THỦ KHOA NGƯỜI VIỆT LÀM VIỆC TẠI TÒA ÁN TỐI CAO SINGAPORE
Tốt nghiệp thủ khoa Luật ở ĐH Quản lí Singapore rồi trở thành người nước ngoài hiếm hoi trúng tuyển vào Tòa án Tối cao của đất nước này, Nguyễn Sinh Vương nói muốn biết làm thế nào để sử dụng luật pháp làm tấm vé cho sự thịnh vượng.
PV: Điều gì khiến Vương chọn du học và theo đuổi ngành Luật ở Đại học Quản lý Singapore (SMU)?
Nguyễn Sinh Vương: Mình luôn biết là mình muốn tiếp tục học đại học ở Singapore. Vào thời điểm nộp hồ sơ bậc đại học, mình đã học ở Singapore được 4 năm theo học bổng toàn phần của chính phủ Singapore (học bổng A*STAR). Mình biết rằng học sinh của học bổng A*STAR với điểm số cao trong kỳ thi A-Level (kỳ thi đại học của Singapore) có thể sẽ tiếp tục nhận được học bổng để học đại học ở Singapore. Nếu vậy thì sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho bố mẹ mình rất nhiều. Bên cạnh vấn đề tiền bạc thì bản thân mình cũng rất thích Singapore. Đó là một đất nước xinh đẹp, người dân tuyệt vời và nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Nhưng có lẽ cũng không thể nói là mình đã chọn SMU được, mà là SMU đã cho mình cơ hội. Mình nộp hồ sơ vào SMU nhưng không nghĩ là sẽ được nhận vì ở Singapore, Luật là một ngành rất khó mà sinh viên quốc tế rất hiếm khi vào được. Mình không hề hi vọng là SMU sẽ nhận mình vào học, và càng không nghĩ là chính phủ Singapore sẽ lại cấp cho mình một học bổng nữa (học bổng ASEAN) để mình có thể tiếp tục học đại học ở đây.
Vương từng nói rằng, có cả tỷ thứ ‘ném’ vào bạn khi theo học ở trường Luật. Những thách thức nào mà Vương gặp phải khi theo đuổi ngành học nổi tiếng ‘khó nhằn’ này?
Mình nghĩ rằng điểm khó nhất của việc học Luật ở Singapore là hệ thống luật pháp Singapore khác biệt hoàn toàn. Mình vẫn còn ký ức (không được tốt đẹp lắm) về lần đầu tiên học về luật uỷ thác trong lớp Luật Quyền Sở hữu (môn luật này ở Việt Nam không có) vào năm thứ hai. Khái niệm quyền sở hữu kép đối với tài sản (theo luật pháp và luật công bằng) là một thứ mình không thể hiểu được. Và đó cũng không phải là lần cuối cùng mình gặp phải một khái niệm luật khó hiểu như vậy. Nó giống như bị “sốc văn hoá” về mặt luật vậy, và chuyện đó kéo dài suốt 4 năm học trường luật.
Và tài liệu học không chỉ khó và lạ, mà còn rất nhiều nữa. Một phần thiết yếu của việc học luật là đọc các vụ kiện. Tuỳ theo loại luật mà có thể sẽ phải đọc vô cùng nhiều vụ kiện. Mình từng tham gia Price Media Law Moot (một cuộc thi mô phỏng quá trình tố tụng dành cho sinh viên luật), cuộc thi này có chủ đề về nhân quyền, đòi hỏi nhiều kiến thức về các Toà án Nhân quyền châu Âu và nhiều toà án quốc tế khác. Để chuẩn bị cho cuộc thi, mình nghĩ là mình đã phải đọc đến vài trăm vụ kiện.
Và bạn đã vượt qua nó như thế nào?
Mình nghĩ là để vượt qua thì ít nhiều phải có hứng thú thật sự với chủ đề học, và cũng phải giỏi chịu khổ. Chẳng có câu thần chú nào cả, mà đơn giản chỉ là phải chăm chỉ và kiên trì thôi. May mắn là luật khác với toán hay các môn khoa học – luật hoàn toàn là do con người tạo ra, nên về lý thuyết ta có thể học hết mọi bộ luật trên đời.
Nhưng tất nhiên, chẳng ai có thể đứng một mình mãi được. Đừng ngại nếu cần được giúp đỡ. Mình đã may mắn có được những người bạn chăm chỉ và tốt bụng hơn mình nhiều, các bạn ấy đã giúp đỡ mình (và cho mình mượn vở ghi chép) suốt mấy năm vừa qua, và mình rất biết ơn họ.
Thất bại đáng nhớ hoặc điều khiến Vương tiếc nuối nhất khi du học và làm việc ở Singapore?
Câu hỏi này khá khó, vì suốt mười năm vừa rồi ở Singapore, mình đã phải thất bại và tiếc nuối rất nhiều. Có lẽ (các) thất bại đáng nhớ nhất của mình là thành tích thi moot court (như giải thích ở trên, đây là cuộc thi mô phỏng quá trình tố tụng dành cho sinh viên luật). Trong 4 năm học trường luật, mình đã tham gia bốn cuộc thi moot court, mỗi năm một lần, nhưng lần nào cũng thua. Có lần mình thua ở vòng bán kết, có lần thì ở vòng chung kết.
Lần thua tệ nhất với mình là ở vòng chung kết quốc gia cho Jessup (cuộc thi moot court lớn nhất và danh giá nhất thế giới) năm 2019. Thua cuộc thi đó làm mình rất buồn vì lần đó mình là đội trưởng. Ai trong đội cũng đều đã làm rất tốt, nên theo mình thì lý do duy nhất chúng mình thua là vì mình đã không làm tròn trách nhiệm của một đội trưởng.
Còn điều làm mình tiếc thì có lẽ là việc mình đã không học Triết học nhiều hơn khi còn ở đại học. Mình khá hứng thú với Triết học, và SMU có một vài lớp Triết, nhưng thời khóa biểu không phù hợp lắm nên mình đã không học. Nếu hợp thì chắc là mình đã học được khá nhiều rồi.
Khi trả lời phỏng vấn ở SMU với danh hiệu thủ khoa Luật, bạn nói rằng nếu thời gian quay trở lại, bạn muốn mình sẽ đọc nhiều hơn. Vì sao đọc sách lại quan trọng với bạn như thế?
Việc đọc sách quan trọng với mình như vậy vì đó là cách học ưa thích của mình. Ý mình không phải là đọc sách là cách học duy nhất, nhưng với mình đó là cách học hiệu quả nhất, và tất nhiên, có nhiều thứ ta chỉ có thể học được nhờ đọc sách.
Mình phải cám ơn ông ngoại mình vì đã rèn cho mình thói quen đọc: lần nào khi mình tới thăm, ông cũng đang đọc cái gì đó, không sách thì báo. Ở nhà ông có một tủ sách rất lớn (ông thật sự đọc rất nhiều), và trong đó có nhiều cuốn sách đã làm mình thích thú.
Là cựu học sinh trường chuyên rất nổi tiếng ở Hà Nội, điều gì được học ở Việt Nam đã giúp ích cho bạn khi du học?
Mình nghĩ rằng nhờ Ams, mình đã quen với việc xung quanh mình luôn có rất nhiều người thông minh và có kỷ luật cũng như ý chí hơn mình. Thường thì nếu xung quanh luôn có người giỏi hơn thì rất dễ cảm thấy nhụt chí. Nhưng may cho mình là mình học được rằng nếu xung quanh toàn người tài giỏi hơn, thì tự nhiên mình cũng sẽ giỏi hơn thôi - và ở SMU cũng như vậy! Có thể mình được chọn là sinh viên giỏi nhất nói chung, nhưng chắc chắn ở mỗi môn học thì mình không phải là người giỏi nhất, có những bạn giỏi hơn mình ở cuộc thi moot court, hay về luật thương mại, luật công, v.v., và học hỏi từ các bạn ấy luôn là chuyện tốt.
Nhờ có Ams mà nền tảng tiếng Anh của mình cũng khá tốt. Khi mới tới Singapore, mình đã sợ là tiếng Anh của mình dở lắm, nhưng nhờ học ở Ams nên mình chỉ hơi dở thôi!
Cơ duyên nào dẫn Vương đến với công việc hiện nay – Thư ký Luật tại Tòa án Tối cao Singapore?
Có câu nói “Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ” đúng không nhỉ? Mình nghĩ câu nói đó ở đây cũng đúng phần nào, vì nếu không nhờ có bạn gái mình khích lệ thì mình cũng đã không trở thành Thư ký Luật.
Mình chưa từng nghĩ là sẽ có thể làm việc ở Toà án Tối cao Singapore. Ai cũng muốn được làm việc ở đây, và theo mình biết là họ tuyển rất ít (hoặc không tuyển) người nước ngoài làm Thư ký Luật. Nhưng bạn gái mình đã khăng khăng, thậm chí là nài nỉ rằng mình phải ứng tuyển. Lý do cô ấy đưa ra là khi ứng tuyển thì mình chẳng có gì để mất cả, mà nếu được thì lại được rất nhiều. Nhờ được bạn gái khích lệ nên mình đã tới gặp các giáo sư trường luật để xin lời khuyên, và các thầy phản hồi rất tích cực. Nhờ thế, mình đã quyết định thử vận may với chương trình Thư ký Luật, và kết quả thế nào thì bạn biết rồi đấy.
Điều gì khiến bạn thấy thú vị khi làm việc tại đây?
Ở vị trí Thư ký Luật, mình trợ giúp các Thẩm phán của Toà án Cấp cao và Toà Thượng thẩm với những vấn đề được đưa ra toà. Công việc của mình khá đa dạng và phụ thuộc phần lớn vào những gì cấp trên của mình – các Thẩm phán của Toà án Tối cao Singapore – cần mình làm. Nhìn chung thì phần lớn công việc của mình là nghiên cứu luật.
Điều làm mình hứng thú nhất với công việc chắc chắn là cơ hội được học hỏi từ những bộ óc thông tuệ nhất về luật pháp của Singapore. Mình có nói ở trên là nhờ Ams, mình đã quen với việc xung quanh luôn có những người thông minh hơn, và điều này rất quan trọng khi mình làm Thư ký Luật. Đồng nghiệp của mình đều là những sinh viên hàng đầu của các trường luật, không chỉ ở Singapore, mà còn ở Anh và Mỹ nữa! Cấp trên của mình thì càng không cần phải bàn. Mỗi ngày mình làm việc ở Toà án Tối cao là một ngày mình lại học hỏi thêm được điều gì đó mới mẻ, và mình rất biết ơn chuyện đó.
Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới?
Mình nghĩ rằng các dự định sắp tới của mình đều chịu ảnh hưởng lớn từ những gì mình được ông ngoại dạy. Ông nói với mình rằng hai trong số những phẩm chất quan trọng nhất của con người là lòng trung thành và tình yêu nước, có nghĩa là mình phải yêu Việt Nam, quê hương mình, và Singapore, quê hương thứ hai của mình, và nơi suốt mười năm vừa rồi đã đối xử với mình cực kỳ tốt.
Cũng chính ông mình đã dạy rằng một đất nước phồn thịnh phải có một nền luật pháp vững chắc. Bởi vậy, mình mới muốn học luật, để xem làm thế nào mình có thể sử dụng luật pháp làm tấm vé cho sự thịnh vượng. Không có hệ thống pháp luật nào là hoàn hảo, và mình tin rằng luật pháp ở Singapore hay Việt Nam cũng đều có điểm cần khắc phục.
Sau này, một lúc nào đó mình muốn làm việc ở một công ty luật. Mình đã may mắn được tìm hiểu luật pháp từ phía quan toà, và giờ đây mình muốn hiểu được nó từ phía luật sư.
Kế hoạch lâu dài thì mình chưa chắc chắn, nhưng mình rất muốn có thể quay về Việt Nam và góp một phần, dù có thể rất nhỏ thôi, vào việc củng cố hệ thống pháp luật của đất nước và tăng cường hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Singapore. Mình tin rằng hai hệ thống khác biệt này có thể học hỏi được từ nhau rất nhiều.
Nguồn: Lan Anh - Vietnamnet