Mẹ GS Ngô Bảo Châu: "Con gái nhà Châu học mà như chơi"
Xung quanh việc học sinh tiểu học Việt Nam đánh vật với bài tập về nhà, PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền đã chia sẻ về việc ‘học như chơi” của 3 cô con gái nhà GS Ngô Bảo Châu.
Không có lí gì phải học thêm
- Thưa PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, hiện nay học sinh tiểu học và cả phụ huynh đau đầu vì đống bài tập về nhà của con. Theo bà bài tập về nhà của học sinh tiểu học có đem lại nhiều lợi ích tích cực cho các em hay không ạ?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Ngày xưa tôi thấy chỉ khi nào học cuối cấp 2, lên cấp 3 thì các cháu mới phải học nhiều chứ còn tiểu học thì đâu có phải học mấy. Ví như tôi ngày trước chẳng hạn thấy việc học đơn giản, nhàn nhã lắm.
Còn bây giờ các cháu đi học triền miên, cả ngày cả tối, rồi thứ 7, chủ nhật cũng không mấy khi được nghỉ.
Ngay cả một bé mới 4,5 tuổi chưa vào mẫu giáo đã phải đi học để có thể thi vào các trường lớp nổi tiếng. Sau đó lại phải còng lưng học chữ để thi vào lớp 1 trường chuyên, lớp chọn cứ thế các em lại phải chạy đua tiếp cuộc chiến học hành.
Tôi thật không hiểu ở những lớp mầm đó người ta dạy gì cho trẻ. Trong khi, cả trong một lớp 1 các em chỉ cần đọc được, viết được tiếng Việt thôi. Nếu các em học thêm rồi, thì không biết các em ấy học được những cái gì khi vào học lớp 1.
Các con của Châu cũng thế chúng chỉ mất chưa đến hai tháng là đọc, viết được tiếng Việt thì không có lí gì các em phải học thêm, phải làm bài một cách quá nặng nề.
- Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học thêm và giao bài tập một cách nặng nề cho học sinh hiện nay?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Đó chính là sự tiêu cực của nền giáo dục. Hầu hết giáo viên sư phạm bây giờ lại có xu hướng thích dạy học sinh tiểu học vì kiến thức ít lại còn có thể dạy thêm được nhiều.
Thầy cô cứ giao nhiều bài tập cho con trẻ, sau đó tạo áp lực học tập vất vả cho các con, gia đình lại sợ các cháu không theo kịp đành phải cho đi học thêm tràn lan. Có khi thầy cô giáo trên lớp lại không giảng hết bài, mà cố tình giao thành bài tập về nhà cho các em.
Bố mẹ cũng chính là người gây ra nhiều áp lực cho con. Có những người giỏi giang thì mong con giỏi giang hơn mình, có người không thành đạt thì muốn con học hành tử tế hơn. Do đó, gia đình cứ gây áp lực cho trẻ.
- Bà có nhận thấy nội dung, chương trình học tập của học sinh tiểu học hiện nay có nặng nề, quá sức với học sinh hay không?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi thấy không hề có nặng nề gì cả. Kiến thức trong sách giáo khoa là đã được kiểm chứng, sao cho phù hợp với hầu hết học sinh. Do đó tôi nghĩ nội dung chương trình như vậy các em không cần phải đi học thêm, mà chỉ cần học trên lớp là đủ rồi.
- Bà có thể chia sẻ đôi chút về việc học của GS Ngô Bảo Châu, trước đây GS Châu có phải học thêm, làm bài tập về nhà nhiều không ạ?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ rằng không nên ép con học, mà là khuyến khích con phát huy được khả năng, sở trường của mình. Vì ngay từ bé Châu đã rất thích học, nên việc học hành không phải là ép buộc với Châu.
Về nhà tuy không có bài tập cô giáo giao nhưng Châu vẫn chăm chỉ làm hết những bài tập trong sách giáo khoa. Còn về học thêm thì do thầy cô yêu quý Châu học tốt nên đến dạy kèm cho Châu thôi chứ tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền ra nhờ người đến dạy cho Châu cả.
Nhưng mà thời đó cũng khác nhiều so với thời này.
Các con Châu học như chơi ấy
- Vậy với các con của GS Châu hiện nay việc học tập của các cháu bên nước ngoài có vất vả như học sinh ở Việt Nam?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Các con của Châu tôi thấy chúng học rất đơn giản, nhàn nhã, học cứ như là chơi ấy.
Ví như bé Ngô Thanh Nguyên ngày nào đi học về cũng có bài tập. Đó là một tờ A4 với các câu hỏi trắc nghiệm kiến thức cơ bản. Như Nguyên chỉ cần làm 15, 20 phút là xong. Còn một bên là những bài tập khó hơn, yêu cầu nâng cao một chút. Bài tập không bắt buộc, nhưng những đứa trẻ ham học thì chúng vẫn say mê làm hết. Như vậy không gây áp lực bài vở cho các em.
Một cái khác nữa ở giáo dục nước ngoài họ không nhồi nhét kiến thức một cách áp đặt cho trẻ mà dạy trẻ tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Giáo dục cho trẻ biết tự lập trong chính công việc học tập lẫn cuộc sống.
- Theo bà, nền giáo dục nước ngoài họ chú trọng nhất đến điểm gì trong hệ thống giáo dục tiểu học?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Nhân cách chính là cái được giáo dục nhiều nhất, quan tâm nhất ở bậc tiểu học. Tôi thấy thực sự hay khi nhà trường giáo dục cho các em biết cần phải giúp đỡ người khác, cũng như cần phải tự mình phấn đấu.
Đồng thời cũng giáo dục trách nhiệm xã hội, cách sử dụng đồng tiền từ nhỏ, biết tự kiếm tiền để đóng góp vào công tác xã hội. Các cháu tự góp tiền để giúp bạn khó khăn bằng công việc nhỏ trong gia đình, chứ không xin tiền bố mẹ.
- Theo bà, các con của GS Châu đã tiếp thu được những gì từ nền giáo dục đó?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Trong khu tập thể học đàn piano của các cháu ở bên Mỹ, các cháu tự viết tên, địa chỉ với dòng chữ: “nhận làm các việc như trông em, quét dọn nhà cửa…”. Những lần được người khác thuê sẽ được tính điểm số cho các cháu. Đồng thời cũng là cách để dạy các cháu tự kiếm tiền và biết trân trọng đồng tiền của mình làm ra.
Hè nào gia đình Châu cũng về Việt Nam. Nên các cháu cũng được học nhiều về văn hóa dân tộc. Các cháu thực sự làm tôi ngạc nhiên khi tự chúng đi dọn nhà vệ sinh sạch sẽ, chúng xin tôi trả công 5 USD rồi xin xác nhận số lần từ thiện của các cháu. Rồi có lần các cháu đi phát cháo từ thiện cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bỏng.
Đó chẳng phải làm một cách giáo dục hay đó thôi. Chứ đâu nhất thiết phải bắt các cháu nhỏ ngày nào cũng căng thẳng đầu óc với đống bài tập về nhà. Việt Nam mình cũng cần phải học tập theo cách giáo dục đó. Nhất là trẻ tiểu học hãy tạo điều kiện cho các cháu phát triển một cách toàn diện cả trí tuệ lẫn tinh thần.
- Cám ơn PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền đã chia sẻ!
Theo Vietnamnet
Hằng Anh (Văn 10-13)