The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Quyên: "Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim"

Post by: webams | 18/11/2019 | 1879 reads

Ngày Nhà giáo Việt Nam, một dịp đặc biệt để chúng ta tri ân thầy cô, gửi tới họ những lời chúc và lời biết ơn sâu sắc nhất. Sau này khi ra trường, một trong những thầy cô mà tôi sẽ nhớ mãi chính là cô Đỗ Thị Thu Quyên, cô giáo chủ nhiệm lớp Sử khóa 17-20, người đã dạy tôi từ những năm tháng cấp 2, để rồi khi lên cấp 3, tôi lại may mắn được học lớp cô chủ nhiệm. Với vẻ ngoài trẻ trung, năng động cùng nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi, cô đã "thổi hồn" vào những tiết học Lịch sử dường như nhàm chán đến mức "buồn ngủ", biến chúng thành những tiết học sôi nổi, hứng thú và thư giãn hơn bao giờ hết. Nhân dịp 20/11 đang đến gần, hãy cùng trò chuyện với cô Đỗ Thị Thu Quyên để hiểu thêm về cô nhé !


 


 

PV: Con chào cô ạ. Lời đầu tiên, con xin cảm ơn cô đã dành chút thời gian để tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Cô có thể chia sẻ cô đã bén duyên với nghề giáo và trở thành một cô giáo Lịch sử như thế nào được không ạ?

 

Niềm yêu thích môn sử của cô nảy nở từ những năm tháng cấp 3. Khi đó, cô cảm thấy học lịch sử rất thú vị, còn quá nhiều điều trong lịch sử mà mình chưa biết, những bài học từ lịch sử khiến mình suy ngẫm và thấy có giá trị rất lớn trong thực tế. Vì vậy, cô đã nuôi ước mơ trở thành một cô giáo dạy sử từ lúc đó và chọn theo học khoa Sử trường Sư phạm để có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu Lịch sử nhiều hơn, hi vọng có thể mang những kiến thức mình biết chia sẻ với các em học sinh sau này.

 

PV: Sự nghiệp "trồng người" đòi hỏi ở người giáo viên rất nhiều nỗ lực. Khi gặp phải khó khăn, đâu là động lực để giúp cô vượt qua và khắc phục chúng ạ?

Làm giáo viên không phải là một nghề nhàn nhã như nhiều người xưa nay vẫn nghĩ. Thực sự, giáo viên trong thời đại hiện nay chịu rất nhiều áp lực, áp lực từ phía học sinh, nhà trường, phụ huynh và xã hội. Niềm vui, hạnh phục cũng có, mà khó khăn cũng nhiều. Mỗi lần đứng trước những trở ngại trong nghề, người cô luôn nghĩ tới là mẹ của mình. Mẹ cô không phải là một giáo viên. Nhưng đối với cô, đó là người thầy quan trọng nhất. Mẹ chỉ bảo cô rất nhiều điều. Sau này khi lớn lên, mẹ giống như một người bạn, sẵn sàng ngồi nghe cô than thở, chia sẻ, động viên cô vượt qua khó khăn. Mỗi lần như thế, mọi mệt mỏi đều qua đi, đầu óc như được “khai sáng”, cô biết rõ mình cần làm gì và nên làm gì. 


Cô Quyên (đứng thứ tư từ trái sang) cùng các cô giáo trong ngày khánh thành Không gian truyền thống của trường

 

PV: Đối với nhiều học sinh, môn Lịch sử "được coi" là một môn học khô khan và khó nhớ. Vậy thì theo cô, để giúp cho học sinh thêm yêu mến môn học này thì đâu là phương pháp hữu ích nhất ạ?

Sau nhiều năm đi dạy, cô hiểu rằng, học sinh không phải không yêu thích Lịch sử, mà chính xác hơn là các em không yêu thích bộ môn Lịch sử. Có lẽ, một phần do sách giáo khoa có quá nhiều sự kiện khô cứng, giáo viên giảng dạy nhiều khi mang tính áp đặt quan điểm. Vì vậy, khi giảng dạy, cô cố gắng đưa ra nhiều tư liệu, tranh ảnh, phim về lịch sử để học sinh tự quan sát, tự xem xét, đánh giá, hoặc cô có thể tổ chức cho các bạn tự tái hiện lại lịch sử theo cách của mình như tự vẽ tranh, ảnh, truyện lịch sử hay dựng các đoạn phim ngắn. Ngoài ra, có thể cho các bạn tiếp cận với cách đánh giá, quan điểm của các sử gia nước ngoài, những người “bên kia chiến tuyến” để giúp các em có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử. 

PV: Lần đầu trở thành giáo viên chủ nhiệm phụ trách một lớp chuyên, cô có cảm thấy lo lắng không ạ? Điều gì đã giúp cô hiểu được học sinh của mình và ngược lại ạ? 

Lần đầu trở thành GV chủ nhiệm phụ trách một lớp chuyên, đương nhiên giáo viên nào cũng sẽ lo lắng. Nhưng sau đó cũng quen dần, tuy vất vả nhưng có thêm thật nhiều niềm vui mới. Các em học sinh bây giờ là một thế hệ hoàn toàn khác các cô ngày xưa. Các em có điều kiện học tập tốt hơn, chủ động, sáng tạo hơn, có nhiều lựa chọn hơn và cũng vì thế mà phải chịu nhiều áp lực hơn. Vậy nên để hiểu được học sinh của mình, cô luôn tâm niệm rằng cái gì đi từ trái tim sẽ đến với trái tim. Với tất cả các em, kể cả những học sinh ngỗ nghịch nhất, cô cố gắng đối xử bằng tình cảm chân thành nhất với tâm thế "luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ”, thấu hiểu và chỉ bảo các em, giúp các em giải quyết những khúc mắc tuổi dậy thì và hỗ trợ các em định hướng tương lai một cách sáng suốt.

Cô Quyên nhí nhảnh bên học trò của mình

 

PV: Là một nhà giáo, cô mong muốn điều gì ở học trò của mình ạ?

 

Cô đã từng có những năm tháng cấp 3 rực rỡ, tràn ngập hạnh phúc. Vì thế cô luôn muốn học trò của mình có những  tháng ngày như vậy, mong các em có những người bạn tri kỉ để mãi về sau vẫn nhớ đến nhau, mong các em được học những kiến thức nền tảng, được rèn luyện những phẩm chất, thói quen tốt, những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống tự lập ở đại học và hơn hết nữa là cho cuộc đời của chính các em sau này. Cấp 3 qua đi rất nhanh, các em hãy trân trọng những ngày tháng còn ở bên cạnh nhau nhé !

 

Con cảm ơn cô về những chia sẻ chân thành của cô vừa rồi. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con xin chúc cô mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn vững chắc tay chèo để có thể đưa thêm nhiều thế hệ học sinh mai sau cập đến bến bờ tri thức.

 

PV: Trần Kiều Anh - Sử 1720