The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hoàng Linh - cậu bạn lớp 11 nhất Toán quốc gia "không phải mọt sách"

Post by: Vũ Khánh Linh | 05/03/2012 | 5171 reads

Không chỉ đoạt giải nhất mà Hoàng Linh còn có điểm số cao nhất ở môn Toán quốc gia với tổng điểm "khủng" là 35. Cậu học trò lớp 11 cho biết mình không hề... mọt sách, ngoài học ra thì chơi cũng nhiều.

 

Mùa thi học sinh giỏi quốc gia năm nay không có nhiều giải Nhất Nhì và trong số các giải nhất thì điểm số của Trần Bảo Hoàng Linh là một con số rất cao với 35 điểm (2 buổi thi, điểm chấm theo hệ 20). Trước đó, vào năm lớp 9, Bảo Linh đã giành giải nhất toán ở kỳ thi Học sinh giỏi TP.HCM.
Với thành tích này, Trần Bảo Hoàng Linh sẽ trải qua thêm một vòng thi nữa vào tháng tư để tuyển chọn vào đội tuyển thi quốc tế. Dù đó không phải là mục tiêu bắt buộc, nhưng sẽ là một thử thách đối với cậu học trò của lớp 12 chuyên Toán trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Dưới đây là những chia sẻ của giải nhất Quốc gia môn Toán năm nay:
Sẽ không phụ thuộc vào các giải thưởng

Với Hoàng Linh thì Toán học có ý nghĩa như thế nào?

Mình làm Toán từ hồi 4, 5 tuổi nhưng hồi đó chưa thấy thích vì trẻ con thì ham chơi hơn. Cho đến khoảng lớp 7 – 8 thì mình mới thực sự thích.
Đó là lúc bạn thấy thích thú với việc giải các bài Toán khó?

Cũng không hẳn vì ngồi giải hoài bài khó thì nản lắm. Mình thấy thích vì đọc được nhiều kiến thức của lớp trên. Bài Toán thì cũng khó phân biệt là của lớp nào, chủ yếu là kĩ năng và kĩ thuật, vì đối với người học lớp dưới thì có nhiều cách giải mà các anh chị lớp trên thấy bình thường nhưng mình thì thấy khó.
Khi vào cấp 3, chọn luôn lớp chuyên Toán, bạn có lăn tăn tiếc các môn khác?

Nếu không theo Toán thì mình cũng chẳng biết theo môn nào nữa, mà có thi chắc cũng không đậu.
Hoàng Linh nói rằng giải một bài Toán thì cần kỹ năng và kỹ thuật, vậy cụ thể điều này như thế nào?
Kỹ năng là cách mình nhìn nhận đề tức là hiểu hết các giả thiết, xác định kết luận, sau đó là xem xét nó liên quan gì tới cái mình đã biết qua. Đôi khi là so sánh hai đề bài một cái mình từng làm một cái mình cần giải, hoặc so sánh hai kết luận xem cái này có dẫn tới cái kia không.
Còn kỹ thuật là cách mình xử lí cái mình đã đọc và hiểu từ đề bài. Đầu tiên là xác định những gì có thể làm được từ bài Toán mình đã biết, sau đó nghĩ xem những gì cần đạt được để có kết luận, xem có gì khác biệt giữa cái làm được và cái cần làm, cố gắng giải quyết sự khác biệt đó.
Nói chung, kỹ thuật là cách mình áp dụng mấy bài toán mình biết rồi cộng với chút suy luận, nói cách khác đó là một quá trình nhớ - so sánh - suy luận – ghép.
2 điều này là dành cho việc học, dùng để rèn luyện tư duy. Mình nghĩ, trong việc giải Toán, khả năng bẩm sinh là một phần nhỏ, mà quan trọng là niềm tin và sự chăm chỉ, mặc dù nếu không có một chút năng khiếu thì cũng khó rèn luyện như ý.
Trần Bảo Hoàng Linh (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) trong lễ ra quân đội tuyển HSG quốc gia.
Sự chăm chỉ của một cậu học trò theo môn Toán sẽ được hiểu như thế nào: làm nhiều, khám phá nhiều cách giải, và kiên trì đến cùng... bí quá thì đi hỏi?

Mình nghĩ làm nhiều hay ít tùy vào thời gian và cảm hứng, quan trọng là nghĩ nhiều. Nhiều cách giải thì cũng hay nhưng mình nghĩ là phải hiểu từng cách giải tới mức giải thích nó được ngay khi nghĩ về nó cho một bài toán mới gặp. Kiên trì thì... tất nhiên, nhưng kiên trì tới cuối cùng rồi mà vẫn bí thì thường mình để đó luôn, chừng nào có ý tưởng mới thì nghĩ tiếp, chứ ít khi hỏi ai lắm.
Với giải Nhất quốc gia, bạn sẽ có cơ hội vào đội tuyển thi quốc tế, bạn có kỳ vọng nhiều vào thử thách này?
Đó là một trong những điều mình muốn nhất lúc này, tuy nhiên, không phải mục tiêu bắt buộc. Mình chưa bao giờ nghĩ mình được đi thi quốc tế và đó cũng không phải là mục tiêu duy nhất, vì mình nghĩ mình cần có những mục tiêu thực tế và dài hạn hơn cho cuộc sống. Nhưng tháng 4 tới, khi kỳ thi tuyển đội đi quốc tế diễn ra, mình cũng sẽ nỗ lực hết sức và thành công hay không còn ở phía trước. Mình sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào các giải thưởng.
Như thế, bạn đã có mục tiêu thực tế và dài hơn cho mình chưa?

Thực tình thì mình chưa có kế hoạch cụ thể cho tương lai, mình chắc cũng như mọi người thôi, đó là vào đại học và tìm việc làm. Chắc mình sẽ thi ĐH Bách khoa hoặc Khoa học Tự nhiên. Mình hiện nghiêng về kỹ sư hoặc làm giảng viên hay trong viện nghiên cứu.
Học chuyên không có nghĩa là thành mọt sách

Trong một ngày bạn dành thời gian cho Toán như thế nào?

Nó tùy thuộc vào việc thời gian đó mình đang làm gì. Hồi cấp 2 việc học còn thoải mái nên mình dành nhiều thời gian cho toán. Lên cấp 3 thì phải học nhiều môn hơn nên chỉ khi rảnh mình mới học Toán. Còn khi vào đội tuyển mình dành toàn bộ, trừ khi giải trí, thực ra thì, nếu không có cảm hứng, nghĩa là không có ý tưởng mới cho một bài Toán thì mình giải trí.
Chứ bạn không xem giải Toán là giải trí sao?
Theo mình thì giải trí phải là lúc mình ít tập trung trí não nhất, do đó thì cái gì là niềm đam mê của mình thì không thể coi là giải trí được, phải coi là một việc quan trọng cần tập trung hết sức.
Bạn thấy việc học Toán giúp bạn có tư duy, cách nhìn nhận như thế nào đối với các vấn đề trong cuộc sống?

Thực ra việc học Toán trong chương trình phổ thông cũng chưa hẳn anh hưởng nhiều tới tính cách một học sinh, mình nghĩ giai đoạn này tính cách của học sinh được định hình nhiều hơn từ bạn bè và gia đình. Nhưng nó cũng ảnh hưởng nhất định tới mình, chẳng hạn làm mình  cẩn thận hơn, suy nghĩ nhiều hơn trước khi làm một việc gì đó, biết cách chấp nhận thất bại. 
Học trường chuyên, lại thường xuyên ở tình trạng đào tạo "gà nòi" cho các cuộc thi học sinh giỏi, bạn có biến thành... mọt sách không?

Mình thấy mấy bạn học Văn mới đọc sách nhiều chứ Toán cũng đọc bao nhiêu cuốn đâu. Mình không biết rõ mấy trường khác nhưng trong trường thì tụi mình chơi nhiều hơn học. Ngay cả thời gian ôn thi đội tuyển, tụi mình vẫn vui chơi rất thoải mái, không phải lúc nào cũng cắm cúi với sách vở.
Linh và chị gái. Ngày bé, cả hai rất hay "chí chóe" nhau nhưng lớn lên thì đã ít đi.
Ngoài Toán ra bạn còn có sở thích gì nữa?

Ngoài Toán thì mình không có đam mê nào nữa cả, chỉ đơn giản là sở thích thôi. Mình thích nghe nhạc, đọc sách, xem thể thao. Mình thích nhất là đội bóng Barcelona với Messi. Sách thì chị mình là sinh viên khoa Ngữ văn nên có nhiều sách lắm, mình thường đọc lén mấy cuốn tiểu thuyết trong giá sách của chị. 
Vậy cậu học trò lớp chuyên Toán có thần tượng một ai đó?
Thần tượng thì không nhưng ngưỡng mộ thì nhiều lắm. Theo mình thì không nên thần tượng, vì người học toán phải tập tính tự lập, tự nghĩ cách làm của của mình chứ không bắt chước được ai, tự tạo cho mình một cái gọi là... phong cách của mình.
Về sự ngưỡng mộ thì mình khó có thể kể hết, như giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Hà Huy Khoái, thầy Trần Nam Dũng, thầy Lê Bá Khánh Trình, anh Phạm Hy Hiếu....

(kenh 14)