The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Mừng ngày 20/11: Ở Ams, chúng tôi được sinh ra lần nữa…

Post by: nhungvh | 21/11/2013 | 4090 reads

Đây là những câu chuyện của chính bản thân tôi, thầy cô và bạn bè tôi, với hết thảy buồn – vui, khóc – cười, yêu – ghét có thực. Dù góc nhìn cá nhân có phần chủ quan và phiến diện, nhưng tôi vẫn muốn đặt bút viết về Ams, như một cách để giãi bày lòng mình về tình yêu không bao giờ tắt với nơi này. Với tôi, câu chuyện của một người khi tìm được sự đồng cảm sẽ dễ dàng trở thành câu chuyện của nhiều người - hy vọng rằng tất cả các bạn, ít nhiều cũng sẽ tìm thấy chút gì giống mình trong đó…

1. Ams là nơi tôi nhận ra mình là ai:

* Câu chuyện 1: Bạn là Amser ư? Đừng nói suông, hãy chứng minh điều đó!

Tôi là một Amser “thuần chủng”, nghĩa là lớp học sinh 7 năm của ngôi trường này. Chẳng phải khoe khoang, nhưng phải nói thành tích học tập những ngày học Ams II, đặc biệt là hai năm lớp 8 và 9 đủ để khiến tôi và ba mẹ có thể tự hào. Lại thêm sự chăm chỉ vốn có, tất cả càng củng cố niềm tin của tôi vào một tương lai tươi sáng ở Ams III.

Thế rồi, thật đáng xấu hổ, với đề thi Văn chuyên được đánh giá vừa tầm, thậm chí nhẹ nhàng hơn nhiều năm trước, tôi đỗ vớt, vừa đủ nguyện vọng 2 vào Ams. Bạn bè ngạc nhiên, cô giáo chủ nhiệm có phần hụt hẫng, ba mẹ dù không nói ra nhưng tôi biết mình đã không thể chạm tới kỳ vọng của mọi người.

Và đây chưa phải điều gì đáng xấu hổ nhất! Vào lớp 10, tôi vẫn xem mình giỏi, và văn chương thì chỉ đơn giản như thuộc về bản năng. Tôi tự thấy mình rất ổn, cho tới khi nhận điểm 5 Văn hệ số hai đầu tiên vì không viết hết nổi bài. Tệ hơn, trong khi tôi học lên học xuống mới lõm bõm thuộc chục trang bài giảng của cô giáo thì chúng bạn đã đọc thêm được vài quyển sách và biết vận dụng kiến thức lý luận để làm văn….

Giữa những người “giỏi nhất” quy tụ lại từ mọi trường THCS của thành phố, cái “giỏi nhất” của một “cựu Amser cấp II” là tôi hóa ra lại chẳng là gì! Tôi sợ hãi và hoài nghi chính bản thân mình. Những tháng đầu cấp III, tôi thấy mình trong tư thế của kẻ đến sau, luôn phải đi theo, rồi chạy theo để đuổi kịp người khác.

[…]

Chính ở Ams, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng: Con người ta không thể sống mãi bằng ánh hào quang của quá khứ. Bởi nó khiến bạn dễ dàng ngủ quên trên chiến thắng, nguy hiểm hơn biến thành rào cản tinh thần cho bạn đi tới tương lai. 3 năm sau nhìn lại, tôi biết ơn thời điểm thử thách trên rất nhiều. Chính cú shock này đã đưa “con ếch” trong tôi ra khỏi “đáy giếng”, Ams giúp tôi nhận ra mình là ai, mình đang đứng ở đâu, và quan trọng nhất phải làm gì khi hoàn cảnh đổi thay để chứng minh mình là một Amser thực thụ.

* Câu chuyện 2: Bạn là Amser – bạn đặc biệt:

Mỗi con người được sinh ra trên đời đều ẩn chứa những điều khác biệt. Nó làm nên suy nghĩ, tính cách và sức hấp dẫn riêng của chúng ta mà không ai có thể thay thế. Nhưng quan trọng hơn, không chỉ tôn trọng sự “khác biệt” của bạn, Ams còn biết cách biến sự “khác biệt” ấy trở nên “đặc biệt”. Và đến hôm nay, tôi vẫn coi nó như một điều gì đó kỳ diệu vô cùng.

Sự đặc biệt đầu tiên đến từ vị thế của một trường chuyên. Hãy khoan bàn đến những khoản đầu tư kếch xù cho cơ sở hạ tầng và trang thiết bị giảng dạy hiện đại, với tôi, điều tuyệt vời nhất ở Ams là bạn luôn được sống trọn với đam mê của mình, và được tạo điều kiện tối đa để phát triển đam mê ấy. Niềm đam mê lớn dần lên sau mỗi thế hệ, vượt khỏi giới hạn thành phố, ra ngoài phạm vi quốc gia đế vươn xa trên trường quốc tế. Ams cho tôi một môi trường phù hợp hơn cả cho sự phát triển toàn diện tính cách và thực sự là “Nơi khởi đầu của những ước mơ”! Để rồi từ những ngày đầu bước vào ngôi trường “cánh buồm xanh”, chúng tôi tuyên bố: “Amsers want to see the world”, đến hôm nay, khi chúng ta đang “căng buồm ra biển lớn”, bạn và tôi đều tin rằng “The world wants to see Amsers”!

Sự đặc biệt thứ hai: Ở Ams, bạn luôn được sống đúng với con người thật của mình, với tất cả những tốt – xấu, hay – dở, sáng – tối không cần giấu giếm. Hồi còn chưa trở thành “cựu Amser” như bây giờ (thực ra mới nửa năm trước chứ mấy!), tôi, có thể là chúng tôi, hầu như chưa ai nhận ra điều đó. Suy nghĩ này có vẻ buồn cười, cho đến khi tôi vào Đại học và bắt đầu thấy mình không còn thực sự là mình nữa. Không phải trường Đại học của tôi không tốt bằng Ams đâu! Ở đây, tôi quen nhiều bạn bè và anh chị hơn, học hỏi được nhiều hơn, tiếp xúc với thật nhiều người tài giỏi, đi nhiều hơn và làm nhiều hơn… nhưng cuối cùng vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đó.

Có lẽ là tôi không còn cảm thấy mình “khác biệt” và “đặc biệt” theo một cách nào đó như ngày còn ở Ams nữa…

[…]

Nhìn lại 7 năm qua của cuộc đời mình: Tôi “kết bạn” với Ams ngày mới 11 tuổi, và rời Ams khi 18 tuổi. Vậy là quá trình hoàn thiện tính cách của tôi đã diễn ra trọn vẹn ở nơi này, để giờ đây tôi có thể tự hào nói rằng: Đa phần những gì làm nên con người tôi hôm nay đều nhờ Ams mà có.

Và hẳn là các bạn cũng giống tôi, tin và tự hào về điều đó…


2. Ams không cho chúng tôi kim cương. Ams dạy chúng tôi cách hoàn thiện bản thân từ bùn than và chạm tới ước mơ “kim cương” bằng chính đôi chân của mình:

* Câu chuyện 3: Từ chín tầng mây rơi xuống mặt đất, là Amser, bạn phải học cách tiếp tục bay lên!

            Chuyện bắt đầu từ năm lớp 12, khi tôi chính thức bước chân vào đội tuyển Văn một cách nghiêm túc. Nói nghiêm túc cũng không hẳn, bởi thời gian đầu, tôi luôn có tư tưởng trốn tránh…vì sợ. Nỗi sợ lớn nhất của tôi, cũng như tất cả những học sinh cuối cấp khác là trượt Đại học! Nói nôm na thì “nhỡ may” đủ điều kiện đi thi Học sinh giỏi Quốc gia (HSGQG) cũng giống như bạn đang đứng trước một canh bạc – được ăn cả, ngã về không. Vốn lo xa, tôi vẫn mang một nỗi sợ mơ hồ: nếu tình huống xấu nhất xảy ra, tôi thậm chí không dám mường tượng mình sẽ ra sao nữa….

            Nhưng với tôi, tất cả đều như được định sẵn. Dù chẳng ôn tập gì, không hiểu sao tôi lại đạt giải cao trong đợt thi HSG Thành phố, vượt qua kỳ thi loại vòng 2 để trở thành thành viên đội tuyển QG. Tôi tự thấy mình không giỏi (hai kỳ thi này chắc do may mắn thôi!), nên đã xác định mục tiêu và kế hoạch ôn tập từ những ngày đầu cho kỳ thi HSGQG sắp tới. Quãng thời gian gấp gáp và căng thẳng này bòn rút của tôi từ sức khỏe đến các mối quan hệ bạn bè. Tôi xác định: sống chết gì cũng phải học để đạt giải Ba trở lên!

Vậy mà điều tôi lo sợ nhất lại đến. Đội tuyển Văn trường Ams một mình tôi là kẻ bại trận. 18 năm sống trên đời, với tôi đây chính là thời điểm kinh khủng nhất. Tôi thất vọng, suy sụp, lạc lõng hoàn toàn giữa những người chiến thắng…

Mọi lời an ủi đều vô nghĩa cho tới khi tôi nhận được dòng tin nhắn từ một người bạn phương xa: Hãy mạnh mẽ lên, chứng tỏ cho mọi người thấy cậu là Amser đi…”. Tôi bừng tỉnh. Trở về với guồng xoay của mình, tôi tiếp tục đề ra mục tiêu học tập “hậu thất bại” để đuổi kịp tất cả kiến thức đã bỏ lỡ trong thời gian ôn thi HSGQG. Chép lại vở, photo tài liệu học khắp nơi, nhờ bạn giảng bài… bằng mọi giá tôi phải làm được, vì tương lai của tôi, và vì cả phù hiệu “cánh buồm xanh” trên áo đồng phục nữa...

[…]

Và cuối cùng, khi nhận giấy báo đỗ Đại học với số điểm ngoài mong đợi, tôi biết cái kết có hậu đã đến với mình. Nếu như ngày ấy tôi không phải là kẻ thua trận, làm sao tôi hiểu thế nào là “lửa thử vàng”, làm sao hôm nay tôi có thể tự bước đi vững chãi trên chính đôi chân mình, không dựa dẫm hay nề hà thất bại. Ams thức tỉnh tôi về những khả năng tiềm ẩn, cho tôi niềm tin và sức mạnh để vượt qua trở ngại lớn nhất là chính bản thân mình… Tôi thầm cảm ơn Ams đã dạy tôi biết đứng lên sau vấp ngã, biết nỗ lực không ngừng để sải cánh bay và tự mình tỏa sáng…

3. Ams cho tôi một đại gia đình:

* Câu chuyện 4: Bạn bè là anh chị em - Amsers đi đâu cũng là anh em một nhà!

Ngày tôi vào Đại học – trường mới, bạn mới - vui thật đấy, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng như vừa đánh mất điều gì vô cùng quan trọng với mình. Trong khi đám bạn cũ lại tiếp tục chung lớp, chung trường ở Ngoại Thương, Ngoại Giao, Kinh tế quốc dân,… thì mình tôi chọn riêng một lối. Cho đến khi vào page Facebook của trường Đại học và nhận ra rất nhiều anh chị năm 2, 3, 4 đã từng là Amsers, tôi mới bắt đầu thôi thấy mình lạc lõng. Chưa dừng lại ở đó, cô giáo dạy tôi năm 1 ở Đại học Ngoại ngữ là cựu Amser, chị trưởng ban trong CLB tôi tham gia cũng là Amser, nơi tôi đăng ký học Tiếng Anh do một cựu Amser thành lập, thế rồi ở lớp học thêm tôi lại gặp một Amser nữa…. Thật kỳ diệu, vòng tròn tình cảm giữa những Amsers cứ mở rộng ra mãi, để rồi bằng cách này hay cách khác, chúng tôi vẫn có thể kết nối với nhau…

Tôi nhận ra mỗi chúng ta đều là một mắt xích nhỏ nhưng không thể thiếu trong chuỗi xích tình cảm giữa những Amsers – thứ tình cảm lớn hơn cả tình bạn bè này, tôi xem như tình ruột thịt. Nó tạo nên cảm giác an toàn khi được chở che và bảo vệ, nó đánh thức trong tất cả Amsers chúng ta, dù khác nhau về lứa tuổi, một sự tin tưởng và gắn kết mạnh mẽ. Cảm giác đặc biệt này gần giống như khi bạn là du học sinh, một ngày kia, ở nơi xứ người bỗng nghe tiếng ai ngâm nga một làn điệu dân ca quê mình – ngay khi ấy, bạn nhận ra nơi mình thực sự thuộc về, tìm thấy sự sẻ chia, đồng cảm, và chắc chắn rồi, cả cảm giác bình yên trong tâm hồn nữa.

[…]

Chung một xuất phát điểm là Ams, chúng tôi tỏa ra mọi nẻo đường trên hành trình theo đuổi mơ ước của mình, rồi một ngày lại tìm thấy nhau, hạnh phúc khi biết rằng chúng ta chung một “nguồn cội”. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, Amsers không phải đợi đến chương trình “Ams Connect” mới có thể kết nối với nhau. Giữa chúng tôi, những thế hệ của “ngôi trường cánh tay”, vẫn có một sợi dây liên kết vô hình song lại vô cùng bền chặt. Nó tạo nên thứ mà chúng tôi vẫn luôn trân trọng – Ams’s spirit – như ngọn đuốc chuyền tay, bất chấp mọi cách trở về không gian và thời gian để cháy mãi và sáng mãi…

* Câu chuyện 5: Thầy Cô là cha mẹ

Có lẽ rằng ít ngôi trường nào lại có một đội ngũ giáo viên đặc biệt đến thế. Không đâu như ở Ams, khoảng cách thầy – trò lại được rút ngắn tới mức tối đa như vậy, để chúng tôi vừa yêu mến và kính trọng họ như bậc sinh thành, vừa có thể thân thiết và tin tưởng sẻ chia như những người bạn lớn. Bạn và tôi, lũ học trò trường Ams này cần gì hơn là những người thầy, người cô như thế?

Tôi vẫn nhớ cô Châu – giáo viên hai năm cuối cấp Ams II của mình. Lớp 9B ngày ấy sợ cô lắm, sợ từ vẻ ngoài nghiêm khắc, lạnh lùng của một cô giáo dạy Văn đứng tuổi, sợ đến cả vô vàn “luật lệ” chặt chẽ trong giờ học hàng ngày. 50 học sinh cứng đầu và nghịch ngợm thuở ấy, chúng tôi gây ra không ít lỗi lầm, nhiều khi vô lễ chống đối, có đứa khó chịu với những “nguyên tắc” của cô, và rồi khó chịu với chính cô giáo mình nữa…

Cho đến khi mãi mãi chúng tôi không bao giờ được nghe lời cô giảng nữa… Nửa năm sau ngày tốt nghiệp cấp II, 20-11, 9B trở về thăm cô, mấy chục đứa hẹn nhau đến số 55 Lê Duẩn, mua bánh, mua quà và thay nhau viết thiệp. Biết bao lời cảm ơn và xin lỗi đã lần lượt được viết ra, có cả những giọt nước đã mắt rơi, vì vui, và cũng vì buồn… Nửa năm, dù không dài nhưng cũng đã đủ để mỗi chúng tôi vỡ lẽ những điều cô dạy. Từ độ ấy, 20-11 năm nào căn nhà phố cổ cũng rộn rã tiếng nói cười của đám học trò 9B ngày trước. Kỳ lạ thay, ở nơi ấy, chúng tôi lại thấy mình được làm trẻ con, thích “mách cô” về những điều chưa hài lòng ở trường lớp mới, rồi lần lượt báo cáo những thành tích đạt được, thầy trò lại hàn huyên tâm sự, cùng hát, cùng cười và ôn lại những chuyện ngày xưa… Có một điều vô cùng đặc biệt: lớp 9B của tôi năm ấy là khóa Amser cuối cùng may mắn được học cô. Và có lẽ thành công của chúng tôi hôm nay chính là cái kết viên mãn cho chặng đường “chèo đò” của nghề giáo đầy gian nan và khó nhọc.

[…]

Có những người sống cả cuộc đời dù thành công nhưng chẳng thể hạnh phúc, bởi mãi mãi không tìm được cho mình một chốn dừng chân yên bình. Vậy thì, chẳng phải chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc lắm sao, khi đã tìm được một “chốn đi về” là căn nhà nhỏ ấy? Cô thường không giấu niềm tự hào của mình về biết bao thế hệ học trò “dù không giỏi nhất nhưng lại nghĩa tình và yêu thương nhau nhất”… Tôi vẫn tin rằng, khi người giáo viên dạy học sinh bằng cả tấm chân tình của mình, thì cũng sẽ nhận về đậm sâu tình nghĩa. Và đôi khi tất cả những gì chúng ta cần lại chỉ nằm trọn trong một chữ “tình” như thế…

            Không ai cưỡng lại được quy luật của thời gian. Chúng con không thể mãi sống trong những tháng ngày thơ bé, trong vòng tay bao bọc của thầy cô và bạn bè. Tất cả đều phải lớn lên, trưởng thành, phải “lột xác”, phải đổi thay, phải đương đầu với vô vàn sóng gió để theo đuổi đến tận cùng hoài bão của đời mình. Chúng con còn nợ thầy cô nhiều lắm, nợ những lời cảm ơn, xin lỗi, nợ cả nghĩa tình mà dù đi hết cuộc đời, bằng cách nào chúng con cũng không thể trả hết. Nhưng con tin rằng: tất cả những gì chúng con có được ngày hôm nay đều in dấu ấn cô thầy, nhắc nhở chúng con về thiêng liêng nguồn cội, về những bài học đầu tiên mà theo con tới suốt cuộc đời này…  

Ngày hôm qua, ngày hôm nay, và cả những ngày sau nữa, chúng con vẫn vẹn nguyên một niềm tin như thế.

[…] và Câu chuyện thứ n…

Những câu chuyện về Ams có lẽ chẳng bao giờ kết thúc, như tình yêu của tôi với nơi này mãi mãi chẳng khi nào đổi thay. Khi viết đến những dòng cuối cùng về “tình yêu lớn” của đời mình, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện ra những câu thơ của Robert Rojdesvensky:

“Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà

Đến ga,

            xếp hàng mua vé:

“Lần đầu tiên trong nghìn năm,

Có lẽ,

Cho tôi xin một vé

đi Tuổi thơ…”

Hy vọng rằng, sau những câu chuyện này, bạn và tôi đều tìm thấy một “tấm vé” đưa mình về những tháng ngày ở Ams trên chuyến tàu hồi ức của riêng mình. Kỳ lạ thay, cầm “tấm vé” đặc biệt này trên tay, tôi lại thấy mình được sinh ra lần nữa.

Nguyễn Phương Linh (Ams II khóa 06-10, Ams III chuyên Văn khóa 10-13)