The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Du học và những điều chẳng "dễ xơi" mà bạn cần lưu ý

Post by: hn-ams | 26/01/2013 | 4008 reads

Chuyện du học, có nhiều vấn đề không “dễ xơi” như bạn nghĩ.

Quyết định đi du học là bạn đã quyết định bước chân vào cuộc sống tự lập. Nhưng bạn có biết, hành trang mang đi không đơn giản là kiến thức, ít nhất hãy đảm bảo mình hiểu rõ những gì đang chờ đợi ở xứ lạ. Và chuyện du hoc, có nhiều vấn đề không “dễ xơi” như bạn nghĩ.

Chi phí quá khủng

Đây là vấn đề phải quan tâm đầu tiên, vì mọi chi phí ở nước ngoài đắt đỏ gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Bạn và gia đình nên nghiên cứu thông tin từ các công ty du học, hoặc từ các anh chị đi trước để biết được mức sống cụ thể và chuẩn bị tiền bạc. 

Thủ tục phức tạp

Trừ một số ít có thể tự lo liệu mọi chuyện, hầu hết còn lại đều vật vã khi đụng đến thủ tục. Phương án tốt nhất cho bạn là tìm đến những công ty du học đáng tin cậy, được giới thiệu từ những anh chị hay bạn bè đi trước để thủ tục xin visa, giấy nhập học có phần dễ dàng hơn.

Như trường hợp của Quỳnh Phương (19 tuổi, du học ở Úc) than thở: “Theo hướng dẫn của IDP, để chứng minh về khả năng tài chính, mình đã mang tài sản ra ngân hàng thế chấp. Cứ tưởng mọi việc đã xong xuôi, ai ngờ ngân hàng nói mình phải chứng minh mình lấy tiền ở đâu ra để trả lãi vay. Chạy lòng vòng gần hai tháng ròng vẫn chưa xong chuyện, may mà mình có người quen hướng dẫn nên cuối cùng mọi chuyện cũng êm.”

Rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa

Đây là vấn đề muôn thuở mà nhiều du học sinh gặp phải. Nhưng theo thời gian, bạn hoàn toàn có thể thích nghi tốt. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu thật cẩn thận về văn hóa nước sở tại khi còn ở nhà để khỏi phải hoảng hốt trong thời gian đầu. Chỉ cần những hiểu lầm nhỏ, bạn rất dễ tách biệt bản thân với mọi người xung quanh. Và hãy luôn nhớ rằng, mọi thứ đều có chừng mực vì bạn đang "đóng vai" khách mời.
Bản thân cần có những gì trước chuyến đi?

1. Trình độ ngoại ngữ chuẩn

Người ta kháo nhau: “Ôi dào, ở với người nước ngoài mãi rồi cũng nói được thôi" hay “Người ta sẽ nói chậm cho mình hiểu vì mình là du học sinh”.

Thực tế là: chuẩn bị trình độ ngoại ngữ của mình cho “đỉnh” không bao giờ thừa, nhất định phải nắm vững 4 kĩ năng nghe nói đọc viết để đạt điểm cao trong kì thi IELTS, TOEFL.

Như cô bạn Trang (20 tuổi, du học sinh ở Anh): “Tiếng Anh của mình thuộc dạng chỉ ở mức độ trung bình, nên lúc đầu mình rơi vào trạng thái “tự kỉ” khi không hiểu ai nói gì và nói thì cũng chẳng ai hiểu. Thế là mình phải mất 1 năm nơi xứ người chỉ để học tiếng Anh và đến bây giờ khi đã 20 tuổi, mình mới có thể bước chân vào đại học”.

2. Học vấn “uyên thâm”

“Thiên hạ” vẫn thường: tự cho phép mình học hành làng nhàng hay lơ là những kiến thức đã học ở phổ thông với phương châm “học cái mới ở nước mới”.

Sự thật là: khi lựa chọn các trường “ngon lành”, hầu hết các trường đều đòi hỏi bạn phải là học sinh khá giỏi, “chuyên nghiệp” trong hoạt động ngoại khóa ở trường và điểm thi IELTS, TOEFL... cao. 

3. Kĩ năng mềm

Không được có suy nghĩ “việc nhóm là việc của… trời, mình cứ làm tốt phần việc của mình là được. Trong nhóm sẽ có người khác làm thay thôi”.

Bạn có biết: nếu không tích cực hoạt động thì bạn sẽ bị “sa thải” ra khỏi nhóm. Đừng mong chuyện sẽ có người giúp bạn vì môi trường học tập ở nước ngoài đầy cạnh tranh. Dù có là leader hay không, các kĩ năng thuyết trình, giao tiếp, tính độc lập, tự giác, xác định từng công việc rõ ràng cho bản thân và không ngừng trau dồi khả năng của mình vẫn luôn là những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong làm nhóm.

4. Khả năng hòa nhập

Người ta quan niệm: “Mọi vấn đề rồi sẽ thích ứng ngay thôi” . Bạn nên nhớ, xa gia đình, sống với người lạ và phải thích nghi với những điều mới như lối sống, văn hóa, phương pháp học tập sẽ khiến bạn bị sốc nếu không được chuẩn bị và làm quen trước về tâm lý. Thậm chí, nhiều du học sinh bỏ về nước vì không thích nghi được.

Lê Đức Thuận 

(Theo TTVN)