The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô giáo trường Ams mách học sinh Hà Nội cách ôn, thi môn Sử vào 10 hiệu quả

Post by: webams | 17/03/2021 | 2523 reads

Dịch bệnh và học trực tuyến không ảnh hưởng đến phần học kiến thức Lịch sử lớp 9, đã nắm chắc và ôn luyện thì các con hoàn toàn có thể vượt qua kỳ thi vào lớp 10.

“Để ôn tập Lịch sử chuẩn bị cho môn thi thứ 4 với hình thức kiểm tra trắc nghiệm, phần kiến thức rất phổ quát bao trùm toàn bộ trong sách giáo khoa Lịch sử của lớp 9. Ngoại trừ phần giảm tải thì các con không phải học.

Còn lại các con vẫn phải nắm hết để đảm bảo được kết quả tốt, tuy nhiên thời gian học không còn nhiều mà cũng còn phải tập trung cho những môn thi khác nữa.

Có ý kiến cho rằng năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc học bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kiến thức học môn Lịch sử? Nhưng theo tôi học kỳ I các con vẫn học bình thường đầy đủ, sau Tết chỉ nghỉ có một tháng và vẫn học trực tuyến, việc học này cũng khá hiệu quả nhất là đối với học sinh lớp 9 chứ không phải như lớp 1 lớp 2 mà nói không học được.

Vậy nên việc dịch bệnh và học trực tuyến không ảnh hưởng gì đến phần học kiến thức Lịch sử lớp 9, đã học tốt nắm chắc kiến thức thì các con hoàn toàn có thể vượt qua kỳ thi vào lớp 10 mà không có trở ngại gì, nếu học đúng phương pháp và cũng không cần phải đi học thêm”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Giáo viên dạy lớp 11 chuyên Sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung: "Theo tôi học kỳ I các con vẫn học bình thường đầy đủ, sau Tết chỉ nghỉ có một tháng và vẫn học trực tuyến, việc học này khá hiệu quả với học sinh lớp 9 chứ không phải như lớp 1 lớp 2 mà nói không học được. Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Dung: “Kiến thức vẫn phải nắm hết cơ bản, các con không thể không đọc trước sách giáo khoa lại đi mở bộ đề ra để luyện. Có không ít học sinh mở bộ đề ra luyện tối ngày, nhìn câu hỏi xong tích vào, rồi tra thấy đáp án đúng. Cứ làm đi làm lại nghĩ là mình đã thuộc nhưng thực tế học như vậy là học “vẹt”, không nắm chắc được bản chất sự kiện.

Toàn bộ kiến thức các con đã được học trên lớp, giờ chỉ việc rà soát lại trong sách giáo khoa những kiến thức chính bởi trong một bài, mỗi chương mỗi mục bao giờ cũng có phần trọng tâm, các con cần gạch chân những phần đó rồi đọc thật kỹ và nhớ. Sau khi nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì cần sơ đồ hoá kiến thức từng bài, từng chương để hệ thống lại kiến thức trong đầu, sau đó mới luyện đề.

Các con làm lần lượt từng chương, từng bài vì trong bộ đề đều có hệ thống câu hỏi trắc nghiệm. Khi đã nắm chắc được kiến thức thì đọc đến câu nào cũng sẽ nhớ được phần kiến thức giáo viên dạy trên lớp và mình đã đọc ra sao, lúc đó cứ tự tin tích vào.

Sau khi làm bài xong, mở đáp án ra xem câu nào đã trả lời đúng, câu nào trả lời sai đồng thời mở lại sách giáo khoa ra xem để khẳng định lại câu này tại sao mình trả lời đúng. Đôi khi học sinh tích vào ô theo cảm tính, chính vì thế rất cần xem lại sách trong khi luyện đề xem tại sao mình tích đúng.

Với những câu trả lời sai lại càng phải mở lại sách giáo khoa để biết rõ hơn nếu trả lời đúng của câu này sẽ là gì? Theo tôi đây là cách học rất hiệu quả, vừa làm vừa tự kiểm tra, qua nhiều lần như vậy học sinh đã nắm chắc được cốt lõi của kiến thức.

Các em cứ làm hết một lượt từng phần, từng chương như vậy, kiểm tra xong quay lại làm từ đầu, đọc lại sách những ý chính rồi luyện theo bộ đề. Cứ làm nhiều lần như vậy chắc chắn thi sẽ tốt.

Việc quan trọng nhất trong khi luyện là thông qua các đề đã làm sẽ biết được kiến thức của mình đến đâu, nếu đã nắm chắc kiến thức thì với đề thi 40 câu sẽ làm tốt. Nếu chỉ làm được 50% câu hỏi thì có nghĩa kiến thức chưa đủ, sẽ nhận ra mình còn thiếu ở chỗ nào để có phương án ôn tập.

Sau khi luyện được nhiều đề rồi thì cũng đồng nghĩa với việc các em được ôn đi ôn lại rất nhiều lần, mỗi lần làm bài là một lần được ôn lại kiến thức, từ đó sẽ nhớ phần kiến thức rất lâu”.

Cô Dung cho biết: “Kiểu thi trắc nghiệm có nhiều điểm rất hay, hơn hẳn với cách thi tự luận truyền thống. Nếu thi tự luận bắt buộc các con phải học thuộc lòng hết, vi dụ đề hỏi chương III mà học sinh học mỗi chương II, chương V thì lấy đâu ra kiến thức mà viết bài, mà không làm bài thì sẽ bị điểm không.

Nhưng giờ thi trắc nghiệm các con không phải học thuộc lòng nhiều, chỉ cần đọc và hiểu mà mục đích chính là cần học sinh hiểu, khi đã hiểu thì sẽ vận dụng được để làm bài”.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung: "Mỗi bài thi phải làm trong 60 phút đồng hồ với khoảng 40 câu hỏi, nếu như nắm được cấu trúc đề, chia ra mỗi câu chỉ có 1,5 phút để làm bài, vậy nên các em không sa đà quá vào một câu, nếu không sẽ không đủ thời gian để làm hết các câu hỏi". Ảnh: Cô Dung cung cấp.

Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử

Cô Dung chia sẻ: “Có những bạn học rất tốt nhưng khi làm bài thi lại không đạt được điểm cao, và ngược lại? Cần nhất là các em phải rèn được kỹ năng làm bài, phải chú ý đến một số lưu ý rất quan trọng và đặt biệt phải thật bình tĩnh.

Đọc thấy nhiều câu hỏi lạ tự nhiên thấy mất bình tĩnh không nghĩ được gì, thấy câu hỏi có quen cũng không được chủ quan. Câu hỏi quen hay lạ cũng đều nằm trong phần kiến thức các em đã ôn tập.

Mỗi bài thi phải làm trong 60 phút đồng hồ với khoảng 40 câu hỏi, nếu như nắm được cấu trúc đề, chia ra mỗi câu chỉ có 1,5 phút để làm bài, vậy nên các em không sa đà quá vào một câu, nếu không sẽ không đủ thời gian để làm hết các câu hỏi.

Một kỹ năng nữa khi làm bài, các em nhận dạng được câu hỏi thông qua từ khóa hoặc các động từ lệnh của câu hỏi, xem đề bài hỏi cái gì. Đối với môn Lịch sử sẽ có 4 dạng mức độ câu hỏi, mức thấp ở dạng nhận biết, nhìn vào các em sẽ biết được ngay câu hỏi này ở mức nhớ được kiến thức, ở mức độ thông hiểu, hay mức độ vận dụng, hoặc vận dụng cao.

Câu vận dụng cao ở nhiều mã đề được “trộn” vào nên rất có thể nằm ngay câu đầu tiên, nếu các con cứ loay hoay vào những câu hỏi khó đó sẽ bị mất thời gian. Vậy câu nào khó quá chưa nghĩ ra được đáp án hãy tạm thời để lại làm sau.

Thời gian làm bài thi trắc nghiệm trôi qua rất nhanh không giống như làm bài tự luận, khi đã xác định được dạng câu hỏi thì các em sẽ biết được câu nào là khó hoặc dễ. Câu dễ ở mức độ nhận biết thì nên làm trước, câu khó ở mức độ vận dụng thì có thể làm sau, việc này để chắc chắn đạt một phần điểm.

Có những câu hỏi khi ra đề trắc nghiệm thường bị đảo vị trí khiến học sinh cần phải suy nghĩ vận dụng một chút, vẫn là kiến thức cơ bản suy luận ra, loại trừ dần để tìm ra đáp án đúng. Ngoài ra những câu thuộc vận dụng cao cũng có rất ít trong đề thi.

Không nhất thiết làm tuần tự từ câu 1 đến câu cuối, vậy nên câu nào đã làm rồi thì các em nên tích một dấu tương ứng vào tờ đề bài, mục đích để không bị bỏ sót khi nộp bài. Sau khi đã làm hết những câu dễ sẽ quay lại làm tiếp những câu còn để trống. Cứ vòng đi vòng lại cho đến khi làm hết các câu hỏi trong đề thi.

Đã làm bài thi trắc nghiệm thì tránh tích bị mờ, đáp án đúng nhưng tích ẩu, không rõ dẫn đến mất điểm thì thật là đáng tiếc. Phải tích rõ ràng, dứt khoát. Đã đi thi thì dù khó hay dễ cũng phải tích đủ 100% câu trả lời, nhưng câu đúng thì đã tích rồi, còn những câu không chắc chắn mà cứ suy tính thì bắt buộc các em phải tìm phương án loại trừ, nhớ được ít nhiều sự kiện thì cũng phải tích vào.

Hay cho dù không thể nhớ được là đáp án nào đúng thì có thể chấp nhận 50/50, hy vọng mình rơi vào trường hợp may mắn, còn nếu không tích vào thì chính mình đã tự bỏ đi 50% may mắn đó. Tuyệt đối không được để chống câu trả lời, không được để giấy trắng.

Cố gắng phân bổ thời gian để sau khi làm xong bài thi vẫn phải còn dư 5 phút để kiểm tra lại bài lần cuối, phải đếm số lượng câu trả lời mà mình đã tích. Có trường hợp tích đúng ở tờ đề thi, nhưng sang tờ viết đáp án lại bị tích lệch, thực tế đã có trường hợp các em tích 2 đáp án trong cùng 1 câu, trong khi chỉ có 1 đáp án đúng. Như vậy là các em đã bị sai 2 câu chứ không phải 1”.

Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam