The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cựu học sinh trường Chuyên Ams giành học bổng Tiến sĩ toàn phần ở tuổi 22

Post by: webams | 06/01/2024 | 570 reads

Lê Nguyễn Trà My (sinh năm 2001, Hà Nội) từng là học sinh chuyên Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam, vừa tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị Truyền thông Chiến lược tại Trường Đại học Monash (Úc) với bằng xuất sắc vào tháng 9/2023. Mới đây cô nàng tiếp tục nhận được thư mời nhập học với học bổng toàn phần cho chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Deakin (Úc).

Với học bổng Tiến sĩ nhận được, Trà My sẽ theo học chương trình này vào đầu năm nay. Theo chia sẻ của cô gái sinh năm 2001, học bổng có tên là “Deakin University Postgraduate Research Scholarship” - là học bổng toàn phần dành cho nghiên cứu sinh được cấp bởi trường Deakin University, Australia (top 1% trường Đại học thế giới).

Tổng giá trị của học bổng là hơn 4 tỉ đồng, trong đó bao gồm học phí 4 năm, toàn bộ sinh hoạt phí cùng bảo hiểm trong khoảng thời gian Trà My nghiên cứu và theo học chương trình Tiến sĩ.

Trà My cho biết thêm: “Học bổng được xét duyệt thông qua quá trình xét duyệt hồ sơ cạnh tranh với nguyên tắc xếp hạng riêng được đề ra của trường về thành tích học tập, kinh nghiệm nghiên cứu, cùng với việc đáp ứng tất cả các yêu cầu đầu vào tối thiểu khác theo Quy trình tuyển sinh, tuyển chọn được thiết lập sẵn”.

Cựu học sinh trường Chuyên Asm giành học bổng Tiến sĩ toàn phần ở tuổi 22 ảnh 1

Trà My vừa đạt học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ tại Úc.

Để chinh phục thành công học bổng toàn phần hệ Tiến sĩ này, trước đó Trà My cũng là một cô nàng có nhiều thành tích đáng nể. Cô là học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp, My tiếp tục học chương trình cử nhân kết hợp Thạc sĩ chỉ trong 4 năm với GPA 3.75/4.

Nhớ lại cảm xúc khi nhận được email thông báo của trường đỗ học bổng Tiến sĩ vào một buổi chiều đầu tháng 12, Trà My vẫn chưa hết bồi hồi xúc động. Trước khi nộp hồ sơ học Tiến sĩ, cô nàng cho biết cũng đã được nhiều anh chị đi trước đưa ra lời khuyên rằng cần sẵn tâm thế “nộp lần đầu có thể không thành công" hay nếu lần này chưa được sẽ cố gắng và làm lại lần sau, điều này hoàn toàn bình thường và không có gì đáng buồn.

Vì theo như nhiều lời chia sẻ, ngay từ việc nhận được admission (thư mời nhập học) đã là việc khó khăn bởi những yêu cầu đầu vào về điểm số, bậc học. Để đạt được học bổng, sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, ví dụ như funding (nguồn cấp học bổng) của trường trong thời điểm đó, những hồ sơ khác cạnh tranh trong đợt nộp hồ sơ, về dự án nghiên cứu bản thân đề xuất có đang phù hợp với định hướng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu cụ thể của khoa,…

Do đó, khi nhận thông báo của trường My vẫn ngờ ngợ, phải đến khi thầy hướng dẫn gửi lại nội dung email và chúc mừng cô nàng mới dám tin đã apply thành công và nhận được học bổng. Học bổng đã cho My cơ hội để theo đuổi giấc mơ và đam mê của mình một cách tự lập.

Cựu học sinh trường Chuyên Asm giành học bổng Tiến sĩ toàn phần ở tuổi 22 ảnh 2

My tốt nghiệp xuất sắc chương trình Thạc sĩ tại Đại học Monash.

Dù khoảng thời gian nộp hồ sơ đến thời điểm nhận kết quả chỉ diễn ra trong vòng hai tháng, nhưng quá trình Trà My chuẩn bị cho việc giành học bổng chương trình Tiến sĩ là một khoảng thời gian khá nhiều áp lực.

My tâm sự: “Trước khi mình viết Cover Letter để thuyết phục Hội đồng tuyển sinh, mình phải đảm bảo đủ yêu cầu tối thiểu để nộp hồ sơ vào chương trình. Đó là việc giữ điểm số ở mức xuất sắc, phải chuẩn bị về mặt điểm số ngay từ trong khoảng thời gian học càng sớm càng tốt để bộ hồ sơ có mức cạnh tranh cao hơn”.

Bên cạnh đó, nữ sinh phải lưu ý để đăng kí môn học nghiên cứu, làm luận văn để tích luỹ đủ kinh nghiệm nghiên cứu tối thiểu, và phải đạt điểm số cao để đạt mức yêu cầu đầu vào của trường. Đó là một áp lực khiến My luôn phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt quãng thời gian 4 năm học cử nhân và Thạc sĩ.

“Mình nghĩ học Tiến sĩ không chỉ là một cấp bậc học. Với việc học Tiến sĩ, mình xác định mình muốn bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy, và để mình có thể bắt đầu học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nghiên cứu, việc theo học chương trình Tiến sĩ chính là bước đệm đầu tiên”, My nói.

Theo đó sự phát triển của truyền thông, những ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ, mạng xã hội tới cách con người giao tiếp, tiếp nhận thông tin chính là một lĩnh vực nghiên cứu mà Trà My luôn mong muốn có cơ hội tìm tòi, khám phá và đào sâu hơn.

Từ việc nghiên cứu những hiện trạng về quản lí cộng đồng, quản lí nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, cô nàng có thể hướng đến giải pháp, phương hướng để phát triển môi trường sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn. Ngoài ra, Trà My cũng rất quan tâm tìm hiểu, phân tích các chính sách, quy định, không chỉ giúp ngăn chặn nội dung gây hại mà còn xây dựng cộng đồng trực tuyến lành mạnh hơn trong việc tương tác trực tuyến.

Nói về điều bản thân làm tốt nhất trong hành trình chinh phục học bổng Trà My khẳng định đó là đặt niềm tin vào bản thân và không bỏ cuộc. Cô nàng nói thêm hơn ba năm trước cô vẫn đang loay hoay không biết làm thế nào để cải thiện điểm số, cải thiện việc học,… My đã từng cảm thấy tự ti khi nhìn rất nhiều bạn bè, anh chị học giỏi, tiếp thu nhanh, nhớ lâu và có những thành tích vô cùng xuất sắc. My cũng đã từng cảm thấy bất lực với chính bản thân vì sao mình không thể viết lách mạch lạc hơn, diễn đạt được nhiều ý, trôi chảy hơn.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại cả một hành trình tiến bộ để trở thành một phiên bản tốt hơn, có định hướng hơn, My đã thẳng thắn thấy những lỗi sai và tìm cách học, cải thiện. Hơn hết, My rất tự hào khi bản thân đã tìm được một hướng đi trong việc học với nhiều cơ hội sẽ mở rộng.

Cựu học sinh trường Chuyên Asm giành học bổng Tiến sĩ toàn phần ở tuổi 22 ảnh 3

My từng gặp khó khăn về ngoại ngữ trong những ngày đầu du học Úc.

Trong 4 năm du học Úc và chinh phục thành công học bổng toàn phần Tiến sĩ còn giúp My vượt qua được rào cản về ngôn ngữ trong quá trình học tập.

Nữ sinh nhớ lại ngày mới bước chân sang Melbourne bắt đầu chương trình cử nhân My từng rất chật vật trong việc bắt kịp bài giảng, trao đổi ý kiến, và kể cả làm bài tập. Chính rào cản ngôn ngữ này đã khiến thành tích học tập của cô nàng có phần đi lùi. Thậm chí, My trở nên sống khép mình, không dám thể hiện ý kiến, đặt câu hỏi, giao tiếp trong lớp khi thấy các bạn sinh viên bản địa nói với tốc độ nhanh và trôi chảy.

Tuy nhiên, sau khi nghe biết các thầy cô luôn hiểu những khó khăn của các bạn du học sinh, nhất là về vấn đề sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, Trà My đã trở nên tự tin và tích cực học hỏi hơn.

“Điều mình rút ra là không được sợ sai, đặc biệt là với việc ngôn ngữ. Từ đó, mình đã mạnh dạn nói, mạnh dạn chia sẻ ý kiến, mạnh dạn hỏi những vấn đề mình chưa biết với thầy cô nhiều hơn. Mình đã được thầy cô đánh giá cao hơn về tinh thần học tập và điểm số của mình đã cải thiện rất nhiều từ việc tích cực trao đổi với thầy cô, được giải đáp những thắc mắc trong quá trình học để làm bài tập hiệu quả hơn”, My tâm sự.

Hiện tại, Trà My vẫn đang ở Melbourne và trong quá trình đợi đến kì nhập học chính thức chương trình Tiến sĩ. Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho dự án nghiên cứu sắp tới nữ sinh đã bắt đầu đọc và tìm hiểu trước những tài liệu nghiên cứu liên quan để có kiến thức nền vững chắc trước khi trao đổi chuyên sâu hơn với thầy cô hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Trà My tích cực hỏi thêm kinh nghiệm từ anh chị nghiên cứu sinh đi trước để tự tin hơn. My đang rất mong chờ để được bắt đầu hành trình học Tiến sĩ, dù biết chắc chắn sẽ có nhiều thử thách và áp lực.

Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên đang ấp ủ ước mơ giành học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ, Trà My gửi gắm thời gian và sự chuẩn bị là hai yếu tố then chốt để biến một ước mơ thành kế hoạch, từ kế hoạch để thực hiện, và đạt được mục tiêu, đạt được ước mơ đó.

Quan trọng hơn hết là đừng ngại tìm tòi, đừng ngại hỏi những người có kinh nghiệm đi trước. Tuy nhỏ nhưng họ chính là những người nhiều kinh nghiệm thực tế nhất, sẽ đưa cho bạn những góp ý, góc nhìn để bạn đánh giá, tìm hướng đi đúng cho bản thân, từ việc định hướng ngành học đến việc học những bậc học tiếp theo.

Theo báo Tiền Phong