Dạy học “tích hợp”: Học sinh được lợi gì?
Theo chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015, học sinh sẽ học theo phương pháp tích hợp. Vậy, dạy tích hợp, học sinh được lợi gì?
Ít môn học
Theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì sau năm 2015, số môn bắt buộc của học sinh sẽ chỉ còn 3-8 môn, thay vì 11-13 môn như hiện nay. Chương trình giáo dục phổ thông sẽ dạy theo phương án tích hợp và phân hóa. Cụ thể, ở tiểu học tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và lớp 5, thực hiện điều chỉnh và hình thành hai môn: Khoa học và Công nghệ và Tìm hiểu xã hội.
Ở THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân,… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản,…vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng hai môn học mới là Môn Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội).
Ở THPT, tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho HS vào các môn học và hoạt động như đã làm trong chương trình hiện hành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Dạy học tích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp học sinh áp dụng được nhiều kỹ năng, nền tảng kiến thức tích hợp giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực đối với học sinh. Thay đổi cách dạy này không gây ra sự xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề dạy học tích hợp. Không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học".
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Việc dạy tích hợp góp phần hình thành và phát triển kĩ năng quyết định, giao tiếp và làm việc nhóm. Nội dung được giảm tải nhằm tăng thời gian và không gian cho GV áp dụng các phương pháp dạy học sáng tạo và tương tác, HS phát huy tốt hơn quyền chủ động học tập của mình. Việc dạy học không chú trọng vào việc dạy kiến thức mà nhấn mạnh vào việc hình thành cho học sinh phương pháp và kỹ năng tư duy trong học tập, đòi hỏi giáo viên phải có những sáng tạo trong phương pháp dạy học”.
Tăng cường vai trò người thầy!
Tán thành với phương án đổi mới này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên đề nghị: “Xây dựng các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cấp tiểu học cần chú trọng vào sự tham gia tích cực của học sinh, tài liệu dạy học không bị bó hẹp trong tài liệu SGK. Nội dung chương trình học chú ý đến tính ứng dụng, thực tiễn, phù hợp và gần gũi với cuộc sống, tránh sự lệ thuộc quá lớn vào logic của khoa học bộ môn làm cho kiến thức đưa vào nhà trường quá mang tính hàn lâm, nặng nề”.
PGS.TS Trần Trung Ninh cho rằng, đối với môn hóa, không nên tích hợp ba môn vật lý - hóa học - sinh học thành một môn học mới, vì kiến thức chuyên sâu trong nội bộ mỗi môn học là rất lớn và không phải hoàn toàn tương đồng. Môn hóa có thể tích hợp với các bộ môn khác cũng có nhiều sự liên hệ nhất định như toán, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, giáo dục công dân. Đồng thời phải tăng cường hoạt động tự nghiên cứu của học sinh, tăng cường các giờ thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết, xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn với thực tiễn có nội dung vận dụng kiến thức liên môn.
Với SGK lịch sử, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Ở tiểu học, trước hết là tích hợp trong nội bộ môn học và tích hợp các vấn đề xã hội như môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa… nên chuyển từ học theo thông sử thành kể chuyện lịch sử, chủ yếu là lịch sử Việt Nam nhưng có kết hợp với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới. Ví dụ: kể về Quốc kì, Quốc ca, về tên gọi của nước ta qua các thời kì, về các nhân vật lịch sử, về phong tục, tập quán dân tộc… ở mức đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ.
Đối với môn Lịch sử THCS, cấp học này cần học đầy đủ quá trình phát triển của lịch sử… Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS sẽ thiết kế theo đường thẳng, từ lịch sử cổ - trung đến lịch sử cận - hiện đại. Đối với lịch sử THPT, cần viết dưới dạng chủ đề. Đây là sự kết hợp giữa việc truyền thụ kiến thức là chủ yếu với định hướng phát triển năng lực của người học, khi vai trò của người dạy và người học có sự thay đổi.
“Với cách dạy này, người thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà giữ vai trò điều hành các hoạt động của các lớp học, tức là có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, giúp các em tự tìm kiếm thông tin theo chủ đề có tính chất khái quát và chuyên sâu; tích cực, chủ động thu nhận kiến thức để có thể vận dụng vào thực tiễn” - PGS Vỳ cho hay.
(Theo Dantri)