The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phát triển Đảng trong học sinh THPT tại Hà Nội: Vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài

Post by: anhph | 15/08/2022 | 1000 reads

Phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức cơ sở Đảng. Nhiều năm qua, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trẻ từ học sinh được nhiều chi bộ trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, nhìn lại số lượng học sinh THPT được kết nạp vào Đảng trong những năm qua tại Hà Nội còn rất khiêm tốn, vấn đề đặt ra là cần có thêm giải pháp để gỡ khó.

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng hai đảng viên trẻ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được kết nạp Đảng vào 6/2022.Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng hai đảng viên trẻ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được kết nạp Đảng vào 6/2022.

Nguồn nhiều nhưng đảng viên được kết nạp ít

Tại toạ đàm “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội” diễn ra mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Trần Thế Cương cho biết, trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong trường học, nhất là phát triển đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng giáo viên, học sinh, sinh viên của Đảng bộ TP thời gian qua còn một số hạn chế. Toàn ngành giáo dục của TP có 2.835 trường học ở các cấp học, với 138.090 giáo viên, trên 2,2 triệu học sinh, cùng với đó là gần 1 triệu sinh viên. Trong khi đó, 5 năm qua, toàn Đảng bộ TP mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó chỉ có 6 học sinh ở các trường THPT. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của TP.

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được coi là điểm sáng trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên từ học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thùy Dương cho biết, những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh được Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp. Đảng uỷ đã giao nhiệm vụ cho Ban Chấp hành Đoàn trường cụ thể hóa các nhiệm vụ chính trị của trường đến học sinh, đoàn viên thanh niên các lớp học, qua đó tìm, phát hiện, bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú. Kết quả, năm học 2021- 2022, Đảng bộ trường đã cử 7 đoàn viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do quận Cầu Giấy tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ trường đã kết nạp được 3 đảng viên là học sinh.

Trường THPT Quốc Oai mặc dù nằm ở ngoại thành, nhưng thời gian qua chất lượng dạy học cũng như phát triển đảng viên ở đây đã được thực hiện rất tốt. Hiệu trưởng trường THPT Quốc Oai Nguyễn Minh Châu chia sẻ, nếu chỉ tập trung vào việc giải quyết, xử lý những vụ việc xảy ra với học sinh khi đã mắc khuyết điểm để răn đe sẽ không phải giải pháp tối ưu và cần làm trong nhà trường. Điều quan trọng là phải tập trung vào việc tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh. Làm tốt được điều này, những thói hư, tật xấu trong học sinh sẽ mất dần đi.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm một trường THPT kết nạp ít nhất 1 đảng viên là học sinh; các trường THCN kết nạp từ 5 - 10 đảng viên là học viên; các trường đại học, cao đẳng kết nạp từ 20 đảng viên là sinh viên trở lên…

“Đây là điều mà trường THPT Quốc Oai đã làm từ nhiều năm nay và đạt kết quả tốt. Minh chứng năm học 2021 – 2022, chi bộ nhà trường đã được huyện Quốc Oai phê duyệt kết nạp 1 học sinh vào Đảng đúng ngày 19/5/2022. Đây là một đảng viên trẻ học lớp 12 rất năng động, học giỏi, sáng tạo và muốn được cống hiến” - Hiệu trưởng trường THPT Quốc Oai chia sẻ.

Một điển hình nữa trong việc làm tốt công tác phát triển đảng viên trong trường học là tại trường THPT Sơn Tây. Theo Hiệu trưởng trường THPT Sơn Tây Lương Quỳnh Lan, tại trường THPT Sơn Tây, ngoài những tiêu chí chung xét cảm tình Đảng trong học sinh, đoàn viên ưu tú còn phải có một trong các tiêu chí như: Đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi TP; tham gia hoạt động đoàn hiệu quả… Từ năm 2015 đến nay, chi bộ nhà trường đã kết nạp được 5 đảng viên là học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thuỳ Dương nêu ý kiến tại Toạ đàm “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội” Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thuỳ Dương nêu ý kiến tại Toạ đàm “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội” 

Vẫn còn nhiều khó khăn

Qua ý kiến của lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, tuy số lượng học sinh THPT tại Hà Nội được kết nạp đảng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn quá thấp, trong khi dư địa và tiềm năng rất lớn. Số lượng học sinh THPT được kết nạp vào đảng trong những năm qua ở Hà Nội còn khiêm tốn do vướng nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất chính là độ tuổi kết nạp đảng.

Để kết nạp đảng thì tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Nhiều trường hợp đoàn viên là học sinh được bồi dưỡng trong thời gian dài có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, nhận thức và yêu cầu về kết quả học tập để phát triển đảng. Nhưng sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục để phát triển đảng thì thường rơi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 8 trong năm, lúc này học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường. Đoàn viên phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Do vậy, nên cấp ủy Đảng trong nhà trường không thể ra các quyết định liên quan đến kết nạp Đảng.

Vì vậy, các học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Bên cạnh đó, những cá nhân được chọn kết nạp đảng phải có thành tích tốt toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động đoàn tại trường, địa phương. Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên chưa nhiều, nên số lượng kết nạp còn ít.

Ngoài ra, trình độ nhận thức của học sinh THPT còn hạn chế cũng là một rào cản. Dù công tác giáo dục lý tưởng chính trị, giáo dục nhận thức về Đảng cho học sinh được thực hiện thường xuyên, nhưng độ tuổi còn quá trẻ nên kết quả còn chưa được như mong muốn.

Để công tác phát triển đảng trong học sinh THPT ở Hà Nội thời gian tới phát triển mạnh hơn, lãnh đạo các trường đề xuất, mỗi chi bộ trường cần gắn công tác phát triển đảng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; củng cố, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu về công tác phát triển đảng trong học sinh gắn với nghị quyết của chi bộ, đảng bộ trường THPT.

Bên cạnh đó, chuyển tiếp kết quả phấn đấu những học sinh ưu tú giữa các tổ chức Đảng để động viên, ghi nhận sự phấn đấu liên tục. Đồng thời, nhằm tránh lãng phí nguồn, các tổ chức cơ sở đảng (trường THPT, địa phương nơi cư trú, trường đại học) cần có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc liên kết đánh giá, theo dõi, bồi dưỡng chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng, nhất là với những học sinh chưa đủ tuổi để kết nạp tại trường THPT.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội”.Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở Đảng bộ TP Hà Nội”.

Phải đảm bảo quy trình, không hạ thấp tiêu chuẩn

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phải khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới và muốn vậy phải có đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu. Do đó, phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh sinh viên là rất quan trọng.

Từ thực tế những khó khăn, vướng mắc trong phát triển đảng viên ở trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần thống nhất về nhận thức rằng, việc phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT là giáo dục toàn diện. Trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân và chính trị.

Để triển khai nhiệm vụ này, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành giáo dục, các trường phổ thông mà phải từ cấp ủy các cấp, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng và Đoàn thanh niên. Trong đó, các Bí thư chi bộ, hiệu trưởng các nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.

"Thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì phối hợp, tham mưu, báo cáo Thành uỷ để ban hành hướng dẫn, tiêu chuẩn về kết nạp đảng viên trong học sinh THPT trên địa bàn TP Hà Nội"- Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo

Phó Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị trong quá trình triển khai, cần song hành 2 mục tiêu về số lượng và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Quá trình thực hiện cần đảm bảo các quy trình, không hạ thấp tiêu chuẩn, song cũng cần linh động để tạo cơ hội cho các học sinh có điều kiện và mong muốn được tham gia.

Đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Thành uỷ chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho học sinh và theo yêu cầu của các trường THPT. Chương trình bồi dưỡng cũng phải cấu trúc lại để phù với học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh.

Theo Kinh tế đô thị