Học sinh quay cuồng 'chạy sô' với đổi giờ
Tan học vào 19h tối, chưa hết mệt mỏi vì những tiết học chính khóa ở trường, tranh thủ ăn vội ổ bánh mỳ, uống tạm hộp sữa hoặc nhịn đói, nhiều học sinh ở các trường THPT vội vã đạp xe tới lớp học thêm cho kịp giờ. Đó là điều nhiều học sinh luôn trong tình trạng lo lắng thiếu thời gian cho việc ăn - ngủ - nghỉ để kịp...học.
Chóng mặt vì “chạy sô”
Sau một tuần thực hiện đổi giờ học, nhiều phụ huynh và học đều cho rằng, không chỉ áp lực thời gian, căng thẳng đầu óc, mà thêm vào đó còn tốn kém thêm một khoản phụ phí hàng tháng.
Tan học vào 19h tối, chưa hết mệt mỏi vì những tiết học chính khóa ở trường, tranh thủ ăn vội ổ bánh mỳ, uống tạm hộp sữa hoặc nhịn đói, nhiều học sinh ở các trường THPT vội vã đạp xe tới lớp học thêm cho kịp giờ. Về đến nhà cũng đã 22h đêm, và phải giải quyết số lượng lớn bài tập cho ngày hôm sau nên thời gian nghỉ ngơi bị co hẹp một cách đáng kể.
Nếu như trước đây, 17h chiều là thời điểm tan học trước đây của học sinh, thì bây giờ ở nhiều trường THPT, đó là giờ học tiết 3 của khóa học buổi chiều. Nhưng do thói quen từ nhiều năm nay nên khi kết thúc tiết học, nhiều em tỏ ra mệt mỏi vì thời gian học phải kéo dài thêm 2 tiếng đồng hồ trong khi năng lượng cho một ngày làm việc đã cạn dần.
Em Nguyễn Anh Tuấn (lớp 10 – THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Buổi học kết thúc tận lúc 19h nhưng cứ đến tiết 3 là em đã cảm thấy rất mệt và đói. Nếu như lúc trước giờ này được nghỉ ngơi, chơi thể thao để thư giãn thì bây giờ vẫn phải “chiến đấu” với hai tiết học nữa. Cũng có thể chưa quen với sự thay đổi này nên em thường rơi vào tình trạng căng thẳng.”
Không chỉ áp lực thời gian, căng thẳng đầu óc, mà thêm vào đó còn tốn kém thêm một khoản phụ phí hàng tháng. Đó là điều nhiều học sinh lo lắng, nhiều em phải ở lại trường vào buổi trưa vì 11h30 kết thúc ca học buổi sáng nhưng 13h đã bắt đầu vào học ca chiều, khoản phụ phí dành cho bữa ăn trưa không phải học sinh nào cũng được chu cấp đầy đủ.
HS Trường THPT Cầu Giấy tan trường trong bóng tối. |
Em Nguyễn Thái Dương (Lớp 11,THPT Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “So với thời gian biểu cũ thì em được ngủ khoảng 1 tiếng vào buổi trưa, nhưng từ cách đây một tuần thì thời gian để ngủ của em cũng chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ. Buổi trưa ở lại trường, em cùng các bạn ăn ở căng tin nên phải mất thêm một khoản kha khá vì bây giờ giá cả mọi thứ đều tăng cao, mỗi suất ăn từ 25 – 35 nghìn trong khi không phải ai cũng được bố mẹ chu cấp đủ tiền để ăn uống hợp lý”.
Phụ huynh cũng quay cuồng
Trước giờ tan học ca chiều của học sinh, tại nhiều cổng trường chật kín phụ huynh đến đón con. Thậm chí có nhiều ông bố bà mẹ đứng đợi con trước đó hàng tiếng đồng hồ trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. Nhiều người tỏ ra lo ngại với thay đổi mới này vì thời gian làm việc của bố mẹ và lịch học của con cái lệch nhau nên nảy sinh nhiều điều bất tiện. Có những phụ huynh bỏ bê cả công việc để đi đón con vì thương con phải “chạy sô” quá nhiều.
Chị Hoàng Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Con tôi năm nay lớp 12, cháu phải học rất nhiều, dường như không có thời gian nghỉ ngơi, buổi chiều lại tan học muộn trong khi ca học thêm của cháu bắt đầu từ 7h30 phút, chỉ có nửa tiếng để ăn tối và nghỉ ngơi thì chẳng khác nào đi “chạy xô”. Vì vậy ngày nào tôi cũng phải chầu trực ở đây, dù bận mấy thì cũng phải gác hết công việc lại”.
Không chỉ lo lắng cho con vì việc học tập nhiều áp lực, tinh thần mệt mỏi dẫn đến sức khỏe không đảm bảo, hầu hết phụ huynh cho rằng thời gian tan học vào lúc 19h là khá muộn, để con tự đi về sẽ không an toàn.
“Để các cháu đi về vào thời điểm muộn như thế tôi không yên tâm. Nhất là mấy hôm trước, trời vừa mưa vừa rét, nhà xa lại thêm việc học hành căng thẳng thì học sinh nào còn sức để đạp xe về? Nên dù giờ làm của bố mẹ và giờ học của con có đảo lộn đến mấy thì vẫn phải chấp nhận, nhiều người bỏ việc đi đón con cũng không thể trách được”. – Anh Lương Văn Sơn ( Tây Hồ - Hà Nội) bày tỏ.
Một số học sinh cho biết, dù bố mẹ không có thời gian đi đón nhưng vẫn không để các em phải tự đi về bằng xe đạp mà cho thêm một khoản riêng để đi taxi cho an toàn.
(Theo Vietnamnet)
Hằng Anh (Chuyên Văn 10-13)