The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[AMSER NGÀY ẤY - BÂY GIỜ] GIÁO VIÊN BÙI NGỌC QUYÊN: THEO DÒNG THỜI GIAN NHỮNG NĂM THÁNG BÊN AMS

Post by: myph | 02/12/2014 | 8658 reads

Gần 20 năm gắn bó với Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, “chất Ams” đã đi sâu vào trong phong thái, vào từng lời nói, từng cử chỉ của cô Bùi Ngọc Quyên – giáo viên ngoại ngữ của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.


 Trước khi trở thành giáo viên ngoại ngữ của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, cô Bùi Ngọc Quyên đã từng là học sinh của trường suốt 7 năm. Ngay từ năm 1995, cô xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 6 để trở thành một thành viên của lớp 6B, khoá THCS thứ tư của trường. Có lẽ, niềm đam mê với bộ môn tiếng Anh của cô cũng xuất phát ngay từ năm học THCS đầu tiên, bởi lẽ lớp 6B năm ấy là lớp chuyên Anh (mặc dù sau 2 năm sau trường bỏ hệ chuyên đối với khối THCS). Sau 4 năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu, cô Quyên lại tiếp tục thành công với bộ môn cô đã lựa chọn trong ba năm theo học THPT tại trường: cô là cựu học sinh Anh 1 khoá 1999-2002.

 

Giống như tất cả những ai đã từng trải qua quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cô cũng lưu giữ và khắc sâu cho riêng mình những kỷ niệm quý giá của thời học sinh. Qua những lời tâm sự chứa chan cảm xúc, cô kể cho tôi nghe bao hoài niệm đẹp đẽ về những năm tháng học trò đã qua. Mặc dù thời của cô chưa có ý tưởng cũng như điều kiện để tổ chức một Ngày Hội Anh Tài hay một Đại Sứ Ams lung linh với sân khấu và ánh sáng chuyên nghiệp, lần đầu tiên được tự tay trang trí và dựng trại ngay tại trường, cùng với những kỷ niệm về cuộc thi Học Sinh Thanh Lịch liên cấp đối với cô cũng đã là một trải nghiệm hết sức lớn lao, thú vị. Mỗi khi thấy học trò thân yêu- thế hệ đàn em của mình tỏa sáng trong Ngày Hội Anh Tài, cô lại không khỏi bồi hồi xúc động với những cảm xúc vẹn nguyên năm nào.

Có lần, cô chia sẻ với tôi kỷ niệm nhớ nhất với thầy Huy, giáo viên bộ môn Lịch Sử của cô- một Nhà giáo giỏi về chuyên môn, tận tâm và rất nhiệt huyết. Với cô, thầy là một “nhà giáo truyền thống, đậm chất thanh lịch của người Hà Nội gốc – thầy luôn mặc chiếc mặc áo sơ mi trắng, chiếc quần âu và hàng ngày luôn đạp xe đến trường dạy học.” Cũng giống như mọi thế hệ học sinh Ams khác, cô luôn trân trọng nhất những giáo viên giản dị mà ân cần, tận tình với học sinh.

 

Những năm tháng học trò gắn bó với trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn luôn thường trực trong cô, mỗi khi nhớ về- mọi kỷ niệm như cuốn phim quay chậm, cô nhận ra rằng mình đã trở thành một phần của nơi đây, luôn khát khao gặp lại mình của ngày xưa cũ. “Vì Ams là nhà” – câu nói quen thuộc mà luôn khiến bao thế hệ Amser bồi hồi, xao xuyến mỗi khi nhắc tới cũng chính là lý do thôi thúc đã đưa cô trở thành giáo viên tiếng Anh của trường.

 

Mặc dù chỉ được tiếp xúc với cô trong quãng thời gian học đội tuyển ngắn ngủi của năm lớp 9, tôi cũng có thể nhận ra ở cô một bản sắc của học sinh khối Anh nói riêng, và giá trị cốt lõi của học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amstedam nói chung: tự tin- năng động- nhiệt huyết. Theo cô, cảm xúc khi đi học và đi dạy ở Ams có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Trong mắt cô, học sinh là những người bạn nhỏ tinh nghịch, đáng yêu, giúp cô được sống lại những giây phút không thể nào quên của tuổi học trò. Nhìn thấy học sinh Ams bây giờ hết sức năng nổ tham gia các phong trào mới lạ ở quy mô lớn, cô ước mong mình bé lại để được trải nghiệm những hoạt động thú vị mà thời cô chưa có.

 

 


 

Khoảng cách giữa GVCN Bùi Ngọc Quyên và học trò gần như không tồn tại trong tập thể lớp Anh 2 (12-15)


Ở góc độ của một người đã gắn bó lâu dài bên Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, cô hiểu rõ tầm quan trọng của việc đưa các thế hệ cựu giáo chức, cựu học sinh cũng như các giáo viên, học sinh hiện tại trong trường lại gần nhau hơn. Cô tin chắc rằng Amser các thế hệ luôn có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau: các thế hệ trước có kinh nghiệm và kiến thức quý báu để tuyền lại cho các thế hệ sau, các thế hệ sau lại có thể truyền lửa đam mê và sự năng động, đưa các thế hệ trước ngược dòng thời gian trở về thời tuổi trẻ hoài bão. Vì vậy, cô luôn mong sẽ được chứng kiến và tham dự thêm nhiều diễn đàn, trò chơi và hoạt động chung cho cộng đồng Amser ở khắp nơi, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường vào năm 2015 sắp tới.

 

 

Hiệp hội học sinh Hà Nội - Amsterdam – một tổ chức tiêu biểu gắn kết nhiều thế hệ Amser

như mong muốn của cô Bùi Ngọc Quyên

 

Nói về đặc trưng của các Amser, cô Quyên chia sẻ: “Tất cả các thế hệ Amser từ trước đến nay đều có một cái gì đó rất đặc trưng khó lẫn vào bất cứ học sinh nơi nào khác, nó giúp cho các Amser luôn tìm được nhau, nhận ra nhau và cảm thấy thân quen với nhau dù cho đó là lần đầu gặp mặt hay thậm chí là chưa từng gặp mặt! Cái riêng đó thật khó gọi thành lời nhưng lại rất dễ dàng cảm nhận, nó là "chất Ams", là "hồn Ams", mà ai đã và đang là Amser đều có. Mỗi khoá học sinh cô đã từng dạy, từng tiếp xúc lại có những khác nhau nhưng tựu chung lại, "chất Ams" ấy vẫn luôn tồn tại trong mỗi Amser ở tất cả những thế hệ đã qua và sẽ đến.”

 

 

Cô Bùi Ngọc Quyên với “nét Amser” trên sân trường

 

Đúng như những lời cô nói, cô cũng mang trong mình một nét Ams, một “chất Ams’, “hồn Ams” rất đặc trưng có thể dễ dàng nhận ra ngay từ lần gặp mặt đầu tiên…

 

 

Cô Bùi Ngọc Quyên với nụ cười tươi, trẻ trung và phong thái tự tin của một Amser

 

PV: Lê Minh Trang (Anh1 14-17)

[Nguồn ảnh: Facebook; hn-ams.edu.vn]