The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Sở Giao thông: Cần sẽ có xe bus hỗ trợ đưa đón

Post by: longcv | 06/02/2012 | 6402 reads

Sau một tuần Hà Nội triển khai lịch học mới, khối các trường THPT bị ảnh hưởng nhiều nhất đã phát sinh nhiều bất cập. Dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhắc nhở với những trường "lách luật" cho học sinh về sớm trước 19h, nhưng không ít trường đến thời điểm này vẫn "giậm chân tại chỗ" vì chưa có giải pháp. Tại buổi họp chiều 6/2, Giám đốc Sở GTVT khẳng định:"Sẵn sàng cử xe bus đến tận trường hỗ trợ chuyện đi lại cho học sinh nếu cần thiết...."

 

 

Học sinh Trường THPT Quang Trung học thể dục trong bóng tối.

 

Nhiều trường "giậm chân tại chỗ"

Sau khi có thông tin một số trường “lách luật” để cho học sinh về sớm, Sở GD-ĐT Hà Nội phát công văn tới các trường yêu cầu nghiêm chỉnh thực hiện giờ được quy định điều chỉnh.

Đồng thời chỉ đạo, các trường học không được tự phép đặt ra giờ làm việc và học tập của riêng mình và chủ động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn của trường trong quá trình thực hiện. Tuyệt đối không cho phép nhà trường thu thêm khoản kinh phí nào để phục vụ cho công tác này.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV VietNamNet sáng 6/2, trong khi các trường thuộc khối công lập như THPT Việt Đức, Trần Phú – Hoàn Kiếm, Lê Quý Đôn hay Kim Liên vẫn nghiêm túc thực hiện thì nhiều trường vẫn loay hoay....

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu, Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay trường vẫn thực hiện theo lịch học cũ, học sinh vào trước 7h và tan sau 16h.

“20 năm nay trường thực hiện đưa đón học sinh đến trường bằng xe bus. Học sinh đi học khi phần lớn chưa ai đi làm và kết thúc giờ học khi chưa ai tan ca. Thế nên, thậm chí vào những đợt Hà Nội cấm đường, học sinh vẫn đến trường mà không bị ảnh hưởng gì” – ông Vĩnh cho hay.

“Nếu để trường tan muộn hơn một chút thôi sẽ gặp ngay tắc đường. Thậm chí để học sinh tan quá muộn, sau 19h cũng không ổn vì các cháu học 2 ca chính khóa/ngày (khoảng 8 tiết). Cô mệt, trò cũng lả vì đói” - lời ông Vĩnh.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các trường cần tính toán kỹ các chi phí phát sinh cho hoat động như (điện thắp sáng, nước sạch, công tác bảo vệ, làm thêm giờ và các chi phí khác nếu có…) để báo cáo sau 1 tháng thực hiện điều chỉnh trong hội nghị của ngành vào cuối tháng 2/2012.

 Trường THPT Lương Thế Vinh dù thực hiện theo lịch học mới, nhưng trường vẫn linh động cho về sớm đối với một số em có cha mẹ đến đón từ 17h30 đến 18h. "Vì đội ngũ giáo viên phải đi thuê, lịch học mới muốn áp dụng sẽ khó mời được người dạy" - lãnh đạo nhà trường phân trần.

Việc áp dụng giờ học ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành được triển khai linh hoạt. Ông Vương Dương Minh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường vẫn cho học sinh về sớm trước 19h chứ không nhốt các em.

Đây cũng là phương án được Trường THPT Chuyên khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chọn. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Vũ Lương nêu lý do: “Từ trước đến nay đa phần các lớp tan vào khoảng 6h30, không bị ảnh hưởng nhiều với lịch học mới. Nhưng điều kiện của trường đèn điện tối, khuôn viên không rộng mà giữ tất cả các em ở lại cũng rất khó”.

Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đặt vấn đề. Vì thực tế, học sinh đến từ nhiều khu vực khác nhau nên với giờ học cũ (trước vào lớp từ 7h15), mỗi ngày trường đã có khoảng 150 em đi muộn. Nay đổi lên trước 7h, số học sinh đi học muộn có thể tăng lên gấp đôi, khoảng 300 em mỗi ngày”.

Sở GTVT sẽ cử xe bus tới giúp trường

Trong buổi họp giữa ngành giao thông và giáo dục của Hà Nội trong buổi chiều 6/2, đại diện Phòng CSGT CA Hà Nội cho biết: “Buổi sáng, trưa giao thông tại các điểm nóng vẫn bình thường.

 

Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng: "Sở GTVT Hà Nội sẵn sàng cử xe bus đến tận các trường hỗ trợ chuyện đi lại cho học sinh nếu cần thiết"

 Tuy nhiên, đã xuất hiện thêm một số tuyến ùn ứ mà trước đó chưa xảy ra như Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ,…Nguyên nhân chính là do phụ huynh tới đón học sinh, chờ ngoài đường”.

 Một nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn ứ được CA quận Ba Đình cho biết là do việc đổi ca học buổi sáng và chiều chỉ cách nhau nửa tiếng khiến người về, người đi gặp nhau gây tắc nghẽn.

“Khi chưa đổi giờ, đường chỉ ùn ứ hơn 1 tiếng đồng hồ, từ khoảng 17h30 tới 18h30. Nhưng từ ngày đổi giờ, thời gian ùn ứ kéo dài suốt từ khoảng 17h30 tới tầm 20h mới hết.

Trước thực tế các trường đặt ra, tại buổi họp chiều 6/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: “Bất kể giải pháp nào nếu không quyết tâm thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm sẽ không phát huy hiệu quả."

"Khó khăn của các đơn vị, cơ sở chúng tôi tiếp tục lắng nghe, tiếp thu. Đánh giá hiệu quả cần làm sau 1-2 tháng. Lúc này sẽ còn quá sớm khi sinh viên và lực lượng lao động chưa về Hà Nội nhiều. Sở GTVT Hà Nội sẵn sàng cử xe bus đến tận các trường hỗ trợ chuyện đi lại cho học sinh nếu cần thiết”- lời ông Hùng. 

Lê Đức Thuận (Theo vietnamnet.vn)