The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Mừng ngày 20 - 11: Viết về cô – người cảnh sát trưởng của khối Pháp

Post by: giangdh | 20/10/2013 | 7406 reads

Nếu ai đó nghĩ rằng hôm đó không có tiết của cô nên có thể vi phạm nội quy, thì các bạn đã nhầm. Dù học sinh của cô có làm gì, thì ở một nơi nào đó, cô cũng luôn dõi theo và quan sát lặng lẽ, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm mắc phải. Biệt danh “cảnh sát trưởng” mà cô tự đặt cho mình có lẽ là từ những lần như thế...

Hôm nay, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một cô giáo chỉ dạy các lớp Pháp nhưng đã không còn xa lạ với nhiều học sinh lớp khác và trường khác: đó là cô giáo Lê Thị Minh Nguyệt – cô giáo bộ môn Toán Pháp của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Cô Nguyệt có một vóc dáng nhỏ bé

Cô được nhiều học sinh biết đến có lẽ bởi cô quá đặc biệt. Sự đặc biệt toát lên từ bên ngoài, và chính từ cá tính nổi bật, nói đúng hơn là độc và lạ, không thể nhầm lẫn với bất kì thầy cô nào khác.

Cái độc đáo đầu tiên chính là cách dạy của cô. Không công thức khô khan, không kiểu dạy đâu biết đấy, cô hướng học sinh đến việc nhìn vào sâu bên trong để tìm ra được bản chất vấn đề. Câu hỏi “Tại sao” và “Thế thì sao” luôn được đặt ra khi cả lớp gặp phải các bài toán khó, những bài mà cô vẫn hay gọi là “Toán cao cấp”. Để rồi, sau một thời gian tìm tòi (đôi khi cảm tưởng là vô tận), cộng với một chút gợi ý của cô, ai cũng sẽ thỏa mãn khi cảm thấy mình đã tìm ra được Châu Mĩ (tất nhiên là vẫn sau Colombo)! Cách dạy của cô là để học sinh tự do suy luận, bày tỏ ý kiến, từ đó sẽ hình thành kĩ năng tư duy và suy nghĩ trước mỗi vấn đề. Bởi cô cho rằng, nếu chỉ dạy dập khuôn theo mẫu trong sách giáo khoa, thì khi gặp một bài tương tự, chưa chắc học sinh đã biết cách giải. Ngược lại, nếu biết cách tư duy, thì dù là 1 hay 100 bài khó như thế, ta vẫn có thể tự tin giải quyết.

Cô luôn tìm hiểu các bài toán khó để học sinh suy nghĩ.

Ấn tượng không kém cách dạy, đó chính là cách cô quan tâm và rèn giũa học sinh. Trong suốt 4 tiết học liên tục, sẽ có người thấy lạ khi chẳng thấy cô cho ra nghỉ giữa giờ một chút nào. Nhưng chỉ lớp Pháp mới biết, cô tận dụng thời gian nghỉ theo một cách riêng. Sau vài chục phút học, cô sẽ nói chuyện về các vấn đề học đường hoặc những khó khăn mà giới trẻ mắc phải. Đó cũng chính là lúc giờ nghỉ được sử dụng mà không gây ồn ào hay mất tập trung. Dù không phải cô giáo chủ nhiệm, nhưng một khi đã dạy ở lớp nào, cô cũng đều rất quan tâm đến lớp đó. Nhiều vấn đề ai cũng biết là không tốt, như ăn quà vặt chẳng hạn, nhưng khác với việc bố mẹ chỉ nhắc nhở, cô đã đưa ra hẳn nội quy môn Toán Pháp để cả lớp chấp hành. Nếu ai đó nghĩ rằng hôm đó không có tiết của cô nên có thể vi phạm nội quy, thì các bạn đã nhầm. Dù học sinh của cô có làm gì, ở một nơi nào đó, cô cũng luôn dõi theo và quan sát lặng lẽ, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm. Biệt danh “cảnh sát trưởng” mà cô tự đặt cho mình có lẽ là từ những lần như thế…

Cô Nguyệt (áo xanh) trong hoạt động tình nguyện của lớp P2 12-15

Cách quan tâm của cô là thế, chỉ cần học sinh tốt là được, cho dù trò có thấy mình quá nghiêm khắc cũng không sao. Cô vẫn cứ quan tâm theo cách của riêng mình. Trước kì thi tốt nghiệp vô cùng quan trọng, dù có ốm đi chăng nữa, thì hàng ngày, cô vẫn sẽ đến dạy một lớp 4 tiết liên tiếp, để học sinh có thể đạt được kết quả cao nhất. Trước kì thi, cô nhắn tin dặn dò, chúc thi tốt, rồi đến khi làm bài xong, cô laị hỏi xem tất cả có làm được bài không… Những tin nhắn dù ngắn nhưng đầy ý nghĩa đó, đến nay nhiều bạn vẫn còn giữ. Đó sẽ mãi mãi là những kỉ niệm không thể nào quên.

Thường thì 100 người học cô thì có đến 101 người thấy cô nghiêm khắc. Nhưng dù có nói gì đi chăng nữa, đến cuối cùng, ai cũng phải công nhận cô Nguyệt cùng môn Toán Pháp đã là một trong những dấu ấn đặc biệt khi nhớ về trường Ams. Cô là một trong những người có đóng góp rất lớn trong quá trình tốt nghiệp và du học của các học sinh lớp Pháp song ngữ. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng em đã sáng tác bài thơ này để dành tặng cô. Chúng em xin chúc cô luôn luôn vui vẻ, tươi trẻ, hạnh phúc và gặp thật nhiều may mắn trong cuộc sống.

Cứ mỗi tuần cho đến chiều thứ năm,

Em lại vui như đón ánh trăng rằm,

Một niềm vui được học môn Toán Pháp.

Ôi! Kiến thức được học như bão táp

Em chăm chỉ chẳng một phút dám lơi

Nhờ học cô em đã học cách bơi,

Bơi trong bể kiến thức của nhân loại.

Chẳng bao giờ thấy “cao cấp” là ngại,

Cô hướng em làm nhân tài đất nước.

Nhờ môn học mà ai cũng ao ước,

Môn Toán Pháp - môn học của đời em.

 

PV: Hà Trang  11P2