The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Gặp gỡ những Amsers apply thành công các trường đại học hàng đầu thế giới

Post by: webams | 27/06/2016 | 23681 reads

Hành trình đến với giấc mơ du học luôn là khát vọng đối với nhiều Amsers sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong mùa apply 2015 - 2016 vừa qua, các “sĩ tử” đã bộc lộ hết bản thân mình qua điểm số và bài luận ấn tượng để lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển sinh; chính thức ghi tên mình trong danh sách được nhận của các trường đại học danh giá trên thế giới. Hãy cùng Ams Wide Web lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ những Amsers xuất sắc này nhé!

1. Nguyễn Tiến Thành - 12 Anh 1: Duke University


Chào Tiến Thành. Đầu tiên, xin chúc mừng bạn đã được nhận vào đại học Duke - một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Bạn có thể chia sẻ một chút về kết quả kì tuyển sinh đại học vừa rồi của mình được không?

Mình được 7 trường ở Mĩ nhận, trong đó mình quyết định chọn Duke University là điểm tới của mình năm sau. Thứ nhất, mình nghĩ Duke là một trường đại học nghiên cứu lớn, nhưng vẫn chú trọng vào việc giảng dạy sinh viên đại học (undergraduate). Do đó, sinh viên vừa có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu, vừa có thể theo đuổi nhiều lĩnh vực cùng một lúc. Thêm nữa, mình được Duke trao một học bổng khá giá trị cho học sinh quốc tế.

Quá trình tuyển sinh vào đại học Mỹ thường rất khắt khe và cân nhắc thí sinh một cách tổng thể, từ điểm số trên lớp, điểm thi chuẩn hóa cho đến các hoạt động ngoại khóa và các bài luận. Việc chuẩn bị hồ sơ nên bắt đầu khi nào?

Theo mình, càng chuẩn bị sớm, thí sinh càng có nhiều lợi thế hơn. Việc thi chuẩn hóa có thể hoàn thiện từ năm lớp 11. Trong trường hợp điểm thi của em không đạt mức mong muốn, em có thể thi lại vào tháng 10 trước đợt tuyển sinh sớm. Nếu thí sinh quyết định nộp hồ sơ vào đợt tuyển sinh sớm (EA/ED) tầm đầu tháng 11 thì nên bắt đầu nghĩ về việc chọn trường, viết luận, kế hoạch hoàn thiện hồ sơ sớm từ tháng 3, tháng 4 năm đó.  

Tham gia các hoạt động ngoại khóa như thế nào để phát triển bản thân và làm mạnh hồ sơ một cách tốt nhất? Có cần thiết phải thành lập một dự án hoặc tham gia các hoạt động tầm cỡ quốc tế mới có thể gây ấn tượng với nhà tuyển sinh?

Việc tự mình lập một dự án hoặc câu lạc bộ mới, cũng như tham gia vào các hoạt động quốc tế chắc chắn là những điểm cộng trong hồ sơ. Tuy nhiên, những hoạt động khác như trợ giảng, thực tập,… đều là những hoạt động ngoại khóa có khả năng làm nổi bật hồ sơ của em. Cách em nói về hoạt động của mình trên Common App (với các chi tiết như số lượng người tham gia, số giờ bản thân dành cho hoạt động, số tiền quyên góp được cũng như vị trí, vai trò đóng góp và phạm vi hoạt động), qua các bài luận nhỏ (Supplemental Essays), hay thậm chí là trong bài luận chính (Personal Statement) và phỏng vấn sẽ cho thấy hoạt động của em có tầm ảnh hưởng cũng như em có thật sự tâm huyết hay không. Đây mới là điều các nhà tuyển sinh lưu ý.

Có lời khuyên cho rằng nên có một “mũi nhọn” trong hồ sơ tuyển sinh, ý kiến của bạn về việc này là gì? Làm thế nào để học sinh biết được điểm mạnh, hướng phát triển của bản thân hay ngành học tương lai?

Từ kinh nghiệm bản thân, tham gia hoạt động ngoại khóa không có sự tập trung nhất định có thể là điểm trừ cho hồ sơ của em, do điều đó sẽ không thể hiện rõ những mục tiêu, sở thích, ước muốn của em và khiến nhà tuyển sinh khó đánh giá độ phù hợp của em với trường của họ. Tuy nhiên, đối với phần lớn học sinh cấp ba chưa thực sự xác định được đam mê, thế mạnh của mình và theo đuổi nó đến cùng, việc tham gia vào nhiều hoạt động mới giúp phát hiện được khả năng bản thân cũng như xác định hướng tương lai. Lời khuyên của mình là nên tập trung và quyết tâm với những hoạt động mình thực sự có tâm huyết và hiểu rõ đam mê mình.

Đối với các bạn học sinh chưa có cơ hội được trực tiếp trải nghiệm các trường đại học Mỹ, làm thế nào để chọn được những trường hợp với bản thân?

Khi chọn trường để nộp đơn, các em nên xét các tiêu chí sau để đảm bảo trường hợp với bản thân và bản thân hợp với trường. Trước hết là về cách học của bản thân. Các em nên xác định mình muốn chuyên sâu về một ngành như kinh tế, xã hội hay chưa định hướng và tò mò khám phá nhiều thứ. Có những trường khá năng động học tập bằng cách trải nghiệm trực tiếp văn hóa khắp thế giới, có những trường thiên về học thuật và nghiên cứu sách vở nhiều hơn. Thứ hai, các em cần chú ý đến tính cách và sở thích bản thân đặt trong môi trường học tập ở những trường đó. Nếu em cảm thấy chưa xác định được những điều này, nên tích cực nói chuyện với các anh chị đã hoặc đang học trường để hiểu thêm về cả đời sống lẫn những cơ hội trường sẽ cho em. Các trường lớn, đông học sinh sẽ có nhiều sự đa dạng hơn về nhiều mặt cũng cho em nhiều cơ hội hơn, nhiều nhóm bạn bè để làm quen hơn, nhưng luôn phải tự nhận thức được khả năng của mình khi nộp hồ sơ. Cuối cùng, hiểu biết về việc cung cấp hỗ trợ tài chính qua các năm cũng rất quan trọng, vì việc được nhận vào một trường hoàn toàn phù hợp với con người mình mà không thể đi học do không được hỗ trợ đủ về tài chính là rất uổng phí.

Tiến Thành và các bạn cùng lớp trong Ngày Hội Áo Dài

Bạn có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm về việc viết luận được không?

Bản thân từng đọc khá nhiều những chia sẻ kinh nghiệm về việc viết luận, mình nhận thấy không phải kinh nghiệm nào có tác dụng với người khác cũng phù hợp với mình. Cá nhân mình cho rằng muốn chọn ý tưởng hay cho bài luận thì phải viết nhiều, mỗi khi có ý tưởng thì nên viết ra để hình thành, hoàn thiện nó hơn. Khi không có ý tưởng, các em không nên ép mình phải viết mà nên thư giãn rồi suy nghĩ về một chủ đề hay tìm cách tiếp cận khác. Một bài luận bị gượng ép sẽ gây uổng phí nhiều thời gian và công sức. Ngay cả những ý tưởng em đã bỏ qua cũng nên được xem lại để nhận ra được những điểm nổi bật của em xuyên suốt qua các bài luận. Khi các trường mới bắt đầu ra đề vào giữa hè, các em nên bắt đầu luôn, trao đổi ý tưởng với những người khác, nắm rõ số lượng bài luận khác nhau của các trường và có chiến thuật riêng. Ví dụ như bài luận nào có ý tưởng dùng được cho nhiều trường thì nên đầu tư hơn.

Theo bạn, đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình nộp hồ sơ? Anh có lời khuyên gì cho các bạn ứng viên nộp hồ sơ vào các trường địa học Mỹ năm nay?

Từng người có những khó khăn riêng. Bản thân mình thấy một khó khăn lớn là việc tự chủ và cân bằng giữa việc nộp hồ sơ, việc học và đời sống.  Các em nên biết cách thư giãn bản thân khi bị áp lực, đặc biệt là khi các công việc chồng chất lên nhau. Đồng thời, các em cũng nên duy trì thành tích học tập và hoạt động trong quá trình nộp hồ sơ để nhà tuyển sinh thấy các em vẫn đủ khả năng và tâm huyết qua cả quá trình học cấp 3.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ những kinh nghiệm giá trị! Chúc bạn đạt được nhiều thành tích hơn nữa và thực hiện được các dự định của mình trong tương lai.

2. Tôn Hiền Anh - 12 Trung: Harvard University

Hiền Anh, Amser xinh xắn đến từ lớp chuyên Trung trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chính thức ghi danh vào Đại học Harvard, Mỹ với học bổng toàn phần trị giá 320.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) cho 4 năm.

Với gương mặt dễ mến với má lúm đồng tiền và đôi mắt sáng, Hiền Anh khiêm tốn nhận mình là cô bé “không thông minh lắm, phải lấy cần cù bù lại”. Cô nữ sinh 9X trường Amsterdam này không chỉ “đánh nhanh diệt gọn” ngôi trường vang danh Harvard mà còn cùng lúc chinh phục học bổng của nhiều trường ĐH Mỹ khác trong mùa tuyển sinh này.

Trong thành công bao giờ cũng có may mắn nhưng trên tất cả là sự quyết tâm, cố gắng hết mình của Tôn Hiền Anh với khát vọng mang tên Harvard. Kết quả tốt trong các kì thi chuẩn hóa của nữ sinh Hà thành không phải ngẫu nhiên mà có. Hiền Anh đã kể vui về “sự thật kinh hoàng” mỗi ngày chiến đấu với SAT bằng 150-200% sức lực của mình, học từ mới mọi lúc mọi nơi.

Hiền Anh xinh xắn trong Ngày Kỷ Yếu - Made In 12

Bản thân là một người hướng nội, Hiền Anh thấu hiểu ưu thế, lợi thế của một học sinh hướng nội khi chuẩn bị hồ sơ apply học bổng đại học Mỹ.  Bạn cho rằng, người hướng nội có thể không mạnh về hoạt động ngoại khóa như cá nhân hướng ngoại nhưng đó không hoàn toàn là điểm yếu. Với Hiền Anh, hoạt động ngoại khóa của một ứng viên hướng nội có thể không nhiều nhưng cần thể hiện chiều sâu. “Điểm khác biệt là cách mình cảm nhận hoạt động ngoại khóa, không chỉ tham gia để tham gia mà tham gia để cảm nhận, từ đó tìm ra hướng phát triển trong tương lai”, Hiền Anh chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm viết luận, Hiền Anh nói rằng, bạn đã cố gắng viết từ trải nghiệm bản thân để thể hiện suy nghĩ một cách chân thực nhất. Những sự việc, những điều tưởng chừng giản đơn nhất vẫn có thể chứa sức nặng và lay động hội đồng tuyển sinh bởi nó lại mang nét mới lạ, cảm nhận tinh tế của chính ứng viên với thế giới xung quanh.

“Để đạt được những trái ngọt hôm nay, em vô cùng biết ơn và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo – những người cha, người mẹ thứ hai đã dìu dắt và đồng hành cùng em trong hành trình vươn tới giấc mơ Harvard”, Hiền Anh nói.

3. Đào Vũ Quang - 12 Toán 1: Columbia University

Đại sứ trường Hà Nội - Amsterdam năm 2015, Đào Vũ Quang đã xuất sắc giành học bổng vào trường Đại học Columbia - một trong những trường đại học thuộc Ivy League, top các trường danh giá hàng đầu nước Mỹ. Vũ Quang chính là chủ nhân của nhiều giải thưởng Toán học và hoạt động ngoại khóa sôi nổi.

Đến nay, Quang đã bỏ túi nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về Toán học, như: Giải Bạch Kim cuộc thi Toán châu Á Thái Bình Dương (APMOPS) 2011, Giải Nhì Toán Duyên hải Bắc bộ 2014, Giải Nhì Toán học trẻ Quốc tế (KIMC) 2014; Tham gia trại hè Toán quốc tế tại Đức tháng 7/2015. Liên tiếp hai năm lớp 10 và 11, cậu giành học bổng Odon Vallet của nhà trường dành cho những học sinh có kết quả học tập xuất sắc nhất.

Hiện, Vũ Quang là chủ tịch câu lạc bộ hùng biện, tranh luận (Debate Club) của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Qua những sân chơi này, Đào Vũ Quang cùng những thành viên trong nhóm hướng tới rèn luyện kỹ năng hùng biện, giao tiếp bằng tiếng Anh, mở rộng vốn kiến thức văn hóa - xã hội của nhiều nước trên thế giới... hướng đến trở thành công dân toàn cầu. Đồng thời, hướng các bạn trẻ quan tâm tới những thách thức chung của cộng đồng thế giới như ô nhiễm, môi trường, mất cân bằng giới tính, bạo lực trong cộng đồng. “Nhiều vấn đề nóng của nhiều nước trên thế giới đã có, hay bắt đầu xuất hiện trong môi trường ta đang sống. Việc tìm hiểu những vấn đề thách thức này để chung tay tìm ra hướng khắc phục, phòng chống cho cộng đồng, từ đó đóng góp vào sự phát triển của đất nước và thế giới”, Quang chia sẻ. 
Năm 2015, Quang là đại biểu trẻ nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế tại Israel. Đây là hội nghị truyền tới các bạn trẻ tinh thần đổi mới sáng tạo của con người. Quang cũng tham gia Hội nghị Lãnh đạo trẻ châu Á  (ASLC) 2015 - chủ đề “Giáo dục cho mọi người”. Qua đó, học hỏi khám phá những kỹ năng khác nhau thông qua làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo.

Chia sẻ ấn tượng về Đào Vũ Quang, thầy giáo chủ nhiệm lớp chuyên Toán (khóa 2013-2016) Quách Văn Giang cho hay: “Quang là người có ý chí, có tính kế hoạch và nghiêm túc trong học tập và các hoạt động ngoại khóa. Cùng với Toán, Quang học đều các môn, riêng năm lớp 11 có điểm trung bình môn đạt 9,8. Đặc biệt, có ý thức học hỏi và trải nghiệm kiến thức văn hóa - xã hội”.

“Amsers are around the world” - “Amsers có mặt ở khắp thế giới” chính là câu nói minh chứng cho trí tuệ và tài năng của các bạn học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam trên con đường chinh phục khát vọng du học. Đối với mỗi Amsers, du học là một trong những bệ phóng để các bạn hiện thực hóa những ước mơ, để mở cánh cửa của tri thức và trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai.

PV: Minh Thủy - Anh 1 14-17

Nhật Linh - Văn 14-17

* Sưu tầm