Khối Nga
Bài tham dự cuộc thi viết về trường
MS 032
KHỐI NGA
Nguyễn Phương Hoa
chuyên Nga, khóa 2011-2014
Chỉ bốn, năm năm về trước, Khối Nga đối với tôi vẫn chỉ là một nguyện vọng trong tờ đơn đăng kí trường phổ thông. Một nơi chờ đón tôi với thứ tiếng lạ lẫm mà chưa khi nào tôi nghĩ mình sẽ học. Một tờ giấy trắng tinh mà tôi có phần lo lắng và bồn chồn khi chuẩn bị đặt bút viết tiếp chương mới của đời mình.
Tôi hạnh phúc vì đó đã và đang là một chương đầy tự hào và ngập tràn yêu thương mỗi khi tôi nhớ về.
Cái duyên được làm lớp trưởng lớp Nga trong suốt ba năm học quả thực khiến tôi gắn bó với khối hơn rất nhiều. Hồi ấy, tất cả chúng tôi - những trò 95, 96 hừng hực khí thế để thay đổi bộ mặt của Khối Nga. Nghe các cô kể, ngày trước các anh chị còn hiền và chưa chú tâm đến những hoạt động tập thể. Cũng một phần do quân số ít hơn hẳn các khối khác, nhiều khi chỉ bằng một nửa, thôi thì đành chấp nhận “yếu thế” hơn chút đỉnh. Chúng tôi thì khác, luôn miệng bảo ban nhau phải cùng xóa bỏ mọi định kiến của mọi người về Khối Nga, cùng dựng nên một hình ảnh hoàn toàn nổi bật, làm tất cả phải nể sợ, dè chừng!
Thế là hành trình đầy gian nan ấy bắt đầu. Khối Nga dần có tên trong những danh sách đứng đầu của các ngày hội ở Ams, giành giải Quán quân, Á quân của Ngày Hội Anh Tài, giải tài năng khối chuyên hay có những tiết mục kịch, múa đặc sắc khiến bao khối khác phải trầm trồ nhớ mãi không quên. Những câu lạc bộ danh tiếng ở trường hay ban chấp hành đoàn cũng dần dần được “cư ngụ” bởi những cái tên từ Khối Nga. Không chỉ có vậy, các thầy cô cũng tích cực khuyến khích chúng tôi tổ chức thêm rất rất nhiều hoạt động, buổi biểu diễn đậm phong cách Nga hay những buổi gặp mặt giao lưu toàn khối. Tất cả đều giúp cho mỗi cá nhân nhỏ bé, dù không tạo thành một khối đông đảo, lớn mạnh về quân số, nhưng là một tập thể gắn kết, gần gũi mà lớn mạnh về tinh thần. Hay như tụi trẻ nghịch ngợm chúng tôi thường đùa vui:” Số lượng không bì được chất lượng. Ít mà chất!”
Nhiều người vẫn hay thắc mắc, học thêm tiếng Nga, chắc là vất vả và khó khăn lắm. Với tư cách tự nhận là một học trò ngoan của khối, luôn chăm chỉ học tiếng và từng mài quần nơi phòng đội tuyển còn thơm mùi sơn tường ở tầng 4 trường Ams, tôi phải xác nhận điều này là chưa hoàn toàn đúng. Học tiếng Nga không khó khăn, mà rất rất khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu. Phải học thêm một bảng chữ cái hoàn toàn mới mà tôi chưa lúc nào đọc đúng được theo thứ tự hoàn chỉnh, ghi nhớ sáu cách chia các từ, học thuộc xem cái bút chì thì là giống đực vậy mà cái bút mực lại là giống cái...Nếu không có sự kiên nhẫn, tỉ mẩn và nhất là niềm đam mê thì sao mà học được những điều như vậy chứ! Ấy mà dần dần chúng tôi, hoặc ít nhất là tôi, cũng thấy quen với sự “Nga ngữ”. Các cô thường vẫn dặn, học gì thì học, nhớ gì thì nhớ, họ chỉ mong chúng tôi nhớ được lời chào, và trên hết là câu cảm ơn của tiếng Nga mà thôi. Vậy là đủ. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy. Bỗng dưng tôi thấy các cô giáo tiếng Nga sao mà tình cảm và sâu sắc hết biết! Và tôi yêu tiếng Nga, lớp Nga và khối Nga từ đó.
Nhưng điều mà tôi khắc ghi sâu đậm nhất trong chặng đường cấp 3, không phải là những giải thưởng, hào quang mà khối giành được, cũng không phải những bài luận, bài nói tiếng Nga từng khiến tôi mất ngủ nhiều đêm. Mà đó là tình cảm, là những con người tuyệt vời thân thương nhất mà tôi hết sức trân trọng cho tới bây giờ. Với riêng tôi, cái cảm giác đi xa rồi quay lại trường vào một ngày đầy ngẫu nhiên, bất ngờ nhưng vẫn được chào đón bởi những người bạn, những người thầy, người cô, nó rất cá nhân và đậm sâu. Người ta thường nói, xa mặt cách lòng. Nhưng khi có được những tình thân tri kỉ, những con người luôn ở đó, chờ đợi, đón chào ta về, thì ấy là nhà. Một tập thể nhỏ cũng có cái hay như vậy đó. Bạn dễ dàng quen được hầu hết tất cả mọi người, xây dựng cho mình những tình bạn bền lâu, và như tôi, tình thầy trò kì lạ nhưng kì diệu và khăng khít mà tôi chưa hề có được ở bất kỳ nơi nào khác.
Giờ đây, khi đã ngậm ngùi mang trên mình cái danh hiệu cựu học sinh trường Ams, cựu học sinh Khối Nga, tôi vẫn luôn nhớ về quãng thời gian đặc biệt ấy và vẫn thích tự tin “khoe” rằng: “Tôi là học sinh lớp Nga!”