The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

AMS - VẺ ĐẸP TIỀM ẨN

Post by: anhph | 22/05/2015 | 4095 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường

MS 015

AMS - VẺ ĐẸP TIỀM ẨN

Lâm Khánh Linh

Trung 13-16

Đã từ rất lâu rồi tôi không coi Ams là một ngôi trường nữa.
Tôi gọi nơi ấy là NHÀ.
Tôi vẫn nhớ 10 năm trước, khi tôi mới 5 tuổi, Ams đã là một địa điểm ưa thích của tôi. Cứ khi nào bố mẹ đi đón chị đi học về là tôi lại đòi đi cho bằng được. Với một đứa bé 5 tuổi, Ams rộng lớn tưởng như chẳng bao giờ đi hết, và có những thứ hay ho giống ở trường mẫu giáo: có xích đu, có bãi sỏi ở trước khu Trung học cơ sở, có mấy cái cây to ơi là to ngồi dưới tha hồ mát, và đặc biệt là có cái cột bóng rổ cao cao để trèo lên ngồi vắt vẻo-thứ mà ở trường mẫu giáo mơ cũng chẳng có. Tôi yêu Ams từ khi ấy, đơn giản vì nó giống cái công viên, một cái công viên tuyệt đẹp.

Lớn hơn một chút, cụ thể hơn là lớp 3, tôi bắt đầu chú ý hơn tới sự khác biệt giữa Ams và một cái công viên. Tôi hiểu Ams không phải là nơi để chơi và thư giãn đơn thuần giống như Bách Thảo hay Vườn Thủ Lệ, ai ai cũng có thể vào ngắm cảnh chụp ảnh rồi đi ra. Hình như phải có điều kiện gì đó mới được vào. Và muốn ngày nào cũng được nghiễm nhiên vào cái công viên ấy “chơi” thỏa thích từ 7 rưỡi sáng đến 12 giờ trưa không mất vé vào cửa thì phải học hành chăm chỉ để thi đỗ. Vậy là một mục tiêu lớn lao đã được một con bé lớp 3 đề ra: thi đỗ Ams để được vào đó ngồi xích đu và nghịch sỏi. Mục tiêu ấy càng thiết thực hơn khi tôi biết rằng gần Ams có mấy hàng chè tuyệt ngon: chè thái chè bưởi chè ngô chè bô bô cha cha đủ cả, và cả hiệu sách Kim Đồng to đùng với điều hòa mát rượi chứa đầy Conan và Doraemon.

Để chạm được đến cái tương lai tươi sáng ấy tôi bắt đầu luyện thi. Bấy giờ tôi mới biết là có bao nhiêu đứa bạn cũng mơ ước vào được cái “công viên” ấy giống tôi, và đau lòng hơn là chỉ có 200 vé cho khoảng 2000 người có cùng một khát khao.  Tôi hiểu ra rằng giống như người ta phải chen chúc xếp hàng mua vé để vào xem được một thứ gì đó hay ho thú vị thì muốn vào được cái Ams mình cũng phải thi thố ganh đua với bao đứa bạn khác .
Rồi với bao nỗ lực để đạt được những mục tiêu “thiết thực” mà đã được đề ra từ lâu, Tôi trở thành một học sinh Ams2. Xui xẻo thay, khi tôi vào được trường thì bãi sỏi đã biến thành bê tông lúc nào, cái xích đu cũng đi mất, dãy hàng chè trước mặt cũng bị đập đi để xây chung cư. Rồi, giống như một người thất tình, tôi lang thang đi kiếm tìm tình yêu mới. Và tôi phát hiện ra Ams không chỉ đơn thuần là cái-công-viên-có-cây-mát-với-vé-vào-cửa-phải-trả-bằng-trí-tuệ-và-sức-lực như tôi đã lầm tưởng.
Tôi nhận ra ngồi ở phòng Pháp song ngữ ở khu văn phòng không quạt mát hơn ngồi điều hòa ở khách sạn.
Tôi nhận ra cái sân trước phòng Nghe nhìn với mấy cái ghế đá ngày mưa lãng mạn hơn bờ sông Hồng.
Tôi nhận ra mỳ trộn 8000 đồng ở căng tin ngon hơn spaghetti ở nhà hàng 5 sao.
Tôi nhận ra cái kho ở sau lưng phòng học của khối lớp 6 bọn tôi nhiều chuột hơn bất cứ khu ổ chuột nào.
Tôi nhận ra cái lớp tôi học nó còn hỗn loạn huyên náo hơn cả một vườn bách thú
Đó là Ams Cũ

Ams mới là một thế giới hoàn toàn khác. Nếu Ams cũ là Bắc Cực thì Ams mới là Nam Cực: 2 nơi này khác biệt hoàn toàn về không gian diện mạo, cách xa về địa lý, nhưng đều gọi là điểm cực. Giống như Ams ở đâu thì vẫn gọi là Ams.

Ams mới rất rộng. Nghĩa là nó thừa đất để vui chơi. Dẫn đến việc cái không gian bao la rộng lớn ấy chẳng bao giờ bị phủ kín bởi người nhưng lúc nào cũng ứ đọng kỷ niệm. Kỷ niệm ấy có thể đơn giản là một hôm mưa giông gió bão cả khối kéo nhau ra ngoài hành lang xem, thót tim như những ngày muộn giờ đi ngủ cả lũ rón rén mò lên khu bán trú, mạo hiểm như những khi trốn ánh mắt của bác giám thị, mệt nghỉ như những buổi trưa chơi “cảnh sát bắt kẻ trộm” trên trục đa năng, đau đớn như chơi sai khiến thua bị phạt khiêng ra thùng rác, hay oái oăm kiểu đi WC nhầm khu nhà…

Thời gian thấm thoát trôi qua, những ngày tháng cuối cùng được học Ams 2 vội đến. Ai ai cũng căng thẳng khi vừa phải tập trung học hành tử tế, lại vừa phải hết lòng chuẩn bị văn nghệ rồi clip lớp cho lễ chia tay…Dưới những áp lực như vậy, sự hiện diện của mối bất đồng trở thành tất yếu: chúng tôi giận nhau, tưởng như chẳng thể hàn gắn. Vậy mà khi đâu đó vang lên tiếng hát:

“sân trường giờ không một bóng-

chỉ còn hàng ghế mà thôi-

tạm biệt từng lớp học này giờ chia tay rồi…”

ai nấy trong chúng tôi mắt mũi đều cay xè. Từng đứa chạy đến dành cho nhau những cái ôm thật chặt- những cái ôm bối rối chứa chan bao nỗi niềm. Đứa nào đứa nấy đều nói với nhau chắc như đinh đóng cột: “mấy tháng sau đứa tầng ba đứa tầng một rồi sẽ tha hồ lên thăm nhau mỗi giờ ra chơi” hay “đến lúc Ams có dạ hội mình đi cùng nhau nhé” nhưng trong lòng ai cũng ngậm ngùi không biết đến lúc nào mới được gặp lại nhau.
Tháng 5 chẳng bao giờ ở lại. Nếu nó ở lại thì chẳng bao giờ có chuyện người ta phải sụt sùi chia tay. Tháng 5 phải nhường chỗ cho tháng 6 đến, mang theo những kỳ thi khốc liệt. Và tôi vẫn giữ vững mục tiêu là phải vào Ams cho kì được.
Lí do ư?
Vì tôi đã hứa với bạn bè là phải vào được Ams;
Vì tại nơi đây tôi đã được hình thành những kĩ năng sống quý báu;

Vì Ams cho tôi những điều vô giá mà tôi chưa có dịp đền đáp;
Vì Ams không phô trương
Vì Ams không ồn ào

Vì Ams là nhà
Vì Ams mang một vẻ đẹp tiềm ẩn mà tôi chưa khám phá hết .