The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Quá khứ và Hiện tại – Hai cuộc triển lãm ý nghĩa

Post by: myph | 11/12/2014 | 4912 reads

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của Ngài thị trưởng thành phố Amsterdam và đoàn khách chính phủ Hà Lan đến trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vào sáng ngày 10/12/2014, tại sảnh A và trục đa năng đã diễn ra hai cuộc triển lãm: “Anne Frank: Lịch sử cho hôm nay” và “Ở đây & Bây giờ”. Hai cuộc triển lãm thực sự đã đưa người xem vào một thế giới mới lạ, đồng thời gửi gắm một thông điệp sâu sắc về quá khứ và hiện tại.

1. Triển lãm ảnh: Anne Frank – Lịch sử cho hôm nay

Buổi triển lãm “Anne Frank : Lịch sử cho hôm nay” đã đem đến cho những khán giả niềm xúc động và cái nhìn sâu sắc hơn về tình cảm của người dân Hà Lan, đồng thời là sự hiểu biết về một con người – một biểu tượng đặc biệt trong lịch sử.

 

Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu trong chuyến thăm hỏi của ngài Eberhard Van Der Laan- Thị trưởng thành phố Amsterdam- Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại trường THPT Chuyên Hà  Nội - Amsterdam vào ngày 10/12/2014. Mở đầu chương trình, Nhà giáo Phạm Văn Đại – nguyên hiệu trưởng nhà trường gửi lời chào mừng nồng nhiệt và những lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể quan khách tham dự. Trong bài diễn văn, thầy giáo đặc biệt nhấn mạnh đến tình đoàn kết hữu nghị giữa thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và thủ đô Amsterdam (Hà Lan): “Ngược dòng lịch sử cách đây 29 năm, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được đón nhận những tình cảm nồng hậu và sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Hà Lan; cùng với công sức, trí tuệ và nỗ lực của nhân dân Thủ đô Hà Nội và các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh; ngôi trường Hà Nội – Amsterdam đã được xây dựng, hình thành và đang phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Từ đó đến nay, sự hợp tác giữa Thủ đô Amsterdam và Thủ đô Hà Nội đã có một sự khởi nguồn tốt đẹp và những kết quả đáng ghi nhận. Nhà giáo Phạm Văn Đại bày tỏ mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Ngành giáo dục và đào tạo của 2 thủ đô và với trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, nâng tầm quan hệ hợp tác giữa 2 Thủ đô, để ngôi trường mãi mãi xứng đáng là một biểu tượng tốt đẹp của tình hữu nghị giữa Hà Nội và Amsterdam.

Nhà giáo Phạm Văn Đại – nguyên hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam

Tiếp nối chương trình là lời phát biểu của ngài Eberhard Van Der Laan – Thị trưởng thành phố Amsterdam (Hà Lan): “Xét về mặt địa lý, Việt Nam và Hà Lan ở cách xa nhau, nhưng giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta, lại có rất nhiều điểm tương đồng- kết nối chúng ta lại gần nhau. Hà Nội và Amsterdam là hai thành phố lớn, phồn thịnh với rất nhiều hoạt động diễn ra hàng ngày, hàng giờ”. Ông bồi hồi chia sẻ cảm nhận của mình về nữ chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm – người anh hùng của dân tộc và cuốn nhật ký đã đi vào lịch sử của cô: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm giúp chúng ta thấu hiểu hơn những suy nghĩ và cảm xúc của một người thiếu nữ, vào thời điểm 1967 người thiếu nữ đó đã quyết định liều mạng sống của mình để cứu sống những người khác. Khi đó, người con gái Hà Nội 23 tuổi đã học xong để trở thành bác sỹ. Cha mẹ tuy không giàu có, nhưng cuộc sống của Đặng Thùy Trâm cũng ít thiếu thốn thứ gì. Tuy nhiên cô đã quyết định từ bỏ cuộc sống an nhàn thoải mái đó, để sử dụng những kiến thức  y khoa của mình phục vụ Mặt trận Giải phóng Dân tộc”.  Đặng Thùy Trâm  của Việt Nam và Anne Frank của Hà Lan - hai con người chưa bao giờ gặp mặt - hai nhân chứng của những cuộc chiến diễn ra vào những thời điểm khác nhau và ở những châu lục khác nhau, lại có sự gặp nhau ở lý tưởng, niềm tin và những khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ.  Qua bài phát biểu của mình, Ngài thị trưởng hi vọng thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ cố gắng trau dồi học tập thật tốt, ngay từ trên ghế nhà trường để góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh trong thời kì hội nhập và phát triển.

Ngài Eberhard Van Der Laan – thị trưởng thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Triển lãm nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn Amser và các bạn học sinh đến từ Hà Lan

Buổi triển lãm đã để lại trong mỗi học sinh THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam những ấn tượng sâu sắc, những hiểu biết về lịch sử mà nói như nhà thơ lớn của nước Pháp Victor Hugo từng nói- đó “là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống, là những thước phim đen trắng sống động, minh chứng hùng hồn cho một thời chiến tranh đã đi qua. Lịch sử có trong từng chiến công phi thường, lịch sử có trong màu cờ chiến thắng, lịch sử có trong tiếng reo vui vang dội. Và lịch sử cũng âm thầm gọi về trong từng trang nhật kí của những người sống giản dị, bình tâm nhưng nhiệt huyết trong tiếng gọi hòa bình. Những cuốn nhật ký thời chiến còn sót lại không chỉ là những nhân chứng sống động của quá khứ chiến tranh đã qua, mà còn là tâm hồn của những con người đã hóa thân vào cát bụi. Nhưng những dòng tâm sự vẫn còn sống mãi, nó đưa chúng ta- những con người trong quá khứ trở về với quá khứ một thời. Triển lãm “Anne Frank : Lịch sử cho hôm nay” đã ghi dấu trong trái tim khán giả như một hình ảnh đẹp về   Anne Frank – một cô bé người Đức gốc Do Thái, đã tự bạch câu chuyện của chính mình trong một cuốn nhật ký vào thời kì Thế Chiến Thứ Nhất, làm rung động lòng thương xót của hàng triệu người trên khắp thế giới. Triển lãm ảnh diễn ra tại sảnh A trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Những bức ảnh đen trắng phai mờ bụi thời gian, những dòng nhật kí viết vội trích dẫn trong cuốn nhật kí của cô gái Anne Frank đã đưa chúng ta tận mắt chứng kiến và cảm nhận những vết sẹo của chiến tranh, những năm tháng bom đạn ác liệt trong lịch sử nhân loại, để từ đó ta biết nỗ lực hết sức mình, quyết định hướng đi cho một thời đại mới, cho sự vận động của quốc gia, của dân tộc.

Trong khuôn khổ triển lãm, ban giám hiệu nhà trường đồng thời công bố kết quả cuộc thi viết về chủ đề: “War Diaries: What we can learn today from Anne Frank and Dang Thuy Tram?” Bài dự thi được viết dưới dạng tiểu luận bằng Tiếng Anh, độ dài trên dưới 1000 từ, nêu cảm nhận về hai cô gái – hai tâm hồn đồng điệu, tác giả của hai cuốn nhật ký còn sống mãi với thời gian. Bốn tác phẩm tốt nhất đã được chọn trưng bày và trao giải tại Triển lãm Ảnh “Anne Frank” và “Ở đây & Bây giờ” tại sảnh A với sự chứng kiến của Ngài thị trưởng Amsterdam, các vị khách quý từ Amsterdam và Chính phủ Hà Lan.

 

Kết quả cuộc thi được công bố như sau:

Giải đặc biệt:      Nguyễn Tiến Thành – 11Anh1

Giải nhất     :      Nguyễn Thảo Lương – 11Anh1

Giải nhì       :      Đoàn Minh Châu – 11Anh1

Giải ba        :      Trần Minh Anh – 11Anh1

Kết thúc chương trình, ông Eberhard Van Der Laan - thị trưởng thành phố Amsterdam, bà Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, nhà giáoPhạm Văn Đại – nguyên hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và nhà giáo Lê Thị Oanh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cắt băng khai mạc triển lãm. 

Ban giám hiệu nhà trường cùng đoàn khách Hà Lan cùng chụp ảnh lưu niệm và trao nhau những cái bắt tay niềm nở, tạo nên một bầu không khí hòa bình, hữu nghị, tượng trưng cho sự hợp tác tốt đẹp đã, đang và sẽ có trong tương lai.

2. Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: “Ở đây và bây giờ ”

Với những Amsers nào chưa có dịp được thưởng thức triển lãm “Ở đây và bây giờ” của anh Phạm Minh Hiếu – học sinh chuyên Lý khóa 11-14 tại số 93 Đinh Tiên Hoàng từ ngày 28 đến ngày  30 tháng 11 năm 2014 thì vào ngày hôm qua, ngày 10/12/2014, Triển lãm “Ở đây và bây giờ” – Hình như chúng ta luôn bị ám ảnh về thời gian…  đã được tổ chức tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.  Triển lãm cũng nằm trong chuỗi sự kiện chào đón Ngài thị trưởng của thành phố Amsterdam đến thăm Hà Nội.

Bắt đầu từ 11h sáng ngày 10/12, triển lãm đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cuốn hút với phần lớn lượng người đến tham dự là các giáo viên, Amser đang giảng dạy và theo học tại trường, ngoài ra còn có sự góp mặt đặc biệt của các cựu Amser cùng với các vị khách nước ngoài đến từ Hà Lan.

Với chủ đề chính là “Ở đây và Bây giờ”, anh Phạm Minh Hiếu đã thực sự truyền tải được cho người xem cảm hứng nghệ thuật của mình, đó chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật và vật lí, một sự kết hợp khá “ độc đáo” nhưng vô cùng sâu sắc và ý nghĩa.

Bước vào khu triển lãm, người xem có thể dễ dàng nhận thấy những bức ảnh với các công thức vật lý được đóng khung và trưng bày quanh phòng triển lãm.

Tiếp đó, người xem sẽ như được tham gia vào một chuyến du hành không gian khi di chuyển tới căn phòng thứ nhất được trang bị bởi bốn máy chiếu xung quanh cùng với những kĩ xảo và âm thanh sống động. Những màn chiếu trên bốn bức tường đã mô phỏng lại “chuyển động” của con người cũng như thể hiện được cuộc sống dường như  đang có sự gấp gáp, mọi người dường như sống vội vã hơn để đạt được những mục đích riêng của mình.

Rời khỏi căn phòng thứ nhất đến với căn phòng thứ hai,người xem thật sự bất ngờ khi căn phòng được trang trí chủ yếu với những tấm gương rộng, phản chiếu lại hình ảnh của bản thân, cùng với đó là những hạt cát biểu trưng cho sự ngưng tụ của thời gian. Lúc này, con người cần phải nhìn lại bản thân qua tấm gương và cần phải sử dụng sự bình tĩnh của mình để tìm được cánh cửa dẫn ra căn phòng thứ ba.

Bước sang căn phòng thứ ba, một lần nữa sự bất ngờ lại đến với người xem khi cả căn phòng chỉ toàn là màu trắng. Đây chính là biểu tượng cho sự hư vô, một chốn thanh bình, là nơi để con người có thể tĩnh tâm, suy ngẫm về cuộc đời của họ. Qua đó, họ sẽ có cái nhìn mới hơn và sáng suốt hơn về thế giới xung quanh.

Sau khi tham dự buổi triển lãm, phóng viên Ams Wide Web đã được anh Hiếu dành ít phút thời gian để chia sẻ thêm về ý nghĩa của buổi triển lãm. Anh chia sẻ: “Anh cảm thấy rất vui và bất ngờ khi buổi triển lãm được tổ chức ở chính ngôi trường cấp 3 của mình. Qua buổi triển lãm này, anh muốn nhấn mạnh đến người xem về khoảng khắc mà chúng ta đang thực sự sống, dường như con người sống quá vội và quá nhanh mà quên đi những vẻ đẹp xung quanh chúng ta. Đồng thời qua buổi triển lãm, anh cũng muốn mọi người dành một chút thời gian ra khỏi cuộc sống bận rộn của mình  để nhận ra những vẻ đẹp mà mình đã bỏ lỡ, để làm chủ được cuộc sống và sống thật sự với bản thân mình.”

Triển lãm “Anne Frank – A History for Today” và Triển lãm “Ở đây & Bây giờ” tuy mang hai phong cách khác nhau, song đều đem đến cho người thưởng lãm một thông điệp ý nghĩa. Thông điệp ấy tuy đơn giản mà đậm tính nhân văn sâu sắc: “Hãy nhìn lại quá khứ, nhìn lại dòng chảy của thời gian, quãng đường đầy bộn bề mà con người chúng ta đã từng trải qua, để chiêm nghiệm và cảm nhận…Và từ đó tiếp tục cống hiến, trân trọng những giá trị của thực tại”. Sống cho hôm nay và sống cho tương lai!                                                    

  PV: Nhật Linh – Văn 1417

Quang Minh - Sử 1417

Ảnh: Ams Media và ảnh do nhân vật cung cấp