Thế giới khác lạ của ngôi trường MC Diễm Quỳnh từng theo học
Đó là một ngôi trường danh tiếng của thủ đô, và có lẽ của cả nước. Ngôi trường đào tạo bao học sinh giỏi quốc gia và các chiến binh cho các kỳ thi Olympic quốc tê. Là nơi nhiều nhân vật của công chúng từng theo học: MC Diễm Quỳnh, người mẫu Hà Anh, cố vấn kinh tế Nguyễn Đức Thành...
Vậy nên một quyển sách về ngôi trường nức tiếng này, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, hẳn sẽ là điều được nhiều người mong đợi. Có hai mươi bảy cựu công dân của Ams đã làm được điều đấy. Họ là tập thể lớp chuyên Văn 92-95, tác giả của sách “Nhật ký chuyên Văn – Ông thầy, 3 con chim quý và 23 con bìm bịp” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành và ra mắt bạn đọc vào tháng Sáu này.
Đọc Nhật ký Chuyên Văn, bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Bạn sẽ chẳng tìm thấy những áp lực trường chuyên lớp chọn, những cuộc đấu đá để trở thành “gà nòi” mà người ta thường nghĩ về nơi “nhân tài nhiều như lá mùa xuân” này. Bạn không thấy một cuộc đua thành tích nào giữa các bậc phụ huynh và giữa các thày cô. Với các công dân Ams ngày ấy, ba năm dưới mái trường là một cuộc dạo chơi.
Bạn sẽ bật cười ha hả với những sự kiện hài hước long trời lở lở đất do họ (chính là 3 con chim quý và 23 con bìm bịp) khởi xướng: tổ chức "đám cưới đồng tính" đầu tiên của cả nước, trốn học quân sự tập thể, tổ chức vũ hội khi mới ti toe vào trường.
Bạn sẽ gặp những cô cậu học sinh không chỉ biết lo học mà còn giỏi đủ thứ: giỏi bóng rổ và nhảy đầm, giỏi vẽ và làm thơ. Bạn sẽ thấy những dân chuyên không chỉ ngộ văn mà còn ngộ Hồng Lâu Mộng, ngộ nàng Maria và Người giàu cũng khóc, ngộ World Cup và Ruud Gullit, ngộ đeo bị cói tới trường, ngộ nhạc Trịnh. Những kẻ mải mê chinh chiến và yêu đương.
Bạn thấy một cộng đồng trường Ams rộng mở và chan hòa: những cảm tình lớp trên lớp dưới, những mối tình hộc bàn lặng thầm, những trận quyết đấu bóng rổ… Bạn sẽ gặp những thày cô giáo không nhìn học sinh như một lũ cứng đầu cần nghiêm trị mà coi học sinh như những người bạn đồng hành. Những cô giáo say sưa luyện bước nhảy hoàn vũ cho học sinh sau giờ giảng, những người thầy chăm chỉ đưa học trò đi khám phá thế giới ở Cúc Phương, Tam Đảo, Chùa Hương, Nhà thờ đá Ninh Bình, bãi giữa sông Hồng.
Quyển sách đặc biệt bởi nó không hề hư cấu, dù một chi tiết nhỏ. Tất cả là người thật việc thật, không bôi đen nhưng cũng không tô hồng bởi bất kỳ bàn tay kiểm duyệt nào. 300 trang sách sống động và hóm hỉnh, chắt lọc từ bốn quyển nhật ký của những kẻ chuyên văn 20 năm trước. Chính bút lực của những đứa trẻ 16, 17 tuổi tài hoa- giàu mộng mơ, giàu nỗi niềm và cá tính đã khiến Nhật ký chuyên Văn thoát xác các loại tập san, kỷ yếu và vững vàng trở thành một tác phẩm văn chương.
Thế nhưng, nếu chỉ là câu chuyện về những trò nhất quỷ nhì ma thì sách dễ lẫn với những tác phẩm về tuổi học trò khác. Sức sống và giá trị của Nhật ký chuyên Văn nằm ở những nhận thức đầy bản lĩnh, những trăn trở về cuộc sống, những tự vấn bất ngờ trên hành trình khám phá bản thân của một thế hệ. Những con người trẻ của hai mươi năm trước hiện lên ngay ngắn, đàng hoàng và đầy nhân văn. Đó là những đứa trẻ biết soi rọi bản thân, biết trăn trở, day dứt để ngày càng hoàn thiện và định hình được cái tôi đầy bản lĩnh. Đó là tình bạn hồn nhiên không vụ lợi, là tình thầy trò thân thiết thành tri kỷ. Một thế hệ đã được các bậc cha mẹ tin tưởng, được tự do lựa chọn và trải nghiệm, và được nâng đỡ khi đối mặt với những vấp váp đầu đời.
Vậy nên, bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp bóng dáng mình trong câu chuyện của những cô cậu chuyên Văn đó, thấy một phần đời hoặc một phần tâm hồn mình. Thấy mình của thời 16 mộng mơ, 17 hoài nghi, 18 nỗi niềm và nổi loạn. Bạn thấy trân trọng hơn quá khứ bấy lâu đã trót để nó ngủ yên. Và bạn sẽ nhìn đám trẻ bây giờ, nhìn con cái bạn và nhìn về tương lai khoan dung hơn. Vì chính bạn, có lẽ cũng giống như những cô cậu chuyên Văn thời đó, đã may mắn được khoan dung như thế, được là chính mình, được sống một thời hoa niên sôi nổi và khát khao.
Cẩm Hà (Theo Vietnamnet.vn)