Dạy và học môn Lịch sử thế nào để luôn hấp dẫn thầy - trò?
>> Trải lòng của học sinh trường Ams đầu tiên đạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử
“Năm 2001 tôi ra trường, nhận công tác tại một trường trong Chương trình 135 ở Phú Thọ, thời gian đó điểm trường nơi tôi công tác phải đi bộ hơn 15 km mới vào đến nơi và mỗi khi trời mưa thì khổ lắm, đường trơn bùn đất không thể đi được.
Ông nội tôi là Bí thư Đảng ủy xã, rồi đến bố tôi cũng làm Bí thư xã nên có lẽ truyền thống của gia đình đã ngấm vào tôi. Ngay bên cạnh gia đình tôi hồi đó có nhà cụ Huyên, năm 1946 Bác Hồ khi lên chiến khu Việt Bắc và có nghỉ lại ở nhà cụ, vậy nên có thể nói ngay trong gia đình và làng quê Cổ Tiết nơi tôi sinh ra từ con người đến cảnh vật đều mang tính lịch sử.
Nhớ lại hồi cấp III, được học những thầy cô dạy Lịch sử rất hay nên tôi cũng ảnh hưởng khá nhiều, từ đó ấp ủ ước mơ sau này được làm giáo viên dạy Lịch sử.
Bản thân tôi thi đỗ và học đại học được cũng nhờ những ước mơ, dùi mài từng bước, vậy nên khi đi dạy tôi luôn tạo cho học sinh có những ước mơ để các em phấn đấu”.
Thầy Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử thư viện, giáo viên dạy Lịch sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thầy Khuất Duy Dũng: "Nhớ lại hồi cấp III, được học những thầy cô dạy Lịch sử rất hay nên tôi cũng ảnh hưởng khá nhiều, từ đó ấp ủ ước mơ sau này được làm giáo viên dạy Lịch sử". Ảnh: Tùng Dương. |
Thầy Dũng cho biết: “Lịch sử không phải là một môn khó học, điều quan trọng nhất bây giờ là xã hội nói chung và các con đang bị định hướng việc làm chi phối.
Học sinh học bằng cả ước mơ để vào chuyên Sử Trường Ams, khi đã vào được thì các con lại có những ước mơ lớn hơn nữa và rất thực tế cuộc sống. Bản thân mỗi ước mơ của học sinh được thêu dệt nên từ gia đình và xã hội, đó là định hướng nghề nghiệp.
Ở bậc trung học cơ sở các em được xây dựng kiến thức nền cùng sự đam mê. Nhưng ở trung học phổ thông lại là một định hướng nghề rộng hơn vì các con sắp bước vào đời và lịch sử dân tộc, giá trị văn hóa Việt là một “hành trang” cần thiết đã ngấm sẵn trong các con.
Lúc này các con không định hình môn Sử bằng những sự kiện lịch sử, không thể hỏi học trò rằng những sự kiện lịch sử là năm nào, hay năm nào…?
Cái định hướng của giáo viên ở đây là nền văn hóa Sử, chất Sử chứ không phải là nhớ những mốc sự kiện. Việc các con lỡ quên hay nhớ nhầm một sự kiện thì cũng là chuyện bình thường.
Tôi không cố gắng yêu cầu học sinh nhớ các sự kiện vì điểm này đã có trong sách giáo khoa. Bộ não con người ta cũng như một máy tính và nhớ đến một lượng nào đó nhất định thì sẽ bị đầy.
Bản thân trong các con đã chứa đựng giá trị văn hóa Việt với văn, sử dân tộc Việt, theo tôi đó là giá trị cốt lõi nhất về sử, chứ không phải cố gắng bắt ép học sinh nhớ những sự kiện A, B…suốt cả cuộc đời và cũng không thể làm được điều đó”.
Theo thầy Dũng: “Với 2 trang giáo án toàn chữ kèm 1 tấm ảnh minh họa, cộng với việc giáo viên thuộc giáo án rồi đọc cho các con chép, rồi học sinh ghi nhớ, trả bài thì giờ học đó quá khô, không đạt chất lượng.
Nhưng với tôi thì lại khác, trên cơ sở chủ đề đó không đặt vấn đề dừng lại ở những mốc mà cần phải mở rộng hơn, chia nhóm, chia vấn đề từng giai đoạn để học sinh về nhà tự tìm hiểu.
Các con phân nhóm, giao nhiệm vụ cho từng bạn, sau đó tập hợp đóng thành quyển dạng tập san, trong đó mỗi trang tương ứng với 1 em và 7 trang là 7 nội dung lớn.
Việc tự tìm hiểu về kiến của thức học sinh sẽ có phần cá nhân, sau đó tất cả tập hợp lại thành cái tập thể, lần lượt các tổ lên trình bầy bằng PowerPoint.
Học sinh tự trình bày các phần bản thân đã chuẩn bị, đặc biệt tôi thấy học sinh chuyên văn trình bày những vấn đề rộng hơn rất tốt bởi chất văn có sẵn trong con người các em, những vấn đề đó trong sách giáo khoa không có.
Qua đó tôi nhận ra rằng đã có những lúc giáo viên chỉ kiểm tra học sinh những kiến thức trong sách, khi thấy các con không nhớ thì cho rằng các con không học bài, không nắm được kiến thức phần này, phần kia.
Nhưng khi nghe các con trình bày thì giáo viên mới thấy được cái phông kiến thức của học sinh về vấn đề này rất tốt, rất rộng lớn, không bị bó buộc vào sách giáo khoa, mà đã có trong sách thì ai cũng đọc được.
Mình chỉ gạch ý giúp các con lưu tâm, để các các con tự tìm hiểu và kết quả bao giờ cũng hơn mong đợi, bạn nào cũng hăng say, sôi nổi, ai cũng muốn thể hiện quan điểm từ đó dẫn đến việc nắm chắc kiến thức.
Quan điểm của tôi về sự hiểu biết của từng con người nó giống như hạt cát, bản thân tôi cũng học được từ học trò rất nhiều, các em bây giờ giỏi lắm. Kiến thức các con trình bày là nhờ có một sự giáo dục tổng hòa từ các môn Văn, Sử, Địa…đem lại.
Quan trọng nhất là giáo viên khi lên lớp phải tạo được “đất” để học sinh thể hiện, phải có cách nhìn nhận đánh giá vì đó là thực tiễn của lịch sử, đồng thời chấp nhận các quan điểm khác nhau, có như vậy mới khuyến khích học trò”.
Vai trò người thầy phải định hình được kiến thức trọng tâm, học trò cần phải nắm bắt điều gì và tự ghi chép theo cách hiểu của mình. Ảnh: Thầy Dũng cung cấp. |
Lịch sử là một môn khoa học
Thầy Dũng chia sẻ: “Hiện nay chúng ta đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đây là điều kiện tốt cho giáo viên có cơ hội tiếp thu những cái mới, làm theo cái mới. Đổi mới từ việc dạy, việc đánh giá…giáo viên phải theo kịp để phù hợp với xu thế hiện nay.
Đổi mới về đánh giá, trước kia giáo viên thường nói kiến thức sách giáo khoa đây, thầy đọc cho học sinh chép, rồi kiểm tra…Nhưng giờ đây học sinh không cần phải học nguyên văn như vậy nữa mà về nhà tự chuẩn bị, sau đó lên lớp thuyết trình.
Trong quá trình đổi mới thì nhiệm vụ của giáo viên vẫn phải giữ những cái tốt, cái mạnh của truyền thống, trong mỗi bài giảng phải định hướng khung nội dung trọng tâm và đó là giáo dục truyền thống đang có.
Vai trò người thầy phải định hình được kiến thức trọng tâm, học trò cần phải nắm bắt điều gì và tự ghi chép theo cách hiểu của mình. Trong một tiết học giáo viên sử dụng công nghệ cho học sinh thuyết trình, đó là cái mới.
Nhưng sau khi các con trình bày với nhiều quan điểm khác nhau thì giáo viên phải chốt được, phải là trọng tài, định hướng kiến thức. Đó là vai trò của người thầy và học sinh sẽ rất phục ở điều đó.
Điều tôi hướng tới và luôn coi học trò là trung tâm, thầy cô sẽ là định hướng và có thể hiểu đó là sự kế thừa truyền thống giữa cái cũ và cái mới, giữa việc tự tìm hiểu và kiến thức có sẵn, giữa áp dụng công nghệ và ghi hiểu truyền thống.
Trong quá trình dạy môn Lịch sử, có một điều sẽ tạo thành hệ quả giá trị Việt, nó thấm trong con người thì sau mỗi một bài học Lịch sử ngoài kiến thức, những số liệu, dẫn chứng…thì cái tận cùng của bài học sẽ là những giá trị như tình yêu đất nước, yêu con người, yêu những điều tốt. Chính những điều đó nó ngấm trong con người các con, giúp các con khi ra ngoài cuộc đời sẽ tạo thành giá trị cuộc sống”.
Theo tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam