Cấm học sinh, giáo viên sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
>> Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT
Theo Quy tắc này, Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
Không sử dụng trang phục gây phản cảm. Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.
Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu:
Khi ứng xử với người học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải có Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
Khi ứng xử với giáo viên, nhân viên: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
Khi ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ, thân thiện. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
Khi ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, lịch sự, đúng mực. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu
Về ứng xử của giáo viên, Thông tư quy định:
Khi ưng xử với người học, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên phải dùng ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
Ứng xử với cha mẹ người học, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Thông tư cũng quy định cụ thể việc ứng xử của nhân viên với người học,với cán bộ quản lý, giáo viên; Ứng xử với đồng nghiệp; Ứng xử với cha mẹ người học và khách đến cơ sở giáo dục; Ứng xử của người học trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên...
Phụ huynh không được bịa đặt, xúc phạm giáo viên
Đặc biệt, Bộ Quy tắc cũng quy định cha mẹ người học phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực với người học.
Cha mẹ học sinh cũng phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 5 năm 2019.
Theo Quang Minh (baophapluat)