nhiên kỳ thi có tác động rất quan trọng nên khiến cho các em và cha mẹ rất lo lắng, cố gắng học thật nhiều kiến thức.

Nếu cách ra đề thi hiện nay nói chung hướng tới việc tự học thì tốt biết mấy? Tham dự nhiều kỳ thi quốc tế nhưng chúng tôi có đi học thêm đâu, không có ai dạy và chúng tôi bắt buộc phải mua sách về tự học cũng như học hỏi kinh nghiệm ở những người đã thi, rồi ôn luyện 6 tháng, 1 năm…

Chúng ta nên học hỏi thế giới cách ra đề thi và khuyến khích khả năng tự học của học sinh, nếu như vài lần các em nhận thấy khả năng tự học có thể làm nên những điểm số rất cao thì tôi nghĩ việc học thêm sẽ đỡ đi nhiều”.

Theo cô Dương: “Khi mình học một ngành nghề nào đó và sư phạm là một ngành đặc thù thì ai cũng mong muốn có một nghề ổn định. Trong suy nghĩ của đa phần các bạn sinh viên trẻ thì môi trường công lập là nơi ổn định nhất.

Sau đó mới tính đến chuyện xã hội “đồn rằng” phải “chạy” rất nhiều thì mới có được chỗ để đi dạy, vậy thì đương nhiên các bạn bị mất những khoản đó thì phải đi dạy thêm để bù vào.

Nhưng thông thường rất nhiền bạn trẻ tôi phỏng vấn thì thực sự họ muốn có một công việc phù hợp với năng lực của mình, ra trường rất muốn cống hiến. Đó là tâm lý tuổi trẻ.

Tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp các giáo viên nói cho đến bây giờ vẫn không hiểu được tại sao mình được nhận công tác? Và họ vẫn rất biết ơn người đã nhận mình vào trường để giảng dạy, họ cống hiến thực sự.

Nói thật là nghề giáo của chúng tôi thời gian này thấy có nhiều cái gợn, tôi cũng rất đáng tiếc nhưng thật sự là có nhiều người tâm huyết với nghề và nếu chúng ta mở rộng “cánh cửa” cho những sinh viên mới ra trường, đặc biệt là những sinh viên giỏi được vào giảng dạy theo đúng năng lực của họ, tôi tin họ sẽ cống hiến chứ không phải cứ nghĩ theo cách tiêu cực họ vào chỉ để chăm chăm dạy thêm. Nếu họ mất khoản “chi phí” nặng thì họ sẽ chăm chăm dạy thêm, đó là một trong những nguyên nhân."

Theo tạp chí Giáo dục Điện tử