Xây dựng mức thu học phí
Theo lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, các phòng đã nhận được công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện thu chi tài chính năm 2011, đồng thời đề xuất những khoản thu trong các nhà trường công lập. Công văn này do bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT ký và ban hành ngày 8/3.
Công văn nêu rõ: “Năm 2010, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự thảo tờ trình học phí. Chấp thuận đề xuất của liên Sở, UBND thành phố đã có tờ trình 44/TTr-UBND ngày 28/6/2010 và tờ trình 47/TTr-UBND ngày 10/7/2010 “Quy định mức thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2010-2011”. Tuy nhiên, tại thời điểm đó do suy thoái kinh tế, để đảm bảo an sinh xã hội, HĐND thành phố quyết định không trình đề án học phí trong năm 2010 đồng thời cho phép giữ nguyên mức thu học phí đang thực hiện”.
Theo Công văn, căn cứ chương trình công tác số 07/Ctr-UBND vào tháng 1/2012 của UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng quy định về thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục và đào tạo của Hà Nội trình HĐND thành phố. Để có cơ sở xây dựng tờ trình học phí, Sở đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã báo cáo tình hình thực hiện thu chi năm 2011, đề xuất các khoản thu khác ngoài học phí, đề xuất mức thu của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn phần và các đơn vị sự nghiệp thực hiện mô hình dịch vụ chất lượng cao.
Như vậy, có thể thấy rằng Hà Nội đang chuẩn bị cho việc xây dựng quy định mới về thu chi học phí và những khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục. Sau 2 năm, kể từ khi HĐND thành phố không thông qua đề xuất học phí, Hà Nội “khởi động” lại quy định về mức học phí mới.
Tăng học phí để giảm “lạm thu”?
Việc Hà Nội xây dựng phương án về học phí mới cũng không phải điều gì quá mới mẻ. Bởi từ tháng 7/2010, Hà Nội cũng đã thực hiện đề án học phí mới, trong đó mức học phí từ mầm non cho đến bậc học phổ thông được nâng lên từ 2 đến 5 lần. Đề án này được dựa trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân ở từng vùng, mức thu học phí được phân theo khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND thành phố sau đó đã không thông qua, mức học phí cho đến nay vẫn giữ nguyên.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay thành phố chưa thực hiện thu học phí theo mức mới và cũng có nhiều bất cập. Hà Nội hiện có tới 4 chính sách thu học phí, kể từ sau khi Hà Tây, huyện Mê Linh và một số xã của huyện Lương Sơn sáp nhập về Thủ đô.
Việc thu và sử dụng học phí trên địa bàn thực hiện theo các qui định cũ trước khi hợp nhất, nên mức thu rất thấp, tiền học phí thu được chưa đến 10% nguồn ngân sách cấp. Điều này đã nảy sinh ra những bất cập trong chuyện thu chi tiền trường vào dịp đầu năm học ở một số trường công lập, do thiếu kinh phí trường phải thu thêm các khoản nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ dạy học… bị dư luận lên án là “lạm thu”.
Vào đầu năm học vừa qua, đoàn giám sát của Ban Dân nguyện của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về thực hiện thu chi học phí, lệ phí tại các cơ sở giáo dục. Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, mức thu học phí đang áp dụng từ năm 2000 thấp so với thực tế và đòi hỏi của nâng cao chất lượng giáo dục.
Các cơ sở phải trích 40% tổng thu học phí để thực hiện cải cách tiền lương phần nào đã ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập của các trường. Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ trình UBND thành phố thông qua mức học phí mới trong năm 2012. Theo đó, vùng có điều kiện khó khăn sẽ quy định mức thu thấp ở mức tối thiểu của khung quy định; khu vực nội thành ở mức cao hơn…
Theo giaoduc.net.vn
Hằng Anh (Chuyên Văn khóa 10-13)