Ams của tôi, câu chuyện của tôi
Tôi - một cựu học sinh đã ra trường được 3 năm nhưng vẫn không thể quên được cảm giác của những ngày tháng được học tập tại một trong những ngôi trường, tuy chỉ là một trong các trường chuyên của thành phố Hà Nội nhưng tên tuổi của Hà Nội – Amserdam đã vượt xa ra ngoài biên giới để sánh tầm với Havard, Princeton, Oxford…và được cả thế giới biết đến. Liệu đối với tôi đó có phải là một phép màu không?
Tôi nhớ có một cựu học sinh đã từng nói với tôi thế này: “Em ạ! Mọi con đường cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn ta trở về Ams.” Tôi nghĩ điều đó là có thật, và sự thực là điều đã xảy ra với tôi không chỉ một vài lần mà là rất nhiều lần trong cuộc đời của tôi. Nhiều lần tôi mong ước mình được quay trở lại làm học sinh Ams thêm một ngày nữa. Chỉ cần được khoác lên mình chiếc áo đồng phục trắng có phù hiệu cánh buồm xanh đơn giản nhưng đầy kiêu hãnh đó, cho dù đó thời gian đó có thể chỉ là một ngày, hay một giờ, hay thậm chí chỉ là một khoảnh khắc, tôi cũng sẽ chấp nhận. Được bé lại và lăn xả vào vòng tay của bạn bè, được ngồi trên chiếc bàn chiếc ghế quen thuộc mà nghe lời giảng văn cao vút, bay bổng và sâu sắc của cô Ninh, thầy Thái, thầy Hùng; được tám chuyện với bạn bè trong những giờ ra chơi ở căng tin và vài lần trốn tiết đi chơi bóng rổ; được ăn bữa trưa với đội tuyển Văn thân yêu của tôi…Ôi sao mà giờ đây những khoảnh khắc ấy xa xỉ đến thế?
Hoa bằng lăng nở tím trước cổng trường (Ảnh trên page "Ở Ams")
Những lúc buồn và thất vọng về những ngày tháng khó khăn của đời sinh viên, tôi lại nhớ về Ams, cầu cứu Ams như một liều thuốc tinh thần quan trọng nhất của cuộc đời tôi để tiếp thêm cho tôi nghị lực và sức sống cho tôi vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Tôi nhớ về Ams như một sự hàm ơn, cầu cứu Ams như thể không một ai, không một điều gì có thể hiểu tôi bằng những mảnh ghép ký ức mà chính tôi chắp nhặt và dựng lên của riêng tôi về Ams. Mảnh ghép vui tươi nhất, tôi giữ riêng cho 12 Văn 07-10 của tôi. Mảnh này chất chứa đầy sự thương yêu và biết ơn, tôi giữ riêng cho cô chủ nhiệm của tôi. Mảnh này đầy những giọt nước mắt xen lẫn cả những nụ cười, có cả màu sắc tươi vui của vinh quang, lẫn mùi vị chua chát chiến bại, tôi giữ riêng nó cho những ngày tháng học tập ở đội tuyển Văn của tôi. Mảnh này vui và nhiều kỷ niệm sâu sắc, tôi giữ riêng cho đứa bạn thân nhất. Còn những mảnh con con khác, chứa đầy sự khâm phục, ngưỡng mộ và hàm ơn, tôi giữ riêng nó để hoài niệm về các thầy cô khác trong trường và các bạn, các anh, chị, em học cùng trường nhưng khác lớp, khác khóa… Những mảnh ghép ký ức đó sáng có, tối có, vui có, buồn có, vất vả có, hạnh phúc có, nước mắt có, nụ cười có, vinh quang có, thất bại cũng có…. Tất cả tôi đều giữ làm của riêng mình, để khi nào buồn thì lại lật lại, giở ra, ôn lại và ngẫm nghĩ về nó…
Tôi đã tiếp xúc với nhiều người bạn mới, biết thêm nhiều mối quan hệ mới, nhưng vẫn nhớ mãi những người bạn, những thầy cô giáo tại Ams. Nhiều người tò mò muốn biết cảm giác một lần được làm Amser hạnh phúc đến thế nào, tôi nghĩ đúng là chỉ có những ai được học tập và làm việc trong ngôi trường này mới hiểu được điều thiêng liêng và đặc biệt ấy. “Là Amser đi, rồi sẽ hiểu!”. Đúng vậy, chỉ có những ai đã từng là Amser mới hiểu điều kỳ diệu mà ngôi trường này đem đến cho mỗi con người là như thế nào. Mỗi cá nhân, mỗi học sinh trong ngôi trường này là những cá thể vô cùng đặc biệt, có cá tính và có điểm khác biệt vượt trội mà tôi tin chắc rằng bất kỳ một hệ thống giáo dục nào trên thế giới cũng thèm khát học sinh của mình đạt được đến trình độ đó. Ở Ams, mỗi học sinh được thỏa sức “ là chính mình”, là một cá nhân không thể trộn lẫn với bất kỳ một ai khác, mỗi học sinh được thể hiện cá tính của mình một cách mạnh mẽ mà không bị ai đó chê cười, phàn nàn. Và điều kỳ diệu đã xảy ra tại ngôi trường này không ai khác chính là những thầy cô của chúng tôi. Tôi gọi các thầy cô là những điều kỳ diệu, vì họ đã làm nên những phép màu trong cuộc đời của chúng tôi. Vào thời điểm khi tôi đang viết những dòng chữ này cũng là lúc trái tim tôi đang vỡ òa cảm xúc khi nhớ về công ơn của các thầy cô tại mái trường giàu truyền thống ham học này ( có lẽ một phần là vì tôi khá thất vọng với những gì tôi trải qua tại trường Đại học). Tôi cứ ngỡ hạnh phúc của mình đã bị xếp vào những ngăn kéo của quên lãng khi tôi vừa rời khỏi ghế nhà trường tại Ams, vì không có nơi nào trên thế giới rộng lớn này hiểu tôi như ở Ams, bạn bè tôi, thầy cô của tôi, và cả những kỷ niệm mà có lẽ đến khi trái tim tôi ngừng đập thì tôi mới thôi nghĩ về nó. Trên thế giới này có một nơi đặc biệt nhất là Ams ( nơi mà tôi từng trân trọng gọi nó là “Cõi sống”), nơi có những con người đặc biệt nhất là bạn bè và các thầy cô giáo.
Trong trái tim tôi tình cảm đối với Ams lúc nào cũng còn tươi nguyên sự sống và chất chứa thật nhiều, nhiều những cảm xúc dạt dào đối với thầy cô và bạn vè thì trong khuôn khổ của bài viết với dung lượng chỉ vào vài trăm chữ thế này nó sẽ không đủ để tôi gọi tên từng kỷ niệm, từng dòng cảm xúc vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, tôi chỉ xin một vài dòng chữ nhỏ hẹp để bày tỏ những tình cảm sâu sắc cũng như lòng biết ơn chân thành nhất đến các thầy cô giáo trường Ams – những thế hệ “trồng người” xuất sắc của nền giáo dục nước nhà. Những thầy cô mà có thể tôi chưa từng bao giờ có cơ hội được thể hiện sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc bằng một dịp quý giá như thế này. Tôi yêu Ams, yêu các thầy cô! Tôi yêu họ vì họ nhiệt tình quá, họ giàu nhiệt huyết và hy sinh cho ngôi trường này nhiều quá. “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó nhưng đừng quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm.” Họ - chính là những người cầm đèn đứng đằng sau mỗi thành công của các học sinh, âm thầm lặng lẽ gieo những hạt giống tri thức vào mỗi con người bằng tình yêu thương bao la vô hạn. Họ - những người cha, người mẹ thứ hai sẵn sàng thứ tha cho lỗi lầm của những học sinh chúng tôi, cũng như luôn khuyến khích động viên tinh thần chúng tôi bước tiếp trên con đường chông gai của cuộc sống. Biết nói sao cho hết những tình cảm của tôi dành cho tất cả các thầy cô giáo kính yêu tại ngôi trường này? Nếu không có họ, liệu tôi và rất nhiều những thế hệ học sinh khác có được sự tự tin và thành công như ngày hôm nay hay không? Có đi hết cả cuộc đời này, những thế hệ học sinh chúng tôi cũng không bao giờ có thể trả hết công lao to lớn của các thầy cô. Họ không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ là một người thầy, người cô hướng dẫn chúng tôi chinh phục tri thức mà còn là những người khai sinh ra chúng tôi một lần nữa, họ dạy cho chúng tôi hiểu rằng, điều hạnh phúc và ý nghĩa nhất của cuộc đời mỗi con người không phải chỉ là được NHẬN LẠI, mà còn là sự CHO ĐI. Thật vậy, nếu có ai đó thắc mắc rằng tại sao trường Ams lại có sự thành công vượt trội hơn hẳn so với các trường cấp III khác trên địa bàn thành phố nói riêng và so với cả nước nói chung, thì tôi có thể khẳng định ngay một trong những nhân tố đó là do trường Ams có một đội ngũ các thầy cô giáo có trình độ chuyên môn cao trong giảng dạy và có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực. Họ chính là những tấm gương chỉ cho chúng tôi thấy rằng đằng sau mỗi thành công không chỉ là sự rèn luyện của cái tài, mà đó còn là sự trau dồi của cái tâm.
Tôi nhớ cô Ninh, người dìu dắt tôi chinh phục môn Văn – môn học của sự học làm người, môn học của sự trưởng thành về nhân cách. Thông qua đây, tôi cũng muốn bày tỏ sự biết ơn mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể trả hết được cho cô, đi hết cả quãng đời này, tôi sẽ nhớ mãi mãi về những bài giảng lấp lánh màu sắc dị bản, đẹp đẽ và ý nghĩa ẩn giấu sau từng câu chữ của cô. Cô và Văn học là một trong những điều quan trọng nhất làm nên ý nghĩa lớn nhất trong suốt quãng thời gian học cấp III của tôi. Cô và Văn học đã đem đến cho tôi sự hiểu biết về tình người, về lòng nhân ái, và quan trọng hơn cả, đúng như lời mà cô lúc nào cũng nhắc tôi trong mỗi bài giảng, đó là: “Cho đi là còn mãi”. Ở cô tôi thấy đức hy sinh cao cả của một cô giáo tâm huyết với học trò. Tôi nhớ những bài giảng sâu sắc của cô về Nguyễn Tuân, nghe cô bình giảng văn thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh, Hàn Mặc Tử…mà sao thấy cuộc đời này đáng yêu và đáng sống đến thế! Tôi nhớ những bài học đội tuyển căng thẳng, viết văn đến mỏi nhừ, tê cứng cả bàn tay, học đến quên cả Tết. Tôi nhớ những gương mặt của các đội tuyển trong ngày dâng hương ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhớ ngày thi quốc gia quan trong nhất trong cuộc đời và tôi đến muộn rồi bị cô khiển trách… J Đến bây giờ, kỷ niệm giữa tôi với cô và mái trường dấu yêu chỉ hiện lên trong đầu tôi với hai dòng thơ viết vội vã:
“ Kỷ niệm không là gì khi lòng người vội xóa.
Nhưng kỷ niệm là tất cả khi lòng người đã in sâu.”
Tôi sao quên được cô Oanh, thầy Đại, các thầy cô trong Ban Giám hiệu khi còn dìu dắt thế hệ chúng tôi - khóa học sinh cuối cùng được học ở Ams Nam Cao. Tôi nghĩ rằng các thầy cô là những thầy cô giám hiệu nổi tiếng nhất, tâm lý nhất, cưng chiều các học trò của mình nhất và tuyệt vời nhất trong mắt chúng tôi. Các thầy cô chính là những tấm gương rực rỡ cho nền giáo dục của Việt Nam. Tôi may mắn có rất nhiều những kỷ niệm quý báu với các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường.
Tôi thấy cô Oanh có nét gì đó rất giống với Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton, vì vậy tôi trân trọng gọi cô là “Hillary Clinton của Việt Nam”, có lẽ đó là do ngoại hình của cô quá giống với phu nhân của Tổng thống Mỹ một thời Bill Clinton, và có lẽ là do cả phong thái làm việc và sự trẻ trung, hiện đại của cô đã khiến tôi có một sự liên tưởng thú vị đến vậy. Tôi có một kỷ niệm rất thú vị với cô Oanh, tôi không nhớ lần đó có điều gì vô cùng gấp gáp mà tôi xin số cô từ một ai đó và gọi cho cô để hỏi cô về điều gì đó rất quan trọng. Nhưng tôi thật vô ý, tôi đã không nhớ ra rằng mình đã vô tình đánh thức cô từ sáng sớm và điều đó thật bất tiện. Tuy nhiên, cô vẫn ân cần trả lời tôi với một giọng nói dịu dàng, cô không hề buồn và kiên trì khuyên nhủ giải quyết vấn đề của tôi. Tôi nghĩ rằng Hà Nội hiếm có một cô giáo Hiệu trưởng nào đặc biệt như cô Lê Thị Oanh, cô đã trở thành một trong những thầy cô giáo lý tưởng nhất đối với chúng tôi, vì cô sở hữu những vũ khí sắc bén của nghề giáo, đó là sự nghiêm khắc ( giúp chúng tôi nghiêm túc trong học tập) và sự tâm lý ( giúp chúng tôi thêm cảm phục nghệ thuật thuần phục học trò của cô). Sau mỗi lần như vậy, sự ngưỡng mộ của tôi đối với các thầy cô trường mình càng tăng thêm hơn nữa.
Và tôi nhớ nhất là thầy Phạm Văn Đại, thầy đã từng là Hiệu trưởng huyền thoại của học sinh trường Ams khi tôi vẫn còn học ở trường cũ. Tôi rất hạnh phúc khi nhớ về môt kỷ niệm rất sâu sắc và có lẽ cả cuộc đời này tôi cũng không bao giờ quên giữa tôi và thầy. Đó là một lần tôi đi thi thành phố, không hiểu sao lần đó Sở Giáo dục lại in nhầm tên họ của tôi trong danh sách thi, vì vậy tôi phải lên gặp thầy Đại để xin lại xác nhận về tên của mình một cách chính xác để được đi thi. Tôi gặp thầy và trình bày với thầy vấn đề của mình đang gặp phải, thầy nở nụ cười hiền lành và hỏi han tôi tình hình học đội tuyển thế nào, có mệt không, có căng thẳng không. Sau khi xin được xác nhận của thầy, tôi còn được thầy động viên cố gắng đi thi để mang về vinh dự cho nhà trường và bản thân. Và sau lần đó, thật may mắn, có lẽ nhờ có chữ ký của thầy, và đúng như cô chủ nhiệm của tôi đã từng nói với tôi: “ Con có chữ ký của thầy Phạm Văn Đại – Hiệu trưởng của trường mình thì coi như một điềm báo may mắn trước khi đi thi đó!”. Và đúng như dự đoán của cô, lần đó tôi cũng đạt được thành tích như nguyện vọng đặt ra trước kỳ thi.
Thầy Đại gây ấn tượng ngay từ những ngày đầu với học sinh vì thầy vô cùng thân thiện với lũ Amser tinh nghịch, thầy và cô Oanh suốt ngày “bị làm phiền” bởi lũ học trò tiểu quỷ chúng tôi với những xin phép được tổ chức các sự kiện, các hoạt động ngoại khóa. Tôi biết rằng mỗi lần xin được một cái gật đầu đồng ý của cô Oanh, thầy Đại là học sinh trong trường phải vận dụng hết khả năng ngoại giao tài giỏi của mình để được phép của các thầy cô. Và không phải nói đâu xa, sau mỗi lần đồng ý của các thầy cô Ban Giám hiệu, và cũng chính nhờ sự “dễ tính”, trẻ trung và phóng khoáng của các thầy cô đã góp phần đưa tên tuổi và thương hiệu trường Ams bay cao và bay xa trên đấu trường quốc tế.
Tôi nhớ thầy Thái, thầy Hùng với những bài giảng bất tử với thời gian, tôi ngưỡng mộ cô Quyên vì cô từng làm cho học trò “say như điếu đổ” với khả năng nắm bắt tâm lý học trò trong công cuộc giảng dạy đầy gian nan và vất vả. Và có lẽ, tôi cũng như hàng trăm học sinh trường Ams đều biết đến sự nổi tiếng về sự nhiệt tình và giàu tình yêu thương đối với học trò của thầy Lê Đức Thuận, thầy giáo dạy toán kiêm ban quản trị website của trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Thầy chính là một trong những cầu nối quan trọng nhất, giúp thu hẹp khoảng cách giữa học sinh và giáo viên trong trường, các em được thầy tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hơn cho các hoạt động ngoại khóa và thầy còn là người sáng lập ra rất nhiều những trang web học tập trực tuyến và hiệu quả, sinh đông, góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong trường. Xem các group học tập trực tuyến như One lesson a day, trang web Baigiangtructuyen.vn chứa bao tâm huyết của thầy mới thấy cảm nhận được sự nhiệt huyết và tình yêu của thầy Thuận đối với trường Ams là như thế nào! Thầy từng nói rằng thầy không chỉ muốn trường Ams mạnh về học tập mà còn mạnh về các hoạt động ngoại khóa. Chính vì thế, tất cả những điều đó đã giúp thầy trở nên nổi tiếng và trở thành thần tượng của biết bao thế hệ học sinh chúng tôi.
Có lẽ tôi không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được hết niềm vui và hạnh phúc của tôi khi nhớ về các thầy cô giáo. Nếu không có họ, mái trường giàu truyền thống ham học của chúng ta không thể tự mình sản sinh ra những nhân tài hàng đầu cho đất nước. Nếu không có các thầy cô nâng đỡ cuộc đời mỗi học sinh, thì làm sao mỗi học sinh trường Ams có thể tự tin bước vào cuộc đời vốn đầy chông gai và thử thách ở ngoài kia đến thế? Họ chính là những bệ phóng quan trọng nhất để mỗi học sinh trường Ams trở thành những Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, trở thành những con chim phượng hoàng bay cao trên đôi cánh rộng.
Còn rất nhiều, rất nhiều các thầy cô khác trong trường mà trong phạm vi một bài viết hạn hẹp như thế này tôi không thể đề cập và tri ân về họ hết được! Tôi chỉ có thể xin phép được thay mặt toàn thể các học sinh cũng như các cựu học sinh Ams nhiều thế hệ, nhân dịp ngày Lễ Thầy Cô 20/11, xin được gửi lời chúc sức khỏe và lời chúc tốt đẹp nhất đến với tất cả các thầy cô của mái trường Hà Nội – Amterdam. Em chúc các thầy cô thật nhiều niềm vui trong cuộc sống và sẽ mãi mãi là những người thầy cô vĩ đại trong con mắt của học trò chúng em, chúc các thầy cô gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người để Hà Nội – Amsterdam sẽ mãi là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong suốt cuộc đời mỗi con người.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai tôi sẽ đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, làm một vài công việc khác nhau, và tôi biết rằng chắc chắn tôi sẽ diễn nhiều vai diễn trong đâu đó bộn bề những lo toan của cuộc đời này . Nhưng tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất, tôi chỉ muốn bé lại và mãi mãi là học sinh của Ams thôi. Chỉ cần mãi mãi được là học sinh của Ams, và được gọi là Amser, thì dù bằng cái giá nào và đắt đến mấy đi chăng nữa, thì tôi cũng sẽ mua. Tôi sẽ “mua lấy” “cái giá” đó để được là chính mình, và tôi sẽ luôn luôn tự hào về điều đó!
Đội tuyển Văn năm học 2009 - 2010
“ Kỷ niệm không là gì, khi lòng người vội xóa
Nhưng kỷ niệm là tất cả, khi lòng người đã in sâu”
12/11/2013,
Linh Di, Văn 07-10.