The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Sao giờ này mình còn ở đây?

Post by: webams | 01/06/2015 | 3378 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường

MS 021

 SAO GIỜ NÀY MÌNH CÒN Ở ĐÂY?

Nguyễn Tiến Thành

Anh 1 (13-16)

Từ cấp 2 lên cấp 3 là một sự thay đổi, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi học sinh. Nếu cấp 2 là tuổi hồn nhiên, chỉ cần lo học là chủ yếu, thì cấp 3 là nơi ta gặp trường mới, bạn mới, với những dự định cho tương lai và những quyết định quan trọng cho tuổi trưởng thành ngày càng đến gần. Đây là sự thay đổi không thể tránh khỏi, và kể cả khi là học sinh Ams cấp 2, và rồi Ams cấp 3, kể cả khi tôi chưa bao giờ rời xa ngôi trường này, cái quen thuộc của trường cấp 2 cũng phải nhường chỗ cho những trải nghiệm cấp 3 hoàn toàn mới mẻ và choáng ngợp. Bạn bè, trường lớp, các dự định khác trước: với nhiều người đây là một sự thay đổi tuyệt vời, nhưng với tôi, nó là một sự lạc lõng, và nhiều lúc tôi tự hỏi: sao giờ này mình còn ở đây?

Mình còn làm gì ở đây? Đó là câu hỏi trăn trở mãi từ khi tôi nhận ra nơi đây hoàn toàn không như trước. Mới vài tháng trước, tôi còn lao vào ôn thi, để được học tiếp ba năm nữa tại Ams; tuy tôi biết mình đủ trình độ, sâu thẳm trong lòng tôi vẫn vướng nỗi sợ rồi nhỡ đâu mình không đỗ. Nỗi sợ cuối cùng không thành hiện thực, nhưng khi đi học cấp 3, tôi lại sợ thứ khác. Trường cũ, bạn mới, không vấn đề. Nhưng rồi tôi nhận ra mọi người đến đây đều có mục đích của họ: người muốn theo đuổi môn chuyên mình thích, người muốn tham gia vào những hoạt động phong phú của trường, người muốn thực hiện ước mơ du học. Chẳng có ai như tôi, chẳng có ai cố thi, cố học chỉ vì không muốn xa trường, vì không muốn tưởng tượng viễn cảnh một sáng thức dậy không được cắp sách đến Ams, không được đi trên những hành lang, không được ngồi trong những căn phòng quen thuộc. Mọi người dường như đều phấn đấu vì thứ gì đó; tôi chẳng vì cái quái gì cả. Ams là nơi chắp cánh ước mơ, nhưng dường như tôi chẳng có mơ ước, chẳng có gì để Ams nâng niu và chắp cánh như nó cần làm. Và tôi bắt đầu sợ thời gian trôi đi quá nhanh: tôi đã cố gắng để kéo dài thời gian ở Ams thêm ba năm, để được trốn trong những căn phòng, những khoảng sân của nó và tưởng tượng mình không phải lớn lên, nhưng tôi biết ba năm đó buộc phải qua đi và không bao giờ quay trở lại. Tôi sợ quãng thời gian đó sẽ lại trôi qua trong đơn độc, vì không thể hiểu ai, và cũng không ai hiểu mình và cái tình cảm đặc biệt của mình dành cho Ams. Tôi thấy vô vọng vì cho dù tôi yêu Ams nhưng mỗi ngày đi học trôi qua lại vẫn vô vị, tẻ nhạt và bị bủa vây bởi sự sáo rỗng. Và lần đầu tiên tôi ngại đến trường. Mình còn làm gì ở đây? Đó dường như là câu hỏi mà tôi không trả lời được, vì thế tôi cố không trả lời.

Dần dần tôi quên mất niềm hạnh phúc đơn giản của việc được từng ngày cắp sách tới Ams. Tôi đã phấn đấu vì ba năm nữa, nhưng rồi lại dành thời gian đó lo sợ ngày tháng trôi qua vô nghĩa. Tôi quên mất rằng ý nghĩa đó hoàn toàn có thể tìm được, không phải từ một câu trả lời rõ ràng, mà từ một câu hỏi khác.

Bảy năm học ở Ams là một điều đáng tự hào và hạnh phúc, không chỉ vì đó là thời gian lâu nhất mà tôi có thể gắn bó với mái trường này, mà còn bởi vì nó cho tôi một trải nghiệm sâu sắc về sự thay đổi, về cái cũ, cái mới, để rồi nhận ra rằng dù cho mới cũ, dù tôi có những lúc lạc lõng, những lúc xô bồ, những lúc cảm thấy như lạc giữa một chốn không quen, vây quanh bởi những hàng rào sắt, tường xi măng và những con người xa lạ, dù cho tất cả, tôi vẫn yêu Ams, yêu cái vẻ đẹp của nó lúc bình minh lên và hoàng hôn xuống, yêu những hành lang dài nơi bước chân tôi qua, yêu những dòng người qua lại, vào ra như những luồng sinh khí, những hơi thở của ngôi nhà lớn này; yêu những phòng học ngập tràn nắng và gió, những góc nhỏ của trường lưu giữ bao kỉ niệm; yêu cả bạn bè với những giây phút đùa vui hay hờn dỗi; yêu thầy cô dù nhiều lúc oán thán đống bài tập về nhà hay nguyền rủa những bài kiểm tra.

Những lúc tôi nhớ ra điều đó là những lúc tôi tự hỏi: nếu không phải là Ams, mình còn ở đâu nữa?