Bộ Giáo dục xin Thủ tướng cho làm thêm 2 đề án
"Không rút ngắn số năm học phổ thông; Sẽ có tổng chủ biên đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015; Bộ GD-ĐT sẽ có cơ chế để hút người tài tham gia..." - Đó là những giải trình của Bộ GD-ĐT trình Chính phủ xem xét.
Sẽ có tổng chủ biên đổi mới SGK
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT khẳng định "không rút ngắn số năm học phổ thông" trước các ý kiến cho rằng cần rút ngắn số năm học phổ thông. Bởi Nghị quyết 29 đã xác định "Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay.
Rút kinh nghiệm từ quy trình cũ về tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn SGK - Bộ cho hay, trong Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố, trong đó có Bộ phận thường trực; các Ban xây dựng chương trình, biên soạn SGK quốc gia và các Hội đồng thẩm định chương trình, SGK quốc gia.
Sau 2015, phụ huynh và người học sẽ có nhiều lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh họa)
Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa Ban Chỉ đạo và các Ban, các Hội đồng. Ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc của các tổ chức được thành lập và các quy định về: Tiêu chí đánh giá chương trình, SGK; quy trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK và thẩm định chương trình, SGK...
Song song với đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có cơ chế để hút người tài tham gia vào đề án.
Nhiều bộ sách, giáo viên được tự chủ sáng tạo nội dung
Về chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK - Bộ GD-ĐT nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội nhất trí với chủ trương xây dựng chương trình và sách giáo khoa theo hướng mở, hiện đại: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Tuy vậy, cần hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các địa phương và cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu về phần bổ sung và về nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, vùng miền.
Theo Bộ GD-ĐT, đây là một trong các chủ trương làm thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Chương trình mới sẽ đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường.
Chuyển từ việc các nhà trường chỉ thực hiện rập khuôn theo chương trình quốc gia sang phát triển chương trình giáo dục của nhà trường dựa trên chương trình quốc gia. Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng chương trình quốc gia trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng, bổ sung nội dung và điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với điều kiện của mình. Dựa trên chương trình do cấp trên qui định, nhà trường và giáo viên được quyền tự chủ, sáng tạo về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; các cơ quan quản lý giáo dục địa phương (sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT) hướng dẫn, giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục hàng năm của nhà trường.
Công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa. Bộ biên soạn đủ một bộ sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác. Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông....
Xin thêm 2 đề án
Việc triển khai Đề án Đổi mới chương trình và SGK thông sau năm 2015 đang được Bộ gấp rút triển khai. Tại phiên họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự tính kinh phí sơ bộ cho đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong 10 năm lên tới 34.275 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giải trình gửi Chính phủ - Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 Đề án gồm:
Đề án Đổi mới đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dụcđáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông với các nội dung chủ yếu: Đổi mới căn bản chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông;
Đổi mới đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; Đổi mới công tác quản lý giáo dục; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo giáo viên chất lượng cao và nghiên cứu khoa học giáo dục; xây dựng đội ngũ chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa;
Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút người có năng lực, trình độ về làm công tác giảng dạy, quản lý tại các trường, khoa sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông…
Đề án Xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cơ sở giáo dục phổ thôngđáp ứng điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Đề án này được xây dựng và triển khai áp dụng cho các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm góp phần khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho các cơ sở giáo dục phổ thông trong đổi mới chương trình theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội; bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu, điều kiện tối thiểu để được thực hiện chương trình mới theo lộ trình của Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Đổi mới đại trà từ 2018 đến 2023
Một số điều chỉnh về lộ trình thực hiện chương trình mới được đưa ra có thay đổi so với dự thảo trước đây.
Việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK, triển khai thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm phải chu đáo, khẩn trương để đạt được các mục tiêu nêu trên.
Lần lượt triển khai đại trà việc áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (với cấp THPT); 2021-2022 (với cấp THCS) và 2022-2023 (với cấp Tiểu học) các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đến các lớp cuối của mỗi cấp học.
(Theo VietNamnet.vn)