The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tránh coi trường chuyên là nơi để có huân huy chương, thành tích

Post by: webams | 21/01/2022 | 796 reads

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020” sáng 21/1, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tránh quan điểm coi trường chuyên là để có huân huy chương, chạy theo ứng thí, thành tích… Câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mang lại những kết quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào phát triển giáo dục của đất nước, nhất là giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tránh coi trường chuyên là nơi để có huân huy chương, thành tích ảnh 1

Đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài. Cũng qua thực hiện Đề án, hệ thống cơ sở vật chất trường chuyên đã có những thay đổi đáng kể. Một số trường chuyên của các địa phương được đầu tư rất lớn, đạt chuẩn quốc gia, khu vực. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, sản phẩm đào tạo chính là kết quả khả quan nhất. Học sinh các trường chuyên đã đạt được rất nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng yêu cầu các địa phương cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, khâu quan trọng là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. 

Tránh tiêu cực, tránh ngồi nhầm trường

“Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”, ông Sơn nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nói rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông do đó vẫn cần lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Các nhà trường đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tránh coi trường chuyên là nơi để có huân huy chương, thành tích ảnh 2

Bộ trưởng tặng Bằng khen cho Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Vì được đầu tư đặc biệt với nhiều chính sách nên tuyển sinh ở trường chuyên đang có sức ép ghê gớm. Về phía phụ huynh, một số người còn chưa suy nghĩ thấu đáo, chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. “Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về phía địa phương, ông Sơn đề nghị đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên tuy nhiên cũng lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Trong điều kiện khó khăn phải tập trung đầu tư nhưng bên cạnh trường chuyên được "lộng lẫy" là nhóm trường khác chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa.

Theo báo cáo, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 tăng lên 77 năm 2020, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường. 

Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở đại học tuy còn hạn chế.

Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỉ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Việc xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác.

 

Theo TPO