Các trường đại học Châu Á tiến lên trong bảng xếp hạng
Vương quốc Anh có 4 đại học nằm trong top 6 của bảng xếp hạng đại học thế giới QS mới được công bố, tuy nhiên Viện Công nghệ Massachusetts đã đánh bật ĐH Cambridge để giành vị trí đầu tiên.
Tác động của quốc tế hóa được chứng minh trong bảng xếp hạng QS mới nhất. Ảnh: AP
Cambridge rớt xuống vị trí thứ hai sau 2 năm dẫn đầu, tuy nhiên vẫn đứng trên Harvard – trường đại học duy nhất đứng đầu bảng trong 9 năm xếp hạng. Các trường ĐH còn lại nằm trong top 6 là University College London, Oxford và Imperial College London.
Tuy nhiên, có lẽ phát hiện lớn nhất trong các bảng xếp hạng này là đội ngũ giảng viên, sinh viên quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều ở những đại học hàng đầu. Mặc dù số lượng sinh viên quốc tế vẫn tăng đều trong thập kỉ qua, song bảng xếp hạng những năm gần đây cho thấy 100 đại học xuất sắc nhất đã tuyển sinh thêm 10% mỗi năm.
Con số nói lên rằng sinh viên muốn đi du học đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Những sinh viên này cũng xác nhận rằng sinh viên quốc tế đang cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn ở những đại học hàng đầu trên khắp thế giới, chứ không chỉ ở quê nhà như truyền thống.
Ngay cả một số trường đại học nằm trong top 100 như Cambridge cũng vượt qua giới hạn này mặc dù đã đăng kí mức tăng sinh viên quốc tế khiêm tốn nhất. Top 500 đại học trong xếp hạng QS mới nhất cũng có thêm không dưới 120.000 sinh viên quốc tế.
Các số liệu đã chứng minh tại sao các trường đại học lại rất quan tâm tới việc thắt chặt các quy định về thị thực của Chính phủ Anh, mà đỉnh điểm là việc đình chỉ giấp phép tài trợ của London Metropolitan University cho sinh viên tới từ các nước ngoài khối EU. University College London – trường đã vượt qua Oxford để đứng vị trí thứ 4 - cũng có 10.000 sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, chính số lượng giảng viên quốc tế tăng lên đã giải thích cho sự bứt phá lần đầu tiên của MIT lên tốp trên bảng xếp hạng. Trường này đã vượt qua cả Cambridge và Harvard để giành vị trí đầu bảng, dẫn đầu 11/29 hạng mục được QS công bố hồi tháng 6.
MIT là một trong những đại học chuyên về khoa học và công nghệ cải thiện vị trí của mình trong năm nay. 9 trong số 10 trường đại học công nghệ hàng đầu đã tiến dần lên phía trên bảng xếp hạng, trong đó Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc đạt mức tăng lớn nhất trong top 100.
Điểm số trong bảng xếp hạng QS có sự cân bằng giữa quan điểm của chuyên gia và dữ liệu về trình độ giảng viên, các trích dẫn nghiên cứu, sinh viên và giảng viên quốc tế. Hơn 46.000 học giả và 25.000 nhà tuyển dụng đã đóng góp quan điểm trong cuộc khảo sát lớn nhất được thực hiện bởi những trường đại học toàn cầu.Đại học Mỹ vẫn thống trị các bảng xếp hạng QS kể từ lần đầu tiên bảng xếp hạng này công bố năm 2004. Các trường của Mỹ chiếm 6 trong top 10, 13 trong top 20 và 31 trong top 100 – con số tương tự năm ngoái.
Harvard – xếp thứ 3 – vẫn được các học giả và các nhà tuyển dụng ưa thích. Trường này cũng đứng thứ 4 trong top 5 bảng xếp hạng giảng viên được công bố cùng bảng xếp hạng đại học.
Top 10 đại học trong bảng xếp hạng của QS năm nay
Anh một lần nữa là quốc gia thành công nhất sau Mỹ, mặc dù nước này đã mất một trường đại học ở top 20, một trường ở top 100 và một trường ở top 200. 4 trường trong top 10 và 18 trường trong top 100 của nước này cho thấy hệ thống giáo dục của Anh vẫn đang tiếp tục phát triển tốt.
Thành tích xuất sắc của các đại học Anh sẽ làm một số nhà quan sát ngạc nhiên nhưng với ngân quỹ nghiên cứu được lấy từ tiền của sinh viên quốc tế, những đại học hàng đầu này đã không phải trải qua những hình thức cắt giảm mà các đối thủ cạnh tranh khác của họ phải chịu đựng. Ngay cả những đại học thuộc khối Ivy League cũng phải hạn chế chi tiêu khi họ đang cố gắng để khắc phục những thiệt hại gây ra cho các nguồn ngân sách trong thời kì suy thoái.
Các học giả và nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục đánh giá cao các trường đại học Anh và các trường dẫn đầu đã bắt đầu có những tiến triển đáng kể về số lượng trích dẫn trên mỗi học giả - một tiêu chuẩn quan trọng trong chất lượng nghiên cứu. Trừ 3 trường thuộc top 20 của Anh thì tất cả các trường đều có tỷ lệ trích dẫn cao hơn năm ngoái.
Kết quả này ít nhiều xoa dịu những người dự đoán rằng đang có một làn sóng sinh viên Anh nhập cư sang các đại học thuộc lục địa Châu Âu – nơi mà học phí thấp hơn nhiều ở Anh. 9 đại học hàng đầu của Pháp đều rớt hạng trong bảng xếp hạng này, trong khi không có trường nào của Đức hay Hà Lan nằm trong top 50. Hiện tại, ETH Zurich đang là đại học xếp hạng cao nhất của châu lục này với vị trí số 13.
Canada lần đầu tiên có 2 trường đại học thuộc top 20 là ĐH Toronto và ĐH Montreal's McGill. Tuy nhiên, Australia một lần nữa có nhiều trường đại học trong top 100 hơn bất cứ quốc gia nào ngoài Mỹ và Anh.
Các đại học Châu Á tiếp tục tiến lên trong bảng xếp hạng và thu hút được nhiều sinh viên quốc tế hơn. ĐH Hồng Kông, ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Tokyo đều có mặt trong top 30.
700 đại học trong bảng xếp hạng đầy đủ thuộc 72 quốc gia – một con số kỷ lục. 6 đại học hàng đầu Trung Đông đều cải thiện vị trí của mình, trong khi số đại học Mỹ Latinh nằm trong bảng xếp hạng toàn cầu đã tăng vọt.
Nhìn chung, bảng xếp hạng đại học đang ổn định hơn bao giờ hết. Chỉ có một trường mới xuất hiện trong top 20. Sự thay đổi trung bình trong top 100 là 4,6 vị trí, trong khi ở top 200 là 9,1 vị trí.
Lê Đức Thuận (Theo Guardian)